Đau đáu chuyện "miếng ăn" ngày Tết...

  Ngày xưa, khi đất nước mới giải phóng còn nghèo, ngày Tết ăn sao mà ngon thế. Nồi canh măng sườn lợn, bát thịt đông, cái bánh chưng, đĩa thịt gà, thứ gì cũng thơm ngon. Được ăn, ăn đẫy bụng, mà chả phải suy nghĩ gì... Ngày nay, đất nước phát triển gấp mười, gấp trăm lần ngày xưa, cái thời nghèo khổ ấy. Vậy mà, cái việc ăn, việc uống, thật sự lại là một vấn đề, là “vấn nạn”...

Ngẫm cho cùng, việc ăn uống là rất hệ trọng đối với đời sống con người, ai cũng phải ăn và phải uống mới tồn tại được.  Ngày Tết, chuyện ăn, uống lại càng hệ trọng hơn. Cả năm lao động quần quật, vất vả, dành dụm được ít tiền để mua sắm trong dịp Tết, nhưng chủ yếu là mua sắm để dịp tết được ăn uống cho thỏa lòng.

Hình minh họa

Ngày xưa, khi đất nước mới giải phóng còn nghèo, ngày Tết ăn sao mà ngon thế. Nồi canh măng sườn lợn, bát thịt đông, cái bánh chưng, đĩa thịt gà, thứ gì cũng thơm ngon. Được ăn, ăn đẫy bụng, mà chả phải suy nghĩ gì.

Thời ấy cái gì cũng thật: con gà nuôi bằng thóc, con lợn nuôi bằng cám, măng tre, măng nứa lấy từ rừng về ngâm cho hết đắng rồi phơi khô, hong dàn bếp…, tất cả ăn vào chỉ thấy sướng, sướng cái miệng, sướng cả cái bụng, và đặc biệt là làm cho con người thấy khỏe hơn, cả làng, cả nước ít biết đến bệnh tật, ung thư… là gì.

Ngày nay, đất nước phát triển gấp mười, gấp trăm lần ngày xưa, cái thời nghèo khổ ấy. Vậy mà, cái việc ăn, việc uống, thật sự lại là một vấn đề, là “vấn nạn”, hay nếu nói là “quốc nạn” cũng không ngoa chút nào, việc ăn uống khiến cho mọi người luôn phải đắn đo, lo lắng, nhất là mỗi độ Tết về.

Nỗi lo thực phẩm không an toàn đã là nỗi lo thường trực của nhà nhà, người người. Bây giờ người ta đi chợ mua mớ rau, miếng thịt, con cá… cứ đắn đo, với nỗi lo không biết có an toàn không?. Miếng ăn sắp đưa lên miệng, cái đầu cứ đắn đo không biết ăn có được an toàn không?. Kinh tế thị trường làm cho người ta đổ xô tìm cách kiếm được nhiều tiền, bất chấp cả lương tâm, bất chấp cả sức khỏe và tính mạng của người khác, của cả cộng đồng.

Ngay trong siêu thị, nơi người ta luôn tin tưởng rằng ở đây thực phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ và sẽ rất an toàn... Vậy mà không ít siêu thị thực phẩm bày bán, ăn vào, uống vào là biết ngay có an toàn hay không?. Ngoài thị trường tự do, ngoài đường, ngoài chợ thì người ta bày bán các loại thực phẩm rất không an toàn: mâm thịt quay, chả nướng, bánh mỳ pate, hàng mít bán rong... (hầu như đều không được bày trong tủ kính để tránh bụi, ruồi muỗi...).

Người trồng rau phun thuốc sâu vô tội vạ, miễn sao rau thật xanh, thật tươi mơn mởn; Người chăn nuôi từ nuôi lợn, đến nuôi gà, nuôi cá… đều cho ăn toàn là thức ăn nhằm tăng trọng, thu lời thật nhanh. Những loại thực phẩm như vậy , ngày tết ăn vào chỉ thấy nhạt nhẽo, chóng đầy bụng, chả thấy ngon gì, chẳng làm cho ta thấy hương vị ngày Tết xưa. Người sản xuất chỉ trồng, chỉ nuôi cho mình dùng đúng theo cách ngày xưa, cọng rau, miếng thịt thật ngon, thật an toàn, còn thực phẩm để bán cho cộng đồng thì “sống, chết mặc bay”.

Đồ uống ngày xuân cũng vậy. Ngày xưa, có chai rượu ngoại là sướng vô cùng. Ngày nay, uống rượu ngoại sợ lắm vì nghe nói có đến 70% rượu ngoại bày bán trên thị trường là rượu dởm được pha chế từ cồn công nghiệp với phẩm màu. Rượu ta, ngay cả vodka Hà nội, “rượu cuốc lủi”, rượu làng Vân…, tuy rẻ tiền hơn nhưng cũng bị làm dởm. Thời gian gần đây không ít người chết vì uống phải loại rượu dởm này.

Để lo về vấn đề an toàn thực phẩm, chúng ta có đến “ba Bộ”, đó là: Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, để lo về an toàn thực phẩm cho dân ba Bộ này đã tiêu tốn không ít tiền của dân, của nước, vậy mà thực phẩm ngày càng không an toàn. Chẳng hiểu họ làm ăn cái kiểu gì mà lại như vậy?.

Có lẽ ông Bộ trưởng Bộ Y tế thuở nào đã có lý khi đăng đàn trước Quốc hội là Bộ Y tế chỉ lo an toàn thực phẩm từ bàn ăn đến khi ăn “từ cái mâm đến cái miệng”. Nghe vậy cứ ngỡ là Bộ y tế (cụ thể là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nay là Cục An toàn thực phẩm”) sẽ ngăn được thực phẩm độc hại ngay từ bàn ăn đến cái miệng, ai ngờ những vụ ngộ độc thực phẩm hàng ngàn người ở các khu công nghiệp, ở các trường học, ở nhiều đám cưới, ở các ngày lễ, ngày Tết liên tục xảy ra, thế mới thấy cái tài “hài hước” của vị Bộ trưởng ngày ấy...

Nói vậy thôi chứ cả ba Bộ hay có đến dăm, bảy Bộ đi chăng nữa, có lẽ cũng chẳng lo được an toàn thực phẩm cho người dân đâu, khi mà “kỷ cương” về vệ sinh an toàn thực phẩm vốn đã thiếu, đã lỏng lẻo mà cũng chẳng được tổ chức thực thi một cách nghiêm ngặt.

Khi người sản xuất, kinh doanh còn bất chấp tất cả, từ luật pháp đến lương tâm thì Chính phủ và Quốc hội cần coi đây là “đại sự”, là vấn đề liên quan đến sự tồn tại và phát triển của giống nòi. Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tản mạn một chút về vệ sinh an toàn thực phẩm để mọi người cùng suy ngẫm.

Nguyễn Chung

Đọc thêm