Người giúp việc (osin) ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống gia đình hiện đại. Không thể phủ nhận rằng sự góp mặt của họ đã khiến cho công việc chăm sóc nhà cửa của mỗi gia đình trở nên nhẹ nhàng, đơn giản hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, khi quá phụ thuộc vào người giúp việc, những hệ lụy không thể ngờ tới đã xảy ra, và nhiều người chỉ biết “than trời” vì lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Thà mang tiếng bất hiếu với mẹ chồng chứ không thể đuổi người giúp việc
Đó là tình cảnh của gia đình chị Hạnh (Trung Yên, Hà Nội). Chức vụ giám đốc marketing của chị đòi hỏi cường độ làm việc cao và sự tập trung cho công việc bất kể giờ giấc, do đó, có một người giúp việc để thay mình chăm sóc nhà cửa, con cái là điều không thể thiếu đối với chị.
Nhưng chặng đường tìm được giúp việc ưng ý của chị cũng rất gian nan, bởi những cô trẻ quá thì thường đỏng đảnh, không chăm chỉ, những người lớn tuổi một chút thì hay chậm chạp, khó tiếp thu, khó sử dụng những đồ gia dụng hiện đại trong gia đình…
Phải mất 4 năm liên tục thay đổi osin, chị mới thuê được một người tạm ưng ý, và cũng phải mất hơn 1 năm liên tục nhắc nhở, bà osin này mới thuần thục những công việc cần làm trong gia đình chị, cũng như làm việc theo đúng những yêu cầu mà chị đặt ra.
Bà này đã làm cho gia đình chị được 5 năm. Bởi bà giúp việc không còn ai thân thích, nên coi gia đình chị Hạnh như gia đình của mình, bà rất yêu quý các con chị Hạnh và chăm sóc chúng rất tốt, từ miếng ăn đến giấc ngủ, ngay cả khi chúng ốm, bà ta cũng không quản ngày đêm chăm lo cho chúng. Chị Hạnh từ lâu cũng coi bà giúp việc như một thành viên trong gia đình, đối xử với bà rất tốt.
Ảnh: Shutterstock |
Mọi chuyện đáng ra sẽ yên bình như vậy, cho đến khi mẹ chồng chị Hạnh bị ốm nặng, phải đưa lên thành phố chữa trị. Sau khi bình phục, vì lo cho sức khỏe của mẹ, nên chồng chị Hạnh muốn giữ bà ở lại sống với vợ chồng mình. Và mâu thuẫn giữa mẹ chồng chị Hạnh với bà giúp việc bắt đầu nảy sinh.
Mẹ chồng chị Hạnh là người kỹ tính và thích quản lý mọi việc trong gia đình, nên bà nhanh chóng tỏ rõ “quyền lực” chủ gia đình của mình với bà giúp việc, bằng cách bắt bẻ, theo dõi và đưa ra nhiều yêu sách đối với bà ta. Song bà giúp việc của chị Hạnh cũng “không phải tay vừa”, quyết “ăn miếng trả miếng” với bà chủ mới bằng việc tỏ thái độ chống đối, nói xấu mẹ chồng chị Hạnh với hàng xóm…
Đỉnh điểm của “cuộc chiến” này là hai bà trực tiếp đấu khẩu với nhau và mẹ chồng chị Hạnh ra “tối hậu thư”, bắt vợ chồng chị phải lựa chọn, hoặc là đuổi bà giúp việc, hoặc là mẹ chồng chị sẽ bỏ về quê! Chị Hạnh đúng là bị đẩy vào tình thế khó xử. Một bên là “cánh tay phải” đắc lực mà chị hoàn toàn tin tưởng để giao phó việc nhà, con cái; một bên là mẹ chồng…
Nhưng rồi, chị thà mang tiếng bất hiếu với mẹ chồng, chứ không thể đuổi bà giúp việc, bởi chị không dám tưởng tượng cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu không có giúp việc.
Sau một tuần không thấy con dâu có động thái nào tỏ ra là sẽ đuổi người giúp việc, mẹ chồng chị Hạnh đùng đùng xách quần áo bỏ về quê, không quên nhiếc móc vợ chồng chị là “bất hiếu”, “coi mẹ đẻ không bằng đứa osin”!
