"Đất liền vững vàng thì ngoài đảo chúng tôi mới yên lòng được"…

“Chúng tôi đã hy sinh nhiều mong muốn cá nhân để cả đời gắn bó với các trạm hải đăng, với vùng biển đảo của Tổ quốc. Chỉ mong đất liền luôn là hậu phương vững chắc để chúng tôi yên tâm công tác” – ông Nguyễn Văn Thu, Trạm trưởng Hải đăng Sinh Tồn, chia sẻ.

“Chúng tôi đã hy sinh nhiều mong muốn cá nhân để cả đời gắn bó với các trạm hải đăng, với vùng biển đảo của Tổ quốc. Chỉ mong đất liền luôn là hậu phương vững chắc để chúng tôi yên tâm công tác” – ông Nguyễn Văn Thu, Trạm trưởng Hải đăng Sinh Tồn, chia sẻ.

Hải đăng Sinh Tồn có kết cấu hình trụ vuông mầu vàng vững chãi nổi bật trên thảm xanh của đảo

Trước đây cô độc hơn, giờ đã khác nhiều lắm

Ông Thu kể, trước ông học Hàng hải, và công việc mà ông gắn bó suốt mấy chục năm là cuộc sống bên những cây đèn biển. Ông từng là người trong nhóm thợ gác đèn đầu tiên vào tiếp quản hệ thống đèn biển do chính quyền miền Nam cũ để lại. Ông cũng trong nhóm những người đầu tiên ra Trường Sa khi cây đèn biển đầu tiên nơi đây đi vào hoạt động.

Say sưa với khách về những cây đèn, về những tâm tư và cuộc sống đồng nghiệp mình trên các trạm đèn biển, nhưng ông Thu lại có phần ngại ngần khi kể chuyện đời. Thì đi Trường Sa, ở Trường Sa, với ông, bao năm qua, đã là một phần quan trọng của cuộc sống, đã ăn vào máu xương mất rồi.

Quê Hải Phòng, hồi mới vào nghề, ông Thu cũng bắt đầu công việc bằng sự gắn bó với những cây đèn biển nằm trên địa bàn Hải Phòng, rồi Nam tiến, đã đi khắp, từ Nha Trang, Phan Thiết, đến Đà Nẵng, Trường Sa… “Giờ gần 60 tuổi rồi, sắp được nghỉ rồi” – ông Thu mộc mạc nói.  Nhưng điều ông thấy vui nhất, hóa ra, không chỉ là sắp được nghỉ trước mắt, mà là cuộc sống của người thợ đèn giờ khác trước rất nhiều: “Trước đây cô độc hơn, giờ đã khác nhiều lắm”.

Giờ, vợ con ông vẫn ở Hải Phòng, và mỗi năm ông chỉ có thể về thăm nhà 1 lần. Cuộc sống người thợ đèn còn khó khăn trăm bề, nhưng so với trước thông tin liên lạc hạn chế, tiện nghi giờ đã “một trời một vực”: “Thư gửi đi 3, 4 tháng mới nhận được. Khi có việc cần, phải nói qua ecom, mà phải lên phòng thông tin của cơ quan, và chỉ có gia đình nhà nào ở gần cơ quan mới có “đặc ân” đó, toàn phải tranh thủ trong thơi gian liên lạc thì nói “ké” thêm một chút về tình hình cho gia đình. Báo chí đưa ra cũng ít, chậm có khi cũng vài ba tháng mới có báo đọc”.

Ông Thu cùng với khách trên ban công đèn biển Sinh Tồn

“Đất liền phải là hậu phương vững chắc”

Ông Thu an lòng gắn bó với đảo, bởi ở hậu phương, vợ con ông giữ ấm mái nhà, với tình yêu biển đảo cũng ngấm vào mỗi người, con trai lớn của ông giờ cũng đang làm việc ở giàn khoan, cuộc sống vẫn gắn liền với biển, còn con gái đang học đại học. “Coi như 2 vợ chồng động viên nhau hoàn thành công việc” – ông cười.

Nói về hạ tầng của trạm hải đăng, ông Thu nhận định, hạ tầng kỹ thuật của đèn cũng ngày càng hiện đại. Nhưng trong mắt ông và những người thợ đèn, cây đèn biển nào cũng rất đẹp, bởi các ông yêu cây đèn biển đó, và biết rằng đó cũng là một biểu tượng về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chia sẻ với chúng tôi trong một trưa hè nắng, ngay dưới chân cây đèn biển Sinh Tồn, ông Thu bày tỏ, anh em ra đảo xác định toàn tâm toàn ý với đất nước, với quê hương… “Thật vui trong những năm gần đây, mỗi năm có nhiều đoàn khách từ đất  liền ra thăm, động viên anh em ở đảo, mang đến hơi ấm từ đất liền. Ở Trường Sa, khí hậu khắc nghiệt, sóng to gió lớn thất thường, sống rất vất vả. Nhưng những tình cảm ấm nồng từ đất liền đã khiến Trường Sa gần hơn, đỡ gian nan hơn rất nhiều”.

“Chúng tôi hy sinh nhiều mong muốn cá nhân cho niềm tự hào lớn là được gắn bó với Trường Sa. Thế nhưng trong đất liền nhiều trường hợp tham ô tham nhũng làm chúng tôi buồn” – ông Thu tâm sự - “Đất liền phải vững  vàng thì ở ngoài đảo, chúng tôi mới yên lòng được”.

Tạm biệt ông Thu, tạm biệt Sinh Tồn, tạm biệt Trường Sa, chúng tôi trở lại đất liền, trong lòng canh cánh nỗi đau đáu của một con người cả đời gắn liền với biển đảo: “Đất liền phải vững vàng thì ở ngoài đảo, chúng tôi mới yên lòng được”…

Hoàng Thủy

Đọc thêm