Đến bất cứ nơi trồng hành tây nào của TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng những ngày qua, cũng có thể chứng kiến hành tây người dân đổ chất đống, thối rữa và mọc mầm.
Thiệt hại không thể tính nổi
Mỗi năm Lâm Đồng có gần 500ha trồng hành tây, trong đó tập trung chủ yếu tại Đơn Dương, TP.Đà Lạt, Đức Trọng và Lạc Dương. Vụ chính trồng từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 dương lịch và thu hoạch trong tháng 3 năm sau. Mầm giống được nhập từ Nhật, Mỹ và Hà Lan, năng suất bình quân 400-450 tạ một héc ta và sau khi thu hoạch, nếu bảo quản đúng phương pháp có thể để được 3-5 tháng sau thu hoạch. Với số lượng lớn như vậy, hành tây Lâm Đồng sau thu hoạch chủ yếu đưa về tiêu thụ tại các tỉnh, thành như: TP.HCM, miền Đông Nam bộ, miền Trung và các tỉnh phía Bắc.
Năm nay thời tiết bất thường, Đà Lạt xuất hiện mưa sớm và kéo dài ngay khi chuẩn bị vào vụ thu hoạch và bảo quản, độ ẩm không khí lên cao. Một mặt do kỹ thuật bảo quản của người dân chưa đảm bảo (chất lô cao, không xử lý nảy mầm) nên tại nhiều hộ nông dân, vựa thu mua, dự trữ, hành tây bị thối, nảy mầm không thể tiêu thụ được. Bên cạnh đó, do giá hành tây năm nay thấp hơn mọi năm, không có nhiều đơn đặt hàng, các hộ tự bảo quản nhỏ lẻ chờ giá cao khiến lượng hao hụt càng khó kiểm soát. Đặc biệt, theo phản ánh của một số người dân, lượng hành tây Trung Quốc xâm nhập vào Đà Lạt cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý thị trường và sức tiêu thụ.
Lý giải cho việc chưa bán được cân hành tây nào, chị Nguyễn Thị Vân Anh (ở 32 Thánh Mẫu, phường 7, TP.Đà Lạt) cho biết, gia đình chị có khoảng 8 sào trồng hành tây, như mọi năm thu khoảng trên 100 tấn, với giá năm ngoái bán tại ruộng được 6.000 đồng/1kg, nếu mang về bảo quản để một thời gian bán được 10.000 đồng/1kg, trừ chi phí gia đình chị thu được vài trăm triệu đồng.
“Năm nay gia đình tôi chỉ trồng 1/3 diện tích, thu hoạch khoảng 45-50 tấn, hiện vẫn chưa bán được cân nào, thương lái không đến mua như mọi năm cộng với mưa sớm và kéo dài, gia đình tôi đã phải đổ đi 1/3 số hành tây thu hoạch được. Với tình hình hiện nay, không biết phải đổ đi bao nhiêu nữa và nếu đầu tư như mọi năm khoảng 200 triệu đồng, không biết gia đình tôi khốn đốn đến thế nào” - chị Vân Anh ngao ngán cho biết.
Bà Đinh Thị Kiều Oanh dùng hành tây làm phân bón cho cây. |
May hơn gia đình chị Vân Anh, ông Trần Minh Tùng (ở 35 Thánh Mẫu, phường 7, TP.Đà Lạt) trồng 3,5 sào, thu hoạch gần 40 tấn, đã bán hết với giá từ hơn 5.500 đồng/1kg, trừ chi phí khoảng 50 triệu, gia đình ông thu hơn 150 triệu đồng, coi như thoát nạn.
Nhưng những hộ như ông Tùng không nhiều. Bà Đinh Thị Kiều Oanh (phường 7, TP.Đà Lạt) cho biết đã phải đổ hàng tấn hành tây, tận dụng làm phân bón cây. Nguyên nhân ngoài việc “ông giời” mưa sớm còn là do lượng hành tây của Trung Quốc tràn vào một số tỉnh khiến thương lái không mặn mà với hành tây Đà Lạt, chưa kể giá hành tây năm nay rớt khiến người trồng hành tây lao đao.
Theo đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Lâm Đồng, riêng tại phường 7 và phường 8, TP.Đà Lạt, thiệt hại đã gần 200 tấn, chưa kể việc bảo quản của một số hộ nông dân, thương lái và chủ vựa không đảm bảo, thiệt hại sẽ còn tăng cao.
“Giải cứu” hành tây
Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các nông hộ trồng hành tây nhưng đến nay, trước thực tế thị trường khắc nghiệt, Sở NN&PTNN Lâm Đồng và chính quyền địa phương cũng gần như “bó tay”, chỉ còn biết duy trì các bản tin khuyến nông, thông báo về tình hình giá cả trên địa bàn cho nông dân và các doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục thực hiện đề án giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong đó tập trung vào sản phẩm hành tây…
“Nhưng cái khó ở đây là tìm đầu ra cho sản phẩm hành tây của người dân” - ông Nguyễn Văn Danh, Phó trưởng Phòng trồng trọt Sở NN&PTNT Lâm Đồng trần tình.
Trước thông tin của một số người dân cho rằng do hành tây Trung Quốc vào sớm nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng hành tây tại TP.Đà Lạt, ông Danh cho biết, cơ quan chức năng đã kiểm tra nhưng tại TP.Đà Lạt chưa thấy xuất hiện hành tây Trung Quốc như người dân nói.
Trong khi đó, theo kinh nghiệm của một chủ vựa thu mua hành tây tại phường 7 – bà Nguyễn Thị Kim Cương – thì do năm nay thời tiết bất thường và mưa nhiều khiến số lượng hành tây bị hao hụt lớn.
Cùng quan điểm với nhiều người dân khác, bà Cương đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ thêm cho bà con giống, kỹ thuật, phương pháp bảo quản và quan trọng nhất là đầu ra cho hành tây Đà Lạt. Có như vậy, người trồng hành tây ở Đà Lạt mới hết lao đao.