Đâu là sự thật về thông tin đỉa lúc nhúc trên đồng?

Cách đây gần một tháng, một số hộ ở ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM hoảng hồn vì chứng kiến đỉa lúc nhúc ở ao rau muống, lổm ngổm ở mấy đám ruộng hoang, bò lên ngọn cỏ, bờ tường mỗi khi trời mưa xong… “Ổ đỉa” này được xác định xuất phát từ ngôi nhà nằm sâu trong hẻm của chị Kim Oanh có chồng người Trung Quốc... 
Cách đây gần một tháng, một số hộ ở ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM hoảng hồn vì chứng kiến đỉa lúc nhúc ở ao rau muống, lổm ngổm ở mấy đám ruộng hoang, bò lên ngọn cỏ, bờ tường mỗi khi trời mưa xong… “Ổ đỉa” này được xác định xuất phát từ ngôi nhà nằm sâu trong hẻm của chị Kim Oanh có chồng người Trung Quốc. 
Không có chuyện đỉa tràn ra ngoài?
Theo người dân thì nhiều năm nay chị Oanh thu mua đỉa để bán sang Trung Quốc. Tuy vậy, thời gian gần đây có lẽ do bên Trung Quốc không thu mua nữa nên chị Oanh cũng dừng. Một số người nuôi đỉa ở các địa phương khác do không nắm được thông tin nên họ vẫn mang tới bán cho chị Oanh, khi không bán được thì họ vứt cả bao đỉa xuống những ao rau muống và đám ruộng bỏ hoang này nên mới xảy ra hiện tượng đỉa nhiều bất thường như vậy. 
Qua quan sát của phóng viên, trước và hai bên nhà chị Kim Oanh có ba đám rau muống và ruộng bỏ hoang cỏ mọc um tùm với diện tích khoảng 5 sào. Xung quanh những đám ruộng này là những vùng đất cao hoặc có tường bê tông xây cao nên khả năng đỉa lan rộng là hơi khó. Nhiều người dân nhận định, việc đỉa tràn vào nhà dân là khó vì tâp tính của đỉa chỉ sống ở dưới nước, chứ đâu phải môi trường nào cũng thích hợp nên cũng chỉ phát sinh cục bộ mà thôi.  
Ngôi nhà và người phụ nữ tên Oanh từng mua đỉa để bán sang Trung Quốc.
Để kiểm chứng, chúng tôi đã tìm tới các đám ruộng xung quanh trong ấp Chánh 1 và lội xuống nhưng không có con đỉa nào. Chúng tôi đi qua các ao rau muống, cánh đồng lúa ở ấp Chánh và ấp Chánh 2… của xã này cũng không có đỉa. Người dân ở các ấp này cũng nói không thấy có đỉa tràn ra xung quanh và ngày ngày họ vẫn đi câu cá bình thường.      
Trước sự ồn ào về chuyện đỉa sẽ lan tràn khắp nơi, chính quyền địa phương đã tìm cách tiêu diệt đỉa. Nhiều phương án được đưa ra, nhưng cuối cùng thì phương pháp dùng máy dập đi dập lại các đám rau muống, đám ruộng bỏ hoang xung quanh nhà chị Oanh rồi dùng hàng chục bao vôi bột rắc đậm xuống để tiêu diệt đỉa đã được áp dụng. Bước đầu rất khả quan vì qua một tuần thực hiện, đến nay không thấy con đỉa nào xuất hiện trong những đám ruộng này. Theo kinh nghiệm dân gian và cũng là cách rất hiệu quả trong diệt đỉa là dùng vôi, vì vôi rất khắc với đỉa. Dân gian vẫn thường dùng vôi để bôi lên chân, tay trước khi xuống đồng để tránh đỉa cắn. Khi bị đỉa cắn mà bứt không ra, người dân lấy vôi rắc vào thì nó sẽ nhã ra và nằm co lại rồi chết.  
Nuôi đỉa – hại đủ đường
Tuy nhiên cũng phải có sự đánh giá và cảnh báo đúng mức về tình trạng nuôi và thu mau đỉa để bán sang Trung Quốc. Bởi việc nuôi đỉa, nếu không kiểm soát được hoặc trong điều kiện thương lái không thu mua nữa có thể dẫn đến việc đỉa tràn lan ra ngoài. Đây là loại động vật ký sinh giả, sống nhờ việc hút máu các động vật có xương sống. Nếu đỉa tràn ra ngoài môi trường tự nhiên, phát triển sinh sôi, hút máu và tiêu diệt các loài động vật khác, có thể dẫn đến mất cân bằng sinh thái, theo quan điểm của TS Bùi Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viên Nuôi trồng Thủy sản.
Đó là chưa nói đến việc người dân thu mua đỉa trên diện rộng sẽ dẫn tới tình trạng nông dân thấy lợi trước mắt lại thi nhau nuôi đỉa để bán, rồi khi các thương nhân Trung Quốc không thu mua nữa sẽ gây ra ra hậu quả lớn giống như hiện tượng nuôi ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ… mà cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục hết được hậu quả. 
Mặt khác, giống như muỗi anopheles, đỉa còn là loài vật trung gian, khi ký sinh ở người hoặc động vật có bệnh, đỉa sẽ truyền mầm bệnh đến người hoặc động vật bị nó hút máu. Vì vậy, việc nuôi đỉa, nếu không kiểm soát được còn có nguy cơ gây hại cho người và gia súc. 
Ngọc Quý

Đọc thêm