Những cuộc “lội ngược dòng”
Anh Nguyễn Văn An có con gái học tiểu học công lập nên lên cấp 2 anh cũng quyết định cho con tiếp tục theo công lập. Nhưng vào học lớp 6 được hơn một tháng, thực tế học hành của con anh đã khiến gia đình phải “nhìn nhận lại” và cuối cùng cả nhà thống nhất chuyển con sang môi trường học tập khác.
“Từ hồi vào lớp 6, tối nào cả nhà tôi cũng quần đến hơn 12 giờ khuya nhưng con vẫn chưa làm xong bài tập về nhà, và thường là 1g sáng mới xong. Con mệt mỏi, ủ rũ, thiếu lanh lợi, còn cả nhà thì nháo nhào vì việc học của con. Ban đầu chúng tôi tính xin chuyển con khỏi lớp chọn, nhưng qua thăm dò thì biết ở lớp thường tình hình cũng y chang nên giải pháp cuối cùng là chuyển con sang dân lập”, theo anh An.
Khác với anh An, chị Trần Phương Dung quyết định chuyển trường cho con vì câu chuyện học thêm “tự nguyện” . Chị cho biết, con chị học chưa hết năm lớp 10 mà cả nhà đã quá sợ vì nhà trường tổ chức dạy thêm và ép "tự nguyện".
Chị phải cho con đi học thêm ở trường dù cháu đã chọn một chỗ khác thiết thực hơn bên ngoài. “Không cho con đi học thêm ở trường cũng không được, mà cho con đi thì học thêm nhiều quá, sợ cháu không đảm bảo sức khỏe” – chị Dung cho biết.
Với anh Hoàng Minh Trí thì việc anh cho hai con của mình học trường dân lập vì anh chấp nhận “chi nhiều tiền cho con được học ít”. Theo anh Trí, “khi con bắt đầu vào lớp 1, tôi đã làm phép thử, thử cho con đi học trường công lập gần nhà và cho con học tại lớp học ôn thi của trường dân lập, sau đó tôi hỏi cháu, cháu thích học ở đâu. Con tôi nhất định muốn học ở trường dân lập vì nó thấy yêu cô giáo ở đó.
Cô giáo rất dịu dàng, không quát mắng con. Kể cả khi con mắc lỗi, cô chỉ ra lỗi của con và sửa cho con.Tôi quan niệm rằng với bất kỳ ai, phải thích làm việc gì thì mới làm tốt được việc đó. Con tôi sẽ học tốt nếu bảo thân cháu thích học và thích đến trường. Trường dân lập nơi con tôi học thử đã làm được điều đó.
Sau này tôi thấy quyết định của mình là đúng. Con rất thích đến trường, nghỉ học là con nhớ các cô và nhớ bạn. Con học tương đối tốt và rất tự chủ trong việc học, bố mẹ không phải nhắc nhở nhiều. Hầu hết các bố mẹ là phụ huynh cùng lớp với 2 con tôi đều chia sẻ là không muốn cho con học nhiều quá, học thêm và thấy áp lực với việc học, vì thế nên chọn trường dân lập. Tôi cũng cùng quan điểm như vậy”.
Công chưa chắc đã ít tốn hơn tư
Đưa ra ba trường hợp như vậy không phải để cổ vũ cho trào lưu cho con học trường dân lập vì không phải gia đình nào cũng đủ kinh tế để đảm bảo. Mặt khác, không phải cứ trường công lập là áp lực, là tiêu cực như mọi người thường nghĩ. Bằng chứng là những thế hệ đang là cha mẹ, ông bà bây giờ đều trưởng thành từ ngôi trường công lập đó thôi.
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế thế này, nhiều phụ huynh đã thử làm phép tính toán chi phí trường công và tư trên cơ sở tư duy chung rằng “học công ít tốn tiền, học tư chi tiền núi”. Kết quả phép tính toán chi phí bỏ ra cho con học ở trường công và trường quốc tế làm nhiều người bất ngờ.
Theo anh Nguyễn Văn Dũng, phụ huynh có hai con từng học trường công thì chi phí này là 7/10. Anh Dũng cho biết con anh học trường quốc tế, chi phí mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng/học sinh, trong khi đó để học ở trường công, mỗi tháng con anh cũng tốn 6-7 triệu đồng. “Vì học ở trường công đương nhiên phải học thêm hết môn này đến môn khác, đưa đón con đủ kiểu”, anh Dũng tính toán.
