Cây cong thì nhánh cũng cong
Ví dụ trên được các tư vấn viên của Cty Truyền thông – Tư vấn và đào tạo sư tử trẻ ra đưa làm ví dụ để minh chứng cho nhận định ở trong gia đình, mỗi đứa con “hư” theo mỗi kiểu và đa số cái “hư” đó đều xuất phát từ cái “hỏng” trong cách ứng xử của bố mẹ với con.
Theo đó, kiểu ứng xử thứ nhất là bố mẹ khắt khe cấm đoán, gia trưởng một chiều, cái tôi của bố mẹ “đè bẹp” cái tôi của con cái khiến đứa trẻ dù đã lớn vẫn phải mang biệt danh là “con của mẹ”. Con không bao giờ có thể tự quyết định chuyện gì, kể cả chuyện học thêm môn nào hay kiểu quần áo mặc.
Song song với đó, một số trẻ bị bố mẹ khắt khe sẽ có hướng xung đột, thù ghét với những người xung quanh. Gia đình anh chị Sang, hai vợ chồng đều làm trong bệnh viện ở TP.HCM, đã rất đau khổ khi cô con gái 14 tuổi luôn tìm cách đánh đập, hành hạ đứa em lên 7 của mình. Một lần, hai anh chị đã sợ hãi khi tận mắt thấy con đập một con mèo lỡ đi lạc vào nhà cho đến chết.
“Đứa con đi học về, vào phòng lấy balô quần áo, cầm điện thoại gọi cho bố: “Hôm nay cuối tuần, con đi du lịch với lớp hai ngày rồi về bố nhé?”. Đầu dây bên kia ông bố đáp: “Ừ, đi đâu thì đi! Nhớ cẩn thận đó!” rồi cúp máy”. Đây là điển hình của kiểu ứng xử thứ hai - bỏ mặc con.
Khi trong gia đình có bố mẹ không quan tâm, thả lỏng và để mặc con cái với lý do muôn đời là “bận rộn” thì đứa trẻ sẽ hướng ra ngoài để tìm một “mẫu người lý tưởng”. Trong quá trình đi tìm đó, trẻ sẽ sa chân vào con đường xấu lúc nào không biết.
“Muốn cái gì thì cứ việc bỏ nhà đi vài ngày, thế nào ông bà ấy chẳng sợ!” là suy nghĩ của S., con trai độc nhất trong một gia đình trí thức. “Mượn” máy tính xách tay của bố mang đi bán được hơn 8 triệu, S. về nhà lấy lý do “bỏ quên trong quán cà phê, quay trở lại thì đâu mất”. Ông bố đùng đùng nổi giận quát con vì làm mất chiếc máy tính lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng, S. ngay lập tức bỏ nhà đi.
Ba ngày sau, bạn bè của S. thông báo: “Bố mày chịu thua rồi, ông nói về đi, ông bỏ qua hết”. Thế là S. lại quay về với những “chiêu thức” mới. Kiểu ứng xử thứ ba khi cha mẹ quá cưng chiều con, không thiết lập được các giới hạn, họ sẽ không quản lý được, thậm chí bị phụ thuộc vào con. Được nuông chiều đã quen, đứa trẻ dần dần có thói quen đưa ra yêu sách. Nếu không thỏa mãn, nó sẽ làm mọi cách để đạt được mục đích.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Không hiểu con, cha mẹ trả giá
Từ năm 2009 đến hết tháng 6/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã phát hiện, khởi tố điều tra mới 35.654 bị can là người chưa thành niên phạm tội, chiếm khoảng hơn 16% tổng bị can phạm tội hình sự là con số mà Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân thống kê mới đây.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tội phạm man rợ ngày càng trẻ hóa, theo Thạc sỹ, giảng viên Ngô Văn Vinh, đó chính là gia đình. Qua phân tích 35.654 đối tượng người chưa thành niên phạm tội cho thấy có đến gần 50% rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, trong gia đình thường xảy ra bạo lực, bố mẹ ly dị, ly thân…
Người lớn trong gia đình không nắm được đặc điểm diễn biến tâm lý của trẻ qua từng giai đoạn nên việc quản lý, giáo dục trẻ em chưa phù hợp, thiếu quan tâm tới trẻ em hoặc quá được nuông chiều, được đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi phi lý, dung túng lối sống ích kỷ, hẹp hòi cũng là một trong những nguyên nhân.
“Rất nhiều vụ án đã xảy ra, bố mẹ không tin vào việc con mình có thể phạm tội, thậm chí phạm tội dã man, man rợ đến thế. Điều đó chứng tỏ phụ huynh không nắm bắt được con em của mình trong một thời gian dài.
Ở nông thôn có tình trạng bố mẹ đi làm xa, con cái ở nhà làm cho vai trò nắm bắt, giáo dục con cái của bố mẹ bị suy yếu. Ở thành thị, cha mẹ cho con ở phòng riêng, tự do dùng internet, vô tình đã đẩy con mình vào một thế giới nhiều cạm bẫy” - Thạc sỹ, giảng viên Ngô Văn Vinh nhấn mạnh.