Đủ chiêu trò quảng cáo
Bộ sản dung dịch vệ sinh phụ nữ Samya gồm: Dung dịch vệ sinh phụ nữ Samya, dung dịch xịt vùng kín Samya, Samya Eva Gold do Cty Phúc Minh phân phối độc quyền, quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sỹ, người nổi tiếng, khách hàng và các chuyên gia để lấy lòng tin về công dụng, khiến khách hàng nhầm tưởng là thuốc trị bệnh.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên website https://www.samya.com. vn/ bộ sản phẩm Samya được quảng cáo“nổ” công dụng là thuốc điều trị, chỉ sau 2 tuần khi dùng sản phẩm sẽ “xóa tan viêm nhiễm; hết nấm ngứa; đẩy lùi viêm lộ tuyến”.Còn tại Website https://samya.vn/ sử dụng công khai hình ảnh của những chuyên gia y tế như GS.TS Nguyễn Đình Tảo - Chủ tịch Hội hỗ trợ sinh sản Hà Nội, Th.S - B.S CKII - Nguyễn Công Định - Phó Giám đốc Cơ sở 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội… để quảng cáo cho bộ sản phẩm Samya.
|
Hình ảnh của Th.S - B.S CKII - Nguyễn Công Định - Phó Giám đốc Cơ sở 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được quảng cáo trên Website https://samya.vn/ |
Tinh vi hơn, những đoạn video phỏng vấn chuyên gia y tế (như nêu trên) không được công khai ngay trên trang web của công ty này, mà được khéo léo ẩn vào những link mạng xã hội mở rộng để che giấu việc công khai quảng cáo như thuốc “điều trị”, “đặc trị”.
Tựu chung lại, những video, hình ảnh ẩn đó đều được truyền đạt thông điệp: “Samya đặc trị, xóa tan viêm phụ khoa”, hay khi mắc bệnh phụ khoa chỉ cần dùng sản phẩm Samya là khỏi được bệnh, nhằm mục đích lấy niềm tin ở khách hàng Bộ Samya trên các trang mạng điện tử cũng giao bán bán tràn lan được “bồi thêm” vượt xa hẳn công dụng của những sản phẩm vốn chỉ là mỹ phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tìm hiểu tại một trang mạng xã hội, bộ sản phẩm Samya được quảng cáo mô tả quá trình điều trị gồm các giai đoạn. Giai đoạn 1: Diệt khuẩn và nấm. Giai đoạn 2 sản phẩm có tác dụng đào thải, thúc đẩy ra hết khí hư, nấm, tạp khuẩn ứ đọng bên trong gây nên viêm lâu ngày ra ngoài. Giai đoạn 3: Làm lành niêm mạc lộ tuyến bị tổn thương và tái tạo thành một màng âm đạo lành bệnh.
Đặc biệt, dòng sản phẩm mang thương hiệu Samya còn quảng cáo một “thô thiển” khi khẳng định “Viêm lộ tuyến, Nấm ngứa… chữa Tây y thuốc chỉ diệt khuẩn, nấm mà không làm bong mảng viêm vô tình lại một ổ vi khuẩn dẫn đến bệnh không khỏi dứt điểm mà còn tái phát lại”. Kèm với đó là “tung hô” sản phẩm Samya khi “chữa dứt điểm bệnh, làm hồng và se khít như thời con gái”.
|
Hàng loạt hình ảnh của các bác sĩ cũng được Samya sử dụng để quảng cáo cho sản phẩm của mình |
Được biết, công ty TNHH thương mại và dịch vụ đầu tư Phúc Minh đơn vị phân phối độc quyền bộ sản phẩm Samya có địa chỉ tại số 14, ngõ 121, đường Thái Hà, Hà Nội. Công ty này hoạt động từ năm 2017, có mã số thuế 0107916035, do ông Nguyễn Lê Nhật Trường đại diện pháp luật.
Phớt lờ công bố chất lượng thực?
Theo tìm hiểu của PV, bộ sản phẩm Samya gồm dung dịch vệ sinh phụ nữ Samya, dung dịch xịt vùng kín được xếp vào nhóm công bố sản phẩm mỹ phẩm có tác dụng giúp làm sạch nhẹ nhàng… nhưng quảng cáo sai công dụng, gây hiểu lầm là thuốc (Nghị định 181/2013/NĐ-CP). Tương tự, sản phẩm Samya Eva Gold là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều kinh, giảm viêm, hỗ trợ giảm khí hư, giảm nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa.
Theo nội dung xác nhận quảng cáo, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế khuyến cáo, sản phẩm Samya Eva Gold không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Sản phẩm này cũng được cảnh báo không sử dụng cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm, nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng, thế nhưng bộ sản phẩm Samya vẫn được quảng cáo tung hô bán dưới nhiều hình thức không qua thăm khám của bác sĩ.
|
Sản phẩm dung dịch vệ sinh chăm sóc vùng kín Samya Eva Gold được quảng cáo như một loại thuốc điều trị bệnh phụ khoa |
Điều 6, Thông tư Số 09/2015/TTBYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ y tế, Nội dung quảng cáo phải theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, cụ thể: Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác và tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm mỹ phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.
Việc quảng cáo sai sự thật có tính chất gian dối ngoài việc bị xử lý hành chính thì chủ thể còn có thể bị xử lý hình sự từ 1 đến 5 năm tù giam, tùy vào tính chất, mức độ của vụ việc. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm việc quảng cáo sai sự thật đối với bộ sản phẩm mang thương hiệu Samya để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Cán bộ Y tế không được phép quảng cáo thực phẩm chức năng
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ra thông báo số 21/ATTP-NĐTT về việc Quảng cáo thực phẩm chức năng. Trong công văn, Cục này cho biết, một số trang mạng xã hội sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểm lầm cho người sử dụng.
Điều này vi phạm khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/ NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các bệnh viện trực thuộc Trung ương rà soát và thông báo đến toàn thể nhân viên về việc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị để quảng cáo thực phẩm là vi phạm Luật an toàn thực phẩm.
99% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội không đúng sự thật
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết: Tôi khẳng định, 99% quảng cáo thực phẩm chức năng qua mạng xã hội không đúng sự thật. Chúng tôi đã làm việc với cơ quan chức năng, bộ thông tin - truyền thông, đại diện Facebook để Cán bộ Y tế không được phép quảng cáo thực phẩm chức năng.
Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo: Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; Lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật; Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng; Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia... Người tiêu dùng không tẩy chay thực phẩm chức năng nhưng không tin vào quảng cáo sai sự thật chữa bệnh nọ bệnh kia. (Theo Dân trí)