Đầu tư gần 770 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cho các xã nghèo tỉnh Cao Bằng

(PLVN) - Nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của người dân trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có 185 xã, thị trấn được đầu tư từ Chương trình 135. Toàn tỉnh đã xây dựng 1.182 công trình hạ tầng cơ sở với tổng mức đầu tư xây dựng gần 770 tỷ đồng.
Trường THCS thị trấn Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135
Trường THCS thị trấn Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135

Với phương châm ''Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tự làm'', ''xã có công trình, dân có việc làm tăng thêm thu nhập'', Chương trình 135 đã phát huy mạnh mẽ nội lực của người dân. Đồng thời khơi dậy ý chí tự vươn lên thoát nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng.

Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, ông Nông Quốc Khôi cho biết: “Chương trình 135 được thực hiện đem lại hiệu quả, hợp lòng dân, tạo được sự thay đổi căn bản về mọi mặt cho các địa phương, nhất là địa bàn vùng đặc biệt khó khăn. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân từ 4%/năm”.

Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng đã có 789 công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất kinh doanh và dân sinh đi vào hoạt động; 109 công trình điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, 34 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, 37 công trình trường, lớp học đạt chuẩn, 206 công trình thủy lợi nhỏ, 1 trạm y tế, 6 công trình do cộng đồng đề xuất đã được hoàn thành. Ngoài ra, duy tu, bảo dưỡng 119 công trình, hạ tầng cơ sở các loại.

Tuy nhiên, qua đánh giá quá trình thực hiện Chương trình 135 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đặc biệt, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và chính sách dân tộc chưa sâu sát; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ từ cộng đồng, nên khó huy động nhân dân đóng góp khi thực hiện các chương trình, dự án. Một số địa phương, chủ đầu tư chưa quan tâm đến hiệu quả kinh tế của đồng vốn, còn tình trạng chạy giải ngân, thanh toán khống khối lượng, thiếu cơ chế quản lý, kiểm soát...

Có thể thấy, từ nguồn lực của Chương trình 135, công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Chương trình 135 vẫn cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng, tăng cường phân cấp đi đôi với trao quyền theo hướng đơn giản, dễ làm. Từ đó đảm bảo thực hiện chương trình thực sự có hiệu quả, nâng cao đời sống, kinh tế xã hội của toàn tỉnh.

Đọc thêm