Đau lòng những đứa con nuôi bất hiếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Công sinh không bằng công dưỡng”, những người bố, người mẹ nuôi hy sinh cả cuộc đời vất vả nuôi đứa con không phải máu mủ ruột thịt của mình trưởng thành những mong tuổi già an nhiên. Cuộc đời thật trớ trêu cho họ bất hạnh, đau đớn tột cùng khi bị chính con mình nuôi nấng “báo hiếu” bằng cách chửi mắng, đánh đuổi thậm chí… giết hại.
Những người bố mẹ nuôi đau lòng khi bị con vòi tiền, chửi bới, đánh đập…
Những người bố mẹ nuôi đau lòng khi bị con vòi tiền, chửi bới, đánh đập…

“Nghịch tử” chửi bới, đánh đập cha mẹ nuôi

Công an huyện Bình Tân (Vĩnh Long) đã khởi tố Nguyễn Hữu Tâm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Đứa con nuôi có hành vi bất hiếu, dùng dao kề cổ mẹ vòi tiền 200 triệu đồng. Theo kết quả điều tra, đối tượng Nguyễn Hữu Tâm (SN 1991, trú tại ấp Thành Nhân, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) là con nuôi của vợ chồng ông Nguyễn Hữu H (SN 1954) và bà Nguyễn Thị B (SN 1959, ngụ cùng địa phương) từ hơn 20 năm qua.

Theo ông H, dù là con nuôi nhưng từ khi nhận Tâm về vợ chồng ông luôn coi Tâm là con đẻ. Tên bố mẹ trong giấy khai sinh của Tâm cũng là tên của vợ chồng ông H. Đặc biệt là bà B. yêu thương và chiều chuộng con hết mức. Đáng buồn thay, ngay từ nhỏ Tâm đã nảy sinh những thói hư thật xấu.

Khoảng 15h, ngày 4/10/2015, sau khi đi nhậu về, Tâm đã dùng dao kề cổ bà B. uy hiếp tinh thần để buộc bà B. phải giao giấy tờ đất cho Tâm. Lúc này, bà B. nói với Tâm, giấy tờ nhà đất đã đem đi cầm cố hết. Nghe vậy, Tâm đã dùng dao cứa nhẹ vào cổ bà B. gây thương tích. Đối tượng còn tiếp tục đe dọa vòi tiền và yêu cầu bà B. phải đưa cho Tâm số tiền 200 triệu đồng để trả nợ, nhưng bà B. nói không có tiền. Khi bà B bị con nuôi khống chế, ông H đang ở ngoài ruộng. Được một người cháu báo tin, ông B đã chạy ngay về nhà và gọi điện báo công an. Ngay sau khi tiếp nhận được tin báo, Công an huyện Bình Tân đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Hữu Tâm về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Được biết, khoảng 2 năm trước, Tâm từng bị kết án 16 tháng tù giam về hành vi “Trộm cắp tài sản” của chính gia đình đã nuôi dưỡng mình.

Tòa án nhân dân tỉnh An Giang từng đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với bị cáo Trần Bá Phúc (sinh năm 1997, ngụ ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới). Đó là tên nghịch tử thường xuyên đánh, chửi cha mẹ và sẵn sàng hành hung bất cứ ai vào can ngăn,...

Ông Trần Phương Thùy và bà Dương Thị Ngọc Nga là cha mẹ nuôi của Phúc. Do đứa con đầu lòng qua đời khi bà Nga vừa hạ sinh nên đến ngày 22/7/1997, vợ chồng họ quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang xin Phúc về nuôi, nhằm xoa dịu nỗi đau mất con.

Những tưởng có thằng con trai đỡ đầu, gia đình sẽ được viên mãn, hạnh phúc, ai ngờ càng lớn, tâm tính của Phúc càng nóng nảy, xem trời bằng vung. Dạy bảo thế nào, Phúc cũng không nghe, chỉ thích làm theo ý mình. Cứ mỗi lần bị người lớn la mắng, Phúc lại càng tỏ ra lì lợm, ngang tàng.

Nghi ngờ Phúc có vấn đề về thần kinh, vợ chồng bà Nga gom góp, vay mượn được một số tiền đưa Phúc đi khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, kết quả giám định tâm thần cho thấy Phúc hoàn toàn bình thường. Thế nhưng, Phúc vịn cớ bệnh tật để sống lười biếng, bệ rạc, đàn đúm cùng với đám bạn bè xấu ăn chơi lêu lỏng, mới 13 tuổi đã tập tành uống rượu quậy phá hàng xóm và bỏ học khi vừa lên lớp 7.

Dù cha mẹ nuôi cố vun vén, tằn tiện để lo cho Phúc đến trường, có cuộc sống được đầy đủ như bao đứa trẻ cùng trang lứa, nhưng Phúc lại vô tâm trước những hy sinh, sự nhọc nhằn của cha mẹ nuôi và nhiều lần đánh chửi, hành hung cha mẹ mỗi khi nhậu say về.

Khoảng 18 giờ ngày 10/3/2013, sau khi uống hết 0,5 lít rượu, Phúc về nhà mở nhạc nghe thì bị cha mẹ la mắng, Phúc đập phá đồ đạc và xông vào đánh đá, rồi ôm vật ông Thùy xuống nền nhà, khi mọi người can ngăn thì Phúc mới bỏ vào trong.