Một phụ huynh khác thì cho biết chi phí học tập ở Việt Nam tính trên thu nhập bình quân đầu người là quá đắt đỏ, vì chi phí cho học thêm rất nhiều. Trường công nếu vẫn tiếp tục dạy theo kiểu này thì lợi thế trường nhà nước, chi phí rẻ dần dần cũng không còn, vì học sinh bắt buộc phải đi học thêm do sĩ số lớp đông giáo viên không thể quan tâm kỹ đến tình hình học hành của từng học sinh, hoặc do học sinh bị ép phải đi học thêm “tự nguyện”…
Chọn công lập hay dân lập là tùy…
Nhưng nói gì thì nói, lựa chọn trường công hay trường tư luôn là câu hỏi đau đầu cho nhiều phụ huynh, nhất là thời điểm có con vào đầu cấp. Để trả lời được câu hỏi này học phải cân nhắc rất kỹ cho việc học của con từ những chi tiết nhỏ nhất, kể cả cái… nhà vệ sinh ở trường.
Hãy nghe một thành viên có nickname cuame chia sẻ trên diễn đàn: “Chọn công lập hay dân lập là tùy vào hoàn cảnh kinh tế gia đình, sức khỏe và thực lực của mỗi bé các mẹ ạ. Nếu bé chăm chỉ, có ý thức kỷ luật, tự giác và có khả năng tập trung cao thì ở đâu bé cũng sẽ đạt kết quả tốt.
Riêng với bé nhà mình, cả nhà quyết định chọn dân lập vì rất nhiều ưu điểm của nó: Với lớp 20 hay 30 học sinh, việc dạy và học đã khác nhau rất nhiều, huống chi là một lớp 50-60 cháu. Một cô giáo dù giỏi đến mấy, dù có 3 đầu 6 tay chắc cũng không thể quan tâm đầy đủ tới từng bé được.
Dù cô có yêu trẻ, tâm huyết với nghề cũng sẽ không thể làm tốt như mong muốn vì sĩ số học sinh như vậy sẽ là quá tải. Là giáo viên, mình thấy con số 25-30 học sinh là lý tưởng. Cơ sở vật chất cũng cực kỳ quan trọng với bé. Mình không quan tâm đến trường đẹp nhưng lớp học phải thoáng và sạch, đủ ánh sáng để bảo đảm cho bé khỏe mạnh và bớt đi nguy cơ cận thị rất cao ở hầu hết các trường công lập.
Điều tiếp đến mình quan tâm là nhà vệ sinh. Bạn hình dung xem con học bán trú cả ngày, nếu nhà vệ sinh bẩn, nhiều bé vì quen sạch sẽ tại gia đình, sẽ nhịn đi vệ sinh và điều gì sẽ đến với thận và đại tràng của bé sau này? Điều thứ ba là bàn ghế hợp chuẩn với từng lứa tuổi để bé không mắc phải các tật về xương và mắt như một số bé lớp 1 hiện nay vẫn đang còn phải ngồi chung bàn với các anh chị cấp phổ thông cơ sở.
Nhưng có lẽ, điều mình quan tâm nhiều nhất, đó là nhân cách của con và phương pháp học và làm việc sau này của các con. Mình vui với ý nghĩ con không phải bận tâm về việc công bằng hay không công bằng giữa những bạn học thêm hay không học thêm nhà cô như thực tế công lập hiện nay.
Mình hài lòng khi con dám thẳng thắn nói ra ý kiến, suy nghĩ của mình, bảo vệ ý kiến của mình. Mình sợ lắm cái kiểu đào tạo trẻ thành "thợ" làm toán, "thợ" viết chữ đẹp, "thợ" làm văn, vài chục bài tả mẹ như một, như thể tất cả những đứa trẻ đó sinh ra từ một mẹ duy nhất vậy.
Cái mà mình mong đợi ở nhà trường là dạy cho con kỹ năng sống, khả năng tư duy độc lập và niềm hứng thú khám phá, học hỏi. Phương pháp lấy học sinh làm trung tâm hiện nay của các trường dân lập chẳng phải là điều gì mới mẻ nhưng nó thật sự quan trọng để tạo nên một con người sáng tạo, năng động, linh hoạt và độc lập sau này”.