Chính quyền huyện cũng đã biết sự cố này nhưng kinh phí khắc phục lại vượt ngoài khả năng nên đành chờ sự “chi viện” từ tỉnh. Và trong thời gian chờ đợi, người dân vẫn sống trong tâm trạng lo ngay ngáy vì các nông sản đã đến ngày thu hoạch nhưng không biết chở ra bằng lối nào?
Trước mắt chúng tôi, tuyến đường Phú Lạc - Hà Nhe (dài gần 16km, nối liền 2 huyện Tây Sơn - Vĩnh Thạnh) xuất hiện khá nhiều đoạn đứt gãy, hư hỏng. Ngoài ra, tình trạng sạt lở mái taluy đường tạo hàm ếch khoét sâu vào phần mặt đường, để lại những mảng bê tông, tảng đá nằm ngổn ngang như một đại công trường. Riêng tại km 11+676,08 và km 13+218,36 (đoạn qua địa phận xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn), nước lũ đã cuốn trôi hoàn toàn nền mặt đường với tổng chiều dài 75 m, khiến giao thông đi lại bị gián đoạn và chia cắt.
Nông dân như ngồi trên lửa vì tắc đường chuyển nông sản
Từ ngày tuyến đường bị hư hỏng, người dân ở các xã phía Tây huyện Tây Sơn như Bình Tường, Tây Giang, Tây Thuận có ruộng, hoa màu đều tỏ ra lo lắng vì việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều trắc trở. Ngược lại, người dân ở các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh) muốn vận chuyển nông sản xuống thị xã An Nhơn cũng rất bất tiện, đình đốn.
Hiện tại, để qua lại các khu vực này, người dân phải tự mở đường để đi, con đường này vừa hẹp, vừa gập ghềnh và chỉ xe 2 bánh mới có thể qua lại, nhưng phải đi từng lượt người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Đáng ngại hơn, thời điểm hiện nay, bà con nông dân ở 2 huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh đang bước vào chính vụ thu hoạch các loại nông sản như lúa, mì, mía. Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt người vận chuyển hàng hóa, nông sản lưu thông qua cung đường này; trong khi tuyến đường xuất hiện nhiều hố sâu tạo thành “bẫy” nên người lưu thông qua lại luôn đối mặt với nhiều khó khăn, bất trắc.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, một người dân ở thôn Hữu Giang, xã Tây Thuận (Tây Sơn) lo lắng: “Cả tuần nay, tôi và bà con ở đây như ngồi trên đống lửa. Mì đến ngày thu hoạch nhưng không ai dám thuê lao động nhổ đại trà vì không biết sẽ vận chuyển ra sao. Hàng ngày, tôi lái xe máy với “mạng không” còn té lên, té xuống, rất nguy hiểm…”.
Tiếp lời chị Ngọc, anh Trần Văn Lâm (ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh) than thở: “Khổ lắm! Từ ngày con đường bị lũ cuốn trôi, việc vận chuyển nông sản của bà con trên này xuống thị xã An Nhơn gặp nhiều trắc trở. Bà con nơi đây rất mong các cấp, các ngành quan tâm, sớm khôi phục lại tuyến đường để giao thông không bị tắc, để người dân bớt khổ…!”.
Biết nguy hiểm nhưng… vượt khả năng của huyện!
Theo UBND huyện Tây Sơn, để khắc phục toàn bộ các điểm sạt lở, đứt gãy trên tuyến đường huyết mạch Phú Lạc - Hà Nhe cần ít nhất 2,5 tỉ đồng, vượt ngoài khả năng của huyện.
“Chúng tôi đã lập Tờ trình đề nghị UBND tỉnh Bình Định và các sở, ngành liên quan xem xét, bố trí kinh phí để sớm có phương án sửa chữa, khắc phục thiệt hại công trình, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt” - ông Nguyễn Kế Lộc, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tây Sơn, cho biết.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người tham gia giao thông, đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm có biện pháp sửa chữa, nâng cấp lại tuyến đường trên./.