Hoảng sợ, bà Nga liền điện thoại đến Công an xã Tấn Mỹ nhờ can thiệp. Khi lực lượng đến, Phúc đã chém một đồng chí công an. Nhờ điều trị kịp thời đồng chí công an đó đã không nguy hiểm đến tính mạng nhưng di chứng để lại khá nặng nề, với tỷ lệ thương tật 65%, bị liệt hoàn toàn cánh tay trái, sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này. “Con dại cái mang”, bố mẹ nuôi của Phúc phải đi vay mượn để bồi thường cho nạn nhân số tiền 63 triệu đồng thay con trai nuôi bất hiếu của mình.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy Phúc hiểu biết pháp luật có phần hạn chế, thuộc thành phần lao động nghèo, khi phạm tội chưa đủ tuổi thành niên và được gia đình bị hại tha thứ nên đã tuyên phạt Phúc 7 năm tù về tội “Giết người”.

Cách đây trên 30 năm, vợ chồng ông Nguyễn Em (SN 1937, ngụ thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) vào Đồng Nai tìm đứa trẻ rồi nhận làm con, đặt tên là Nguyễn Đỗ Hoàng Minh đưa về Quảng Ngãi nuôi nấng. Minh được cha mẹ thương yêu chiều chuộng. Thuở ấy, hai vợ chồng ông Em cũng chẳng khá giả gì, nhưng vẫn cố gắng làm lụng vất vả để nuôi Minh không thua bạn kém bè.

Được cha mẹ nuông chiều, nên ngay từ nhỏ Minh đã có những thói quen đòi hỏi, hưởng thụ nhưng lại lười lao động, không chịu học hành, ngày càng ngang bướng, ăn chơi. Gia đình khuyên nhủ thế nào Minh cũng không nghe.

Chưa hết, mới lớn nhưng Minh đã biết đến rượu chè, lại thường hay nhậu nhẹt say xỉn. Bản tính ngỗ ngược cộng thêm “ma lực” của rượu và cờ bạc đã khiến nỗi bất hạnh đổ ập xuống mái tranh nghèo mỗi ngày một chồng chất, khiến cả gia đình nhiều năm trời phải sống trong khổ sở.

Cuối năm 2010, người mẹ nuôi mất do tai nạn giao thông. Ngôi nhà nhỏ chỉ còn lại Minh và người cha nuôi già. Khi tuổi già sức yếu, ông Em chỉ biết dựa vào đứa con nuôi để nương nhờ chăm sóc. Nhưng ngược lại, Minh lại thường xuyên ngược đãi càn quấy, coi thường cha mình. Mỗi lần sau khi uống rượu, Minh lại mắng nhiếc hành hạ, đánh đập ông Em. Có lần, Công an xã Diên Trường đã kịp thời ngăn chặn, thu giữ con dao trên tay Minh, khi y đòi chém, rượt đuổi người cha nuôi già yếu. Em trai ông Em là ông Sang bất bình trước sự bất hiếu đó đã bao lần khuyên nhủ Minh. Không những không thèm nghe lời khuyên của chú, Minh còn có hành động dã man. Minh tạt lên người ông Sang và lạnh lùng dùng hộp quẹt bật lửa lên đốt sống người chú mình. Dù được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng do vết bỏng quá nặng, ông Sang đã chết ngay sau đó. Cơ quan điều tra đã khởi tố hành vi giết người của Minh.

Nghiêm trị đứa con bất hiếu

Không chỉ là nét đẹp trong mỗi con người, hiếu thảo với cha mẹ cũng được pháp luật quy định tại Điều 70 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo đó, các con có: Bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình; Nghĩa vụ tham gia sản xuất, tạo thu nhập, đóng góp nhằm đảm bảo đời sống chung của gia đình theo khả năng của mình; Nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật… Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại những “nghịch tử” bất hiếu. Những người này có hành vi ngược đãi, không kính trọng, phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ như: Đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở, nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách… Có hành vi bạo lực như đánh đập, giam hãm… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần.

Theo luật pháp, khi con cái bất hiếu với cha mẹ nuôi tùy theo hành vi, tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi bất hiếu mà con cái bị xử phạt hành chính, hay bị truy cứu trách nhiệm hình. Cụ thể như Nghị định 167/2013/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự 2015 quy định. bất hiếu với cha mẹ nuôi, con có thể bị phạt hành chính tùy từng hành vi:

Đối xử tồi tệ với cha mẹ nuôi bị phạt tiền từ 1 triệu đến 1,5 triệu; Hành hạ, ngược đãi cha mẹ nuôi bị phạt tiền từ 1,5 triệu đến 2 triệu Lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cha mẹ nuôi bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu; Từ chối, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha mẹ thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng.

Ngoài bị xử phạt hành chính, những người con bất hiếu còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội sau:

Căn cứ theo quy định Điều 140 Bộ luật Hình sự quy định về Tội hành hạ người khác: với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Căn cứ Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình: với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam. Căn cứ theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng với khung hình phạt cao nhất là 02 năm tù giam.

Đọc thêm