Osin “không được cái nước gì” nhưng cũng không thể đuổi
Không ngày nào là chị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) không đến cơ quan với một gương mặt ủ rũ, sầu não. Dù các đồng nghiệp, bạn bè đã thi nhau “hiến kế”, nhưng đã hơn 1 năm trôi qua mà chị vẫn phải “mắc kẹt” với bà osin vừa lười, vừa luộm thuộm, hay ăn cắp vặt và ngồi lê đôi mách.
Bà giúp việc của chị là tổng hòa của tất cả những tính xấu và khó chịu nhất mà một osin có được. Thế nhưng vợ chồng chị vẫn hết lần này qua lần khác phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chỉ vì không có bà ta, đứa con trai út của chị sẽ lập tức bỏ ăn và “gây chiến tranh” với bố mẹ.
Nguyên nhân cũng chỉ vì trước đây, chị đã quá phụ thuộc vào bà giúp việc trong việc chăm sóc con trai, đến nỗi bây giờ con trai chị chỉ quen với sự chăm sóc của bà ta mà không chấp nhận người nào thay thế, dù đó có là bố mẹ đẻ hay ông bà nội ngoại.
Ảnh: Sandandsunshine |
Bé trai con chị Mai từ khi sinh ra đã ốm yếu. Tuy được bố mẹ hết lòng chăm sóc, cưng chiều, nhưng em lại mắc bệnh hen bẩm sinh, nên cơ thể lúc nào cũng yếu đuối, cần có người luôn ở cạnh để chăm sóc, và đặc biệt cần tránh những xúc động mạnh.
Công việc kinh doanh của chị Mai rất bận rộn, nên sau khi sinh con, chị không có nhiều thời gian dành cho con, mà phải thuê người giúp việc để phụ mình chăm con. Ban đầu, chị có 2 người giúp việc, một người chỉ chuyên chăm sóc em bé, một người lo việc nhà, nội trợ.
Nhưng về sau, người lo việc nội trợ cũng xin nghỉ vì không chịu nổi tính cách của “đồng nghiệp”. Chị Mai đành phải thuê giúp việc theo giờ. Bà giúp việc chăm trẻ chỉ có công việc chăm sóc con trai chị, còn mọi công việc nội trợ hay dọn dẹp nhà cửa, đều đã có người khác lo.
Tuy vậy, bà osin này cũng chưa vừa lòng, bà ta “cậy thế” con trai chị Mai chỉ quen với mình để đưa ra rất nhiều yêu sách, đòi tăng lương một cách bất hợp lý. Không chỉ có vậy, bà ta còn có tính ăn cắp vặt. Camera trong nhà chị Mai đã nhiều lần ghi được hình ảnh bà ta lục lọi đồ đạc của vợ chồng chị, lấy trộm tiền chị để quên trong túi quần áo khi giặt…
Đó là chưa kể tới chuyện chiều nào bà ta cũng tham gia sinh hoạt “hội đồng hương osin” trong khu nhà. Đây chỉ là cái cớ để các bà giúp việc tụ tập nói xấu gia đình chủ. Dù đã nhiều lần bị nhắc nhở, nhưng bà ta vẫn chứng nào tật ấy.
Chị Mai rất đau đầu và khó xử với bà osin, nhưng cũng chẳng biết phải làm thế nào, vì bà ta cứ dọa về quê, là con trai chị lại khóc lóc, lên cơn hen không thở nổi… Thậm chí, có lần chị Mai đã cho bà giúp việc nghỉ, và nguyên cả ngày hôm ấy, con trai chị nhất quyết tuyệt thực, đến lúc đi ngủ, thằng bé cũng nằng nặc đòi bà giúp việc bế mới chịu ngủ. Nên chỉ 1 ngày sau, vợ chồng chị Mai lại phải đi ô tô về tận quê để đón bà giúp việc lên, không quên hứa hẹn sẽ tăng lương và thêm cho bà ta nhiều quyền lợi khác.