Người Việt có suy nghĩ chung giống nhau rằng, "phàm" đã là trẻ con thì phải đi học, để được thầy cô dạy dỗ nên tài, nên người. Thế nhưng, đã và đang có những gia đình, những ông bố bà mẹ thay vì cho con đến trường đã để con ở nhà tự dạy.
Người Việt có suy nghĩ chung giống nhau rằng, "phàm" đã là trẻ con thì phải đi học, để được thầy cô dạy dỗ nên tài, nên người. Thế nhưng, đã và đang có những gia đình, những ông bố bà mẹ thay vì cho con đến trường đã để con ở nhà tự dạy.
|
Cậu bé không thích đến trường |
Những đứa trẻ "nói không" với trường lớp
Mới đây, dư luận xôn xao trước những bức tranh đầy chiều sâu tư duy và nét cọ sắc sảo trong triển lãm tranh cá nhân “Kiệt” của bé Vũ Tuấn Kiệt 9 tuổi ở Hà Nội. Và mọi người lại càng ngạc nhiên hơn khi biết tin bé Kiệt thay vì đến trường như bạn bè cùng lứa khác, đã được cha mẹ cho nghỉ ở nhà để tự dạy.
Chị Thanh, mẹ bé Kiệt, cho biết, khi Kiệt đưa ra đề nghị: “Con không đi học nữa, ở trường thời gian học quá nhiều mà thời gian chơi lại ít”, bố mẹ em đã mất nửa năm trời suy nghĩ. Và rồi cùng với người bạn của gia đình và cũng là bố nuôi của Kiệt là kiến trúc sư Phó Đức Tùng, họ quyết định cho Kiệt nghỉ học để tự dạy ở nhà.
Các bộ môn chính Kiệt được học theo phương pháp cuốn chiếu chương trình sách giáo khoa, còn các bộ môn phụ (âm nhạc, khoa học kỹ thuật, đạo đức...) sẽ được anh Tùng dạy bằng những buổi học thực tế qua các chuyến đi công tác cùng trên mọi vùng miền.
Chẳng hạn như khi đi Tây Bắc, anh Tùng sẽ nói chuyện với Kiệt về đặc điểm địa lý, khí hậu, cây cối, văn hóa, dân tộc... và thưởng thức các món ăn đặc trưng ở đó...
Chị Thanh cho biết, vì Kiệt là trường hợp đặc biệt nên gia đình thực sự quan tâm và theo dõi từng suy nghĩ và thay đổi của con. Thực tế, Kiệt trưởng thành rất nhiều và có ý thức về trách nhiệm với gia đình. Kiệt rất yêu mẹ nên Kiệt hay chia sẻ và thống nhất được quan điểm sống với bố mẹ.
Trường hợp không đến trường của bé Kiệt cũng không phải là quá cá biệt ở Việt Nam. Cách đây không lâu, báo chí từng đưa tin về một đôi vợ chồng quản trị trang web rất nổi tiếng về gia đình. Họ đã quyết định cho đứa con trai của mình ở nhà để tự dạy con thay vì đến trường. Và cho đến giờ phút này, những thành quả đạt được từ con đã chứng minh quyết định của họ không sai.
Nỗi lo bằng cấp khi dạy học tại gia
Dạy học tại gia (homeschooling) là xu hướng giáo dục hấp dẫn tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Đa phần phụ huynh tại các nền giáo dục cao như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, đều áp dụng hình thức dạy con tại nhà theo giáo án soạn sẵn, cho trẻ thi qua internet để lấy bằng, chứng nhận.
Thế nhưng, dạy học tại gia vì nhiều lý do lại khá mới mẻ và xa lạ tại Việt Nam. Các ông bố bà mẹ Việt Nam lo ngại dạy học tại gia không mang lại hiệu quả khi áp dụng với nền giáo dục Việt Nam vì các lý do như: việc học ở nhà trẻ sẽ hạn chế thích nghi với xã hội, con không được va chạm, giao lưu với bạn bè, thiếu tính cộng đồng, tinh thần tập thể; môi trường học tập của trẻ cần có sự cạnh tranh, tới trường trẻ mới thấy rõ được vị trí của mình để phấn đấu, nỗ lực…
Nhưng mối lo lớn nhất là trẻ sẽ không được tham gia bất cứ một kỳ thi vượt cấp hay thi vào các trường chuyên nghiệp sau này. Việc xin việc cũng sẽ là một thử thách lớn khi mà hầu hết các công ty nhà nước, các công ty tư nhân ở Việt Nam chỉ công nhận chứng chỉ đào tạo theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Hiện nay chỉ một số ít gia đình trẻ hiện đại, từng sống và học tập ở nước ngoài hoặc đã được học theo hình thức homeschooling mới chọn cách dạy con tại nhà. Hình thức dạy tại gia này cũng cho thấy nhiều ưu điểm là con trẻ không bị căng thẳng với lịch học chính khóa, học thêm dày đặc ở trường, bố mẹ sớm khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của con, con trẻ có ý thức tự giác, tự lập và kỷ luật sớm hơn những đứa trẻ đến trường thụ động trông chờ vào sự chỉ dạy, ép buộc của thầy cô.
Nói về trường hợp của bé Kiệt và mô hình dạy học tại gia, PGS, TS Trịnh Hòa Bình – Viện Xã hội học cho rằng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được người thân sẵn sàng trao cho cách giáo dục như vậy.
Từ câu chuyện của Kiệt nổi lên hai thông điệp là phải chăng nền giáo dục con trẻ của chúng ta "đang có vấn đề" nên nhiều em đi học cảm thấy như gánh nặng chứ không phải đến trường là một ngày vui và việc "cưỡng bức giáo dục" với trẻ là vô ích mà hãy để trẻ tự do làm điều mình thích…
Tuy nhiên, PGS, TS Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng, ở Việt Nam hiện nay mô hình giáo dục tại gia đó không thể nhân rộng mà chỉ ứng với từng trường hợp cụ thể còn mô hình giáo dục cộng đồng vẫn phổ biến.
Kiến trúc sư Phó Đức Tùng – bố nuôi bé Vũ Tuấn Kiệt: “Đạo Phật có câu “Đạo như sông Hằng nhưng mỗi loài vật qua sông bằng cách khác nhau. Vậy đối với mỗi người cũng phải có cách khác để dạy và học”. Bé Kiệt có năng lực, sáng tạo mạnh và những đứa trẻ như vậy không thích hợp với việc học thụ động. Vì thế, việc dạy ở trường là không phù hợp. Tôi nghĩ muốn trường tốt cách hữu hiệu nhất là giảm môn học bắt buộc, tăng tỷ lệ môn tự chọn và mời chuyên gia giỏi dạy các môn học này” Phụ huynh Thu Lê: “90% kiến thức phổ thông hiện tại là kiến thức thiên về não trái (những môn học địa lý, toán, hóa, ngoại ngữ, kỹ thuật...). Nên những đứa trẻ phát triển não phải (năng kiếu về âm nhạc, hội họa, sáng tạo,mơ mộng,tưởng tượng...) thì cho là ngu ngốc, chậm tiêu, thiếu khả năng tập trung... Dần dần sẽ tạo cho những đứa trẻ suy nghĩ nó đúng là như vậy. Nếu ai cũng được như gia đình Kiệt thì giúp cho cháu thoải mái và phát huy khả năng của cháu. Tôi cũng giống như anh Tùng thì không hoàn toàn nói giáo dục phổ thông là không tốt nhưng nên dạy ý thức và khơi dậy niềm đam mê cho học sinh thì hiệu quả hơn là áp đặt”. Phụ huynh Nguyễn Duy: “Việc cho trẻ đến trường là việc tạo thói quen học tập cho chúng. Như một võ sinh thường ngày luyện tập một bài quyền, khi đánh nhau thì tiện tay vung ra. Học cũng vậy, một đứa trẻ không đến trường, không ai gò ép rất dễ phát triển lệch hoặc không có thói quen học. Chúng ta cần tạo cho trẻ thói quen học, hứng thú với kiến thức và chủ động trong công việc mà không phải định ra một đống cái ta thấy có ý nghĩa rồi nhồi vào đầu chúng.” |
Dương Nhi