Đầu tư cho hạ tầng giao thông: Cảnh sát cũng… đỡ áp lực

Giao thông đã trở thành “gánh nặng” trên vai các đô thị lớn, nhất là hạ tầng giao thông không thể đáp ứng là một trong những nguyên nhân khiến CSGT phải chịu những áp lực không nhỏ. Có ý kiến cho rằng, nên dùng chính tiền phạt vi phạm hành chính để đầu tư lại cho hạ tầng giao thông.

Giao thông đã trở thành “gánh nặng” trên vai các đô thị lớn, nhất là hạ tầng giao thông không thể đáp ứng là một trong những nguyên nhân khiến CSGT phải chịu những áp lực không nhỏ. Đầu tư tốt cho hạ tầng được xem là giải pháp đi đầu…

Đầu tư cho hạ tầng giao thông là vấn đề cấp thiết trong giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông

Hà Nội hiện có khoảng hơn 300.000 ôtô và gần 4 triệu xe máy, trong khi đó diện tích đường của Hà Nội hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% lượng phương tiện giao thông đăng ký của TP, chưa kể lượng ôtô, xe máy từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông hàng ngày tại Thủ đô. Trong lĩnh vực quản lý dân cư, tính từ thời điểm Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và các tỉnh có hiệu lực đến nay, dân số toàn Thành phố có khoảng 1.720.404 hộ với 6.489.170 nhân khẩu thường trú, mật độ trung bình 2.129 người/1km2, gấp 8 lần bình quân cả nước..

Nhiều thành phố khác cũng tương tự như Hà Nội, hạ tầng giao thông không đủ đáp ứng trong khi phương tiện và dân cư tăng theo cấp số nhân dẫn đến những vấn đề trong quản lý của chính quyền. Lực lượng CSGT cũng phải chịu những hệ lụy từ vấn đề đó bởi họ không những là lực lượng xử phạt mà còn có nhiệm vụ chính là tham gia điều tiết giao thông. Nếu vi phạm quá nhiều nghĩa là họ sẽ không còn nhiều thời gian cho nhiệm vụ điều tiết giao thông và như vậy, tắc đường, tai nạn là hệ quả tất yếu.

Bộ Trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng phân tích, ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết là đất dành cho giao thông ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất thấp, hiện nay khoảng 8% trên đất đô thị, trong khi yêu cầu đất dành cho giao thông phải đạt từ 24-26% cho tiêu chuẩn và theo luật là khoảng 16-26%; Diện tích bãi đỗ xe thì chỉ đạt chưa đến 1%, Hà Nội là 0,3% và TP Hồ Chí Minh là 0,8% trong khi đó yêu cầu là từ 3-5% trên tổng diện tích đất đô thị. Trong khi đó, việc kiểm soát việc tăng dân số cơ học ở những đô thị lõi, đô thị trung tâm mà đặc biệt là xu hướng tập trung hóa đô thị đang diễn ra hiện nay ở TP lớn hiện còn nhiều bất cập;  vấn đề tổ chức mạng lưới giao thông nhiều nơi cũng chưa hợp lý…

Chính vì hạ tầng giao thông chưa tốt mới dẫn đến cảnh tắc đường, người dân trèo lên vỉa hè, chiếm dụng làn đường, vi phạm giao thông …là chuyện “thường ngày ở huyện”. Đầu tư cho hạ tầng giao thông là vấn đề cấp thiết trong giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông nhưng vấn đề quan trọng là nguồn vốn. Theo ước tính của Bộ Tài chính hồi giữa năm nay, để hoàn thành định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2020 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần một lượng vốn khoảng gần 2 triệu 800 ngàn tỷ đồng, trong đó,  nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường quốc lộ, đường cao tốc, đường tỉnh lộ, đường bộ đô thị, giao thông nông thôn chiếm khoảng gần 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, với khả năng ngân sách hạn hẹp do kinh tế khó khăn như hiện nay thì ngân sách chỉ đảm bảo được một phần.

Trong điều kiện đó, cũng có ý kiến cho rằng, nên dùng chính tiền phạt vi phạm hành chính để đầu tư lại cho hạ tầng giao thông. Giải quyết được vấn đề này cùng với việc tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý thì sẽ bớt áp lực cho cảnh sát giao thông, hạn chế việc họ phải tăng quân số ngoài đường …

Huy Hoàng

Đọc thêm