Đau đầu những khoản thu “tự nguyện”

(PLO) - Trong nhiều nỗi lo của cuộc sống thì chuyện cho con cái ăn học khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu. Như thường lệ, khi hàng triệu học sinh cả nước vừa bước vào những ngày đầu năm học với niềm vui rạng rỡ, ngược lại nỗi phiền muộn, nặng nề cũng hằn lên nét mặt của không ít phụ huynh bởi nhiều khoản phí phải nộp. 
Đau đầu những khoản thu “tự nguyện”
Nếu là những đóng góp đúng quy định, thể hiện nghĩa vụ của phụ huynh có con em theo học đối với nhà trường lại đi một nhẽ. Đằng này rất nhiều khoản núp bóng “tự nguyện”, có thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh nhưng thật ra là bắt buộc như tiền mua báo, bảo dưỡng điều hòa, sổ liên lạc điện tử, ủng hộ… và mới đây là khoản bảo hiểm y tế bắt buộc. 
Với mức thu nhập khiêm tốn, kinh tế eo hẹp, mỗi thứ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, cộng vào sẽ là một khoản lớn khiến nhiều phụ huynh thấy đầu năm học của con là một nỗi ám ảnh. 
Chuyện đâu có lạ nhưng một số phụ huynh chỉ dám than thở trên facebook với bè bạn và người thân. Chỉ riêng chuyện lắp điều hòa trong lớp học, mua máy chiếu cho giáo viên cũng được đưa ra đủ các lời nghi vấn. Rằng một chiếc điều hòa ở nhà, lắp vào dùng cả chục năm, nhưng tại sao ở trường năm nào cũng “lắp”. 
Rồi những chiếc máy chiếu cũ năm trước mua đâu, sao không dùng, hay vẫn là cái cũ nhưng tiền đóng mới. Có điều mọi người chỉ dám nói bên ngoài, nào ai dám thắc mắc. Dễ hiểu thôi, bởi họ sợ con em mình bị lạc lõng, không được đối xử bằng những học sinh khác. 
Nhận về những tờ phiếu xin ý kiến, liệu có bao nhiêu phần trăm phụ huynh không ngậm ngùi, không cảm thấy bị bắt chẹt, rồi bụng bảo dạ phải đồng ý với các khoản thu của nhà trường? Đó phải chăng là một giải pháp an toàn, khi các phụ huynh không còn biết bấu víu vào đâu, cũng chẳng còn lựa chọn nào khác?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định rất rõ ràng: không được thu những khoản ngoài quy định. Những khoản đóng góp phục vụ cho việc dạy và học cũng không được thu cùng lúc, mà thu làm nhiều đợt để giảm bớt áp lực cho gia đình các học sinh. Hơn thế, nhìn căn bản hơn Nhà nước đã dành 20% tổng ngân sách đầu tư cho giáo dục - đào tạo. 
Đó đã là con số rất lớn, và các em học sinh có quyền được thụ hưởng về cơ sở vật chất tối thiểu, nhưng lại phải gò lưng “cõng” quỹ an ninh, tiền vệ sinh, tiền điều hòa, tiền xây dựng và nhiều khoản vô lý khác thì đúng là quá vô lý. Và nếu cấp có thẩm quyển đến kiểm tra thì nhà trường trơn tru đưa ra những tấm phiếu chứng minh là phụ huynh học sinh tự nguyện.
Người làm cha làm mẹ ai mà không thương con, ai chẳng muốn con mình được nuôi dạy trong môi trường tốt. Đương nhiên, theo các bậc phụ huynh, chấp hành mọi yêu cầu đóng góp của nhà trường là để “con được yên”. Nhưng chính những cái tặc lưỡi của các bậc phụ huynh, không đưa ra ý kiến thẳng thắn đã tạo thành một thói quen in hằn trong nếp nghĩ của các nhà trường, nơi các giáo viên họ có quyền đối với học sinh. Đồng thời đó cũng là một trong những căn nguyên dẫn đến bệnh vô cảm. 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận, vấn đề lạm thu ở các trường học luôn là vấn đề bức xúc của người dân, và năm nào cũng có chỉ thị, văn bản về chấn chỉnh lạm thu. Nhưng không hiểu sao đến nay kết quả vẫn chưa đáng kể. Từ lâu, các chuyên gia của ta nêu ý kiến: Muốn khắc phục tình trạng nhiễu loạn thu phí đầu năm học thì các bậc phụ huynh phải đứng lên bày tỏ ý kiến, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục phải có đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến, tích cực công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường học lạm thu.
Căn cốt của vấn đề vẫn là làm rõ các khoản thu theo quy định và  ngoài quy định nhưng bị gán cho mỹ từ tự nguyện. Và từ đó, một quyết sách sát thực tế hơn, đủ sức công phá được đưa ra.