Dấu lặng một phiên tòa ly hôn

(PLO) - Phiên tòa ly hôn do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xét xử khá vắng vẻ, nguyên đơn là người phụ nữ 32 tuổi (ngụ TP Huế) khá xinh đẹp, sang trọng nhưng đôi mắt không giấu được vẻ u buồn. 
Dấu lặng một phiên tòa ly hôn

Đã đến giờ xét xử, nhưng ở hàng ghế bị đơn vẫn trống không. Cũng như lần mở phiên tòa trước đó, người chồng vắng mặt. Do tòa án đã 2 lần tống đạt giấy triệu tập hợp lệ, nên lần này tòa quyết định xét xử vắng mặt bị đơn.

Tòa yêu cầu nguyên đơn trình bày. Chị cho biết, chị và chồng kết hôn từ năm 2008, cả hai sống tại TP HCM. Họ lần lượt có với nhau 2 đứa con, nay đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi. Sau khi kết hôn, cả hai sống với nhau chẳng được mấy ngày hạnh phúc thì vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Người chồng ham chơi hơn ham làm, lại thiếu trách nhiệm với gia đình, bỏ bê vợ con. Không những thế, anh còn ra ngoài bồ bịch.

Những cô gái kia thỉnh thoảng lại nhắn tin, gọi điện cho chị, vừa khiêu khích, vừa nhục mạ, có khi còn hăm dọa chị khiến chị bị tra tấn tinh thần. Nhưng hễ chị nói vài câu, là bị chồng đánh đập. Không những thế, ngay cả mẹ chồng chị cũng vào hùa với con trai, còn cùng con trai đánh đập con dâu. Chị thật sự chịu không nổi. Vợ chồng sống với nhau được 2 năm tại Sài Gòn, cũng vì mâu thuẫn nên chị bế con về quê. Chồng chị sau đó cũng đi cùng người mẹ theo chị ra Huế sinh sống.

Đến lúc chị sinh đứa con thứ 2 được 4 tháng tuổi, những mâu thuẫn ngày càng trầm trọng, chịu không nổi được những đòn roi của chồng, những lời đe dọa của những cô bồ nhí của chồng, chị quyết định ôm con về nhà mẹ. Cả hai sống ly thân từ đó đến nay cũng đã 4 năm trời. Như thể bao nhiêu đau đớn, chua xót bị chôn giấu lâu nay, giờ mới có dịp bộc phát, thoát khỏi sự kìm nén của người phụ nữ, chị òa khóc nức nở ngay giữa chốn công đường…

Người phụ nữ cho biết, lúc đầu cả hai đứa con đều do chị chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhưng sau đó, người chồng đến nhà chị “bắt” mất đứa con gái lớn. Vì vậy, hiện chị chỉ nuôi đứa nhỏ. Hai vợ chồng từ đó không gặp gỡ, qua lại với nhau nữa. Họ biến mất trong cuộc đời nhau, như chưa từng có một khoảng thời gian dài là vợ chồng.

Tòa hỏi: “Trong chừng đó năm, chị có đưa cháu về thăm nội không?”. Người phụ nữ bảo không. Chị nghẹn ngào: “Đứa con nhỏ cũng chưa từng một lần thấy mặt cha, không biết ông bà nội. Anh ta đã lấy vợ khác và đã có một đứa con gái”. Chị đâu thể ngờ, khi cha mẹ không thể sống chung, chuyện người lớn lại ảnh hưởng đến trẻ con nhiều đến thế.

Những lúc nhớ con gái, chị lại tìm đến ngôi trường nơi con đang học để thăm nom. Những câu hỏi thăm vội vã, những cái ôm ngắn ngủi chưa kịp đủ ấm. Về tài sản, người phụ nữ khai, vào năm 2010, vợ chồng chị có tạo lập một tài sản là nhà đất tọa lạc ở phía bắc thành phố. Giá chuyển nhượng lúc bấy giờ là 1,08 tỷ đồng. Tiền mua nhà là của chung hai vợ chồng, gia đình có cho một ít và cả hai còn vay mượn thêm ở ngân hàng mới đủ. Sau khi mua nhà đất, vợ chồng phải bỏ ra 300 triệu đồng để xây dựng thành mấy phòng trọ để cho thuê. Người vợ cũng thừa nhận, trong số 1,08 tỷ tiền mua nhà ngày đó, có 400 triệu đồng là tiền riêng của người chồng. Đây là số tiền anh đã bán căn nhà ở TP HCM. Tòa cho biết, giá chuyển nhượng nhà đất trên được ghi trong hợp đồng là 680 triệu đồng nên chỉ có thể căn cứ vào chứng cứ này.

Tòa yêu cầu nguyên đơn cung cấp các giấy tờ chứng minh giá chuyển nhượng lúc đó là 1,08 tỷ. Nguyên đơn cho hay, tất cả các giấy tờ liên quan đến việc mua bán đều do chồng chị giữ hết. Hiện chị không đưa ra được bằng chứng. Theo người phụ nữ giải thích, việc ghi giá tiền thấp xuống so với giá trị thật lúc chuyển nhượng là vì muốn “trốn” tiền nộp thuế. Do bị đơn không tham gia phiên tòa, nên HĐXX trích đọc bản khai.

Theo đó, người chồng thừa nhận vợ chồng có mâu thuẫn không thể dung hòa được. Người chồng đồng ý ly hôn và yêu cầu tòa giải quyết để anh nuôi cả hai đứa con, không yêu cầu người vợ cấp dưỡng. Người chồng cho rằng vợ chồng không có tài sản chung. Nhà đất kia mặc dù do hai vợ chồng anh đứng tên, nhưng tiền mua nhà là do anh bán căn nhà của mình ở Sài Gòn rồi mang về Huế mua nhà. Nhà đất kia được mua với giá 680 triệu đồng, như đã ghi trong hợp đồng.

Người vợ phản đối, bảo lời khai kia hoàn toàn bịa đặt, nhưng vì người chồng không có mặt nên không thể “hai mặt một lời” làm rõ với nhau.

Tòa xử cho cả hai ly hôn, mỗi người nuôi một đứa con. Cả hai được phép qua lại thăm nom, chăm sóc con, đối phương không được ngăn cản.

Về phần tài sản, HĐXX công nhận lúc mua nhà, bị đơn đã bỏ ra số tiền riêng là 400 triệu, tương đương với 70% giá trị đất lúc đó. Sau khi trừ phần trăm khoản tiền riêng người chồng góp vào, giá trị tài sản còn lại được chia đôi, mỗi người giữ 50% giá trị tài sản. 

Vì nguyên đơn có nguyện vọng không lấy ngôi nhà nên bị đơn phải có trách nhiệm thanh toán cho người vợ số tiền gần 400 triệu đồng. 

Đọc thêm