Từ năm 2012 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 130.000 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, nam giới chiếm hơn 83% đối tượng gây bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực.
Đã xóa được “nỗi ám ảnh tại địa bàn”
Tuy không là điểm nóng, nhưng Hà Nội cũng không phải là địa phương “sạch bóng” BLGĐ, hay nói cách khác, mỗi năm trên địa bàn Thủ đô cũng có hàng nghìn vụ BLGĐ xảy ra. Để phòng chống BLGĐ thì mô hình Câu lạc bộ phòng chống BLGĐ là phương pháp đạt hiệu quả cao nhất vì nó thể hiện sự chung tay của cả cộng đồng để chặn tay vũ phu. Do đó, theo Báo cáo số 179/BC-VH&TT của Sở VH&TT Hà Nội, tính đến hết tháng 10/2017, Hà Nội có 437 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình/584 tổng số xã, phường, thị trấn.
Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình có nhiều đơn vị, các hội ban, ngành triển khai, từ Bộ VHTT&DL, Hội Phụ nữ Việt Nam đến Hội Nông dân, Đoàn thanh niên… Hệ thống mô hình được phủ khắp các thôn, xã, phường. Ví dụ như ở huyện Mê Linh tại các xã Đại Thành, Tam Đồng, Thạch Đà, Kim Hoa có các mô hình triển khai theo hình thức Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, CLB gia đình hạnh phúc, CLB phòng chống BLGĐ.
Ở huyện Đan Phượng, ngoài các hình thức triển khai trên, tại xã Trung Châu còn có các CLB phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tuổi thanh thiếu niên… Nếu ở các quận như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, mạng lưới các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình duy trì 1 CLB tại 1 phường thì ở ngoại thành, có những xã có 2 - 4 CLB.
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 1.000 CLB phòng, chống BLGĐ, nhiều CLB vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đánh giá cao như tại các xã: Canh Nậu, Đồng Vương (Yên Thế), Biên Sơn, Kiên Lao, Phì Điền, Quý Sơn (Lục Ngạn), An Lập, Hữu Sản, Lệ Viễn (