Dấu hỏi lớn trên "sống trâu" những con đường ngàn tỷ

Báo cáo của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những cung đường đầu tư bạc tỷ nhưng nhanh chóng có dấu hiệu bị xuống cấp…

Báo cáo của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những cung đường đầu tư bạc tỷ nhưng nhanh chóng có dấu hiệu bị xuống cấp…

Sự xuống cấp nghiêm trọng đang đặt dấu chấm hỏi trên những con đường ngàn tỷ
Sự xuống cấp nghiêm trọng đang đặt dấu chấm hỏi trên những con đường ngàn tỷ.

Một lãnh đạo thuộc một ban quản lý dự án giao thông của Bộ GTVT xác nhận với phóng viên, tình trạng xuống cấp các tuyến quốc lộ đã được đưa lên bàn nghị sự vào đầu tháng 5/2013. Trong đó, đặc biệt nhất là tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên những con đường nghìn tỷ bắt đầu xuất hiện.

Giới chuyên gia cho rằng, đây là hiện tượng bề mặt mặt đường bị lún xuống theo phương dọc tại vệt bánh xe trên mặt đường. Hằn lún vệt bánh xe có thể làm cho hư hỏng kết cấu mặt đường và làm trơn trượt khi xe chạy, gây nguy hiểm tới an toàn chạy xe, đặc biệt trong điều kiện trời mưa hoặc vào ban đêm.

Tình trạng bánh xe tải “đè lún” mặt đường được Tổng cục đường bộ Việt Nam xác nhận là “xảy ra khá phổ biến trên phạm vi cả nước”. Tại miền Bắc, các tuyến quốc lộ “hứng chịu” tình cảnh này gồm QL5, QL3, QL1A đoạn Phủ Lý. Tại  miền Trung, các QL1A, QL7, QL8 cũng “góp mặt” với tình trạng tương tự.

Tại miền Nam, mặc dù mới đưa vào sử dụng được từ 6 – 8 năm, nhưng các tuyến đường sầm uất cũng “chịu trận” khi kết cấu mặt đường bị lún theo vết bánh xe, như QL1A, Đại lộ Đông Tây...

Đặc biệt, tình trạng này trở nên đáng lo ngại hơn khi những dự án vừa đưa vào khai thác, sử dụng cũng bị xuống cấp. Trong đó có QL1A đoạn qua Hà Nam, Thanh Hoá, BOT tuyến tránh Phan Rang - Tháp Chàm, Đại lộ Đông Tây, QL3, QL5....

“Sống trâu” cũng không chừa công trình sử dụng nguồn vốn nào, từ các dự án sử dụng vốn TPCP, NSNN đến BOT hay vốn ODA. Không chỉ có mặt đường, mặt cầu cũng có tình trạng đáng báo động nói trên, như cầu Thanh Trì, mặt cầu vượt bằng thép tại TP. Hồ Chí Minh, và đặc biệt mới đây đường trên cao vành đai 3 của Hà Nội (đoạn Mai Dịch - Linh Đàm) đã xuất hiện tình trạng lún, nứt.

Kết quả khảo sát, thống kê thực tế trên hệ thống đường quốc lộ của Tổng cục đường bộ Việt Nam cho thấy hiện tượng hằn lún vệt bánh xe chủ yếu tập trung trên các tuyến quốc lộ có lưu lượng, tải trọng xe chạy lớn (QL1, QL3, QL5, QL7,...), các vùng có thời tiết nắng nóng (khu vực miền Trung), các vị trí có đặc điểm đặc biệt như: gần trạm thu phí, đèo dốc, đường cong, đèn tín hiệu giao thông, trạm kiểm tra của cảnh sát giao thông...

Khu quản lý đường bộ II xác nhận, tình trạng hằn lún vệt bánh xe xuất hiện trên các tuyến QL1 đoạn Hà Nội - Lạng Sơn, Phủ Lý, Hà Nam. Một lãnh đạo của đơn vị này cho biết, tình trạng trở nên đáng lo ngại hơn khi thời gian gần đây trên một số dự án, gói thầu mới đưa vào khai thác, sử dụng đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp này như tại QL3 từ Km54+560 - Km62+450 (gói thầu số 1, 2 - Dự án tăng cường ATGT các quốc lộ phía Bắc Việt Nam), QL5 đoạn Km94+020 - Km99+240 (gói thầu số 11, Dự án cải tạo, khôi phục mặt đường QL5).

Trong khi đó, báo cáo của Khu Quản lý đường bộ IV cũng đã đưa ra một số liệu đáng lo ngại, khi cho biết tổng chiều dài trồi lún sống trâu trên QL1A đoạn Thanh Hoá - Thừa Thiên Huế khoảng trên 70km, chiếm 13% tổng chiều dài cung đường, nơi tập trung hư hỏng nhiều nhất là đoạn Vinh - Đông Hà.

Đối với đoạn Đà Nẵng – Khánh Hòa, tuyến đường này cũng có trên 90km bị trồi lún sống trâu, riêng các đoạn hằn lún nặng >7cm khoảng 13Km, chiếm 2,2%; diện tích vệt lún tương đương 150.000m2; lún nặng nhất sâu 12-15cm, tập trung đoạn Bình Định – Phú Yên (đèo Cù Mông, Rọ Tượng).

Tổng chiều dài trồi lún sống trâu trên QL1A chủ yếu tập trung đoạn Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng hơn 16Km/245Km (chiếm 7%). Ngoài ra còn một số đoạn tuyến khác qua Đồng Nai, Bình Dương và các quốc lộ khác cũng có hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.

Việt Hưng

Đọc thêm