Dạy con tiêu tiền tuổi nào thích hợp, đây có lẽ là điều làm nhiều bậc cha mẹ băn khoăn nhất trong quá trình giáo dục con về tiền bạc và cách sử dụng đồng tiền. Sớm quá thì sợ con không hiểu, trở thành nhồi nhét vào trẻ những nhận thức không hợp tuổi, nhưng trễ thì sợ bỏ lỡ những thời điểm vàng để giáo dục con về tiền bạc.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ, có lần, anh từng ngượng chín mặt sau khi lì xì cho con một người bạn, cháu mới 3 tuổi. Không ngờ, bé xé ngay bao lì xì trước mặt người lớn, còn vô tư nói: Sao chú này lì xì ít tiền hơn cái cô hồi nãy, chán quá (!). Theo chuyên viên Huỳnh Anh Tuấn, câu chuyện trên cũng không quá cá biệt trong cuộc sống hàng ngày.
Nhiều trẻ, còn nhỏ xíu nhưng đã có biểu hiện “thích tiền” thấy rõ. Được người lớn cho qùa, cho tiền, bé còn biết phân biệt ít nhiều và đòi hỏi. Đó là hậu quả của chuyện cha mẹ dạy con về giá trị của tiền, nhưng quên mất dạy con cách ứng xử với đồng tiền sao cho thích hợp. Giá trị của từng đồng tiền là bao nhiêu thực chất không quá quan trọng với các bé, nhưng quan trọng hơn là bé cư xử với tiền bạc thế nào, ở từng độ tuổi nào.
Thực ra, ngay từ lúc các bé bắt đầu có nhận thức, cha mẹ đã cần dạy con về tiền bạc. Tuy nhiên, tùy vào từng độ tuổi mà cha mẹ nên có cách dạy con cho hợp lý. Ví dụ, bé còn quá nhỏ, chưa cần biết đến giá trị của các loại tiền, cha mẹ chỉ cần dạy con đó là tiền, không nên xé rách, vứt bỏ. Đồng thời, dạy con không nhận tiền của người lạ, khi được cho với sự chứng kiến của cha mẹ thì nên biết cảm ơn.
Bé tầm 3-5 tuổi, đã có thể được giáo dục để không đòi hỏi vô tội vạ những thứ bé thích như đồ chơi, bánh kẹo. Đó là giai đoạn mà cha mẹ có thể dạy bé tiêu tiền một cách gián tiếp thông qua việc tiếp nhận hay từ chối các đòi hỏi mua sắm của bé.
Ví dụ như chỉ mua cho bé khi thực sự thấy cần hoặc thưởng cho bé nếu bé ngoan. Cha mẹ có thể đưa ra những lời giải thích hợp lý khi từ chối con: Vật này con đã có ở nhà rồi, nếu mua thêm nữa là lãng phí, hoặc thứ này quá mắc so với số tiền của ba mẹ có, nên không thể mua.
Đồng thời, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cũng nên giải thích cho con hiểu về việc cha mẹ làm việc cực khổ ra sao để có thể kiếm được tiền nuôi con và duy trì sinh hoạt gia đình… để bé hiểu và có thói quen không đưa ra những đòi hỏi vô lý, cũng như có các nhận thức bước đầu về tinh thần tiết kiệm, chi xài đúng.
Khi con lớn hơn chút nữa, cha mẹ đã có thể bước đầu dạy con cách sử dụng đồng tiền. Nhiều bậc cha mẹ thường có thói quen “tịch thu” tất cả các khoản tiền mà con có với những lý do không hợp lý khiến trẻ ấm ức. Các bậc cha mẹ ở nhiều nước phát triển thì lại khác, họ đã cho con tự quản lý những đồng tiền của mình khi còn nhỏ.
Ví dụ, tiền của bà con, họ hàng cho bé, tiền lì xì…, không nên giữ hết của con, mà nên cho con tự quản lý hết hoặc một phần, dưới sự giám sát của cha mẹ. Có thể cho bé lập một quỹ nhỏ hoặc bỏ ống, với một mục đích tốt đẹp nào đó, như dành tiền mua một bộ đồ chơi con yêu thích, mua sách, hoặc đi du lịch…
Trẻ bắt đầu vào tiểu học trở đi, cha mẹ cần dạy con cách sử dụng đồng tiền bằng cách hướng dẫn bé chi tiêu tiền quà vặt sao cho hợp lý, không bị “cháy túi” trước thời hạn. Lên cấp 2 là lúc con có thể được giáo dục những cách “kiếm tiền” nho nhỏ, từ việc được “thưởng” khi giúp đỡ cha mẹ việc nhà, hoặc các công việc nho nhỏ khác mà không ảnh hưởng đến thời gian học hành. Lúc này, “kiếm tiền” cũng là một cách giúp trẻ có sự va chạm nhằm nâng cao kĩ năng sống.
Tất nhiên, việc giáo dục con về tiền bạc bao giờ cũng nên có sự cân nhắc và tiết chế hợp lý, bởi dù sao đi nữa, nhận thức về tiền và tiêu tiền cũng chỉ là một trong các nhận thức phong phú về cuộc sống nhằm giúp trẻ hoàn thiện tư duy, tính cách.
Nhiều trẻ, được dạy về cách tiêu tiền đã chi tiêu rất hợp lý, hiệu quả. Đó cũng là nền tảng tốt cho trẻ trở thành người biết cách sử dụng đồng tiền, có trách nhiệm với đồng tiền và biết trân trọng giá trị lao động.
Không những thế, nhiều bé có tố chất còn có thể trở thành những người kiếm tiền giỏi, thành đạt, tất cả cũng từ những nền tảng giáo dục bước đầu trong gia đình từ thuở bé như thế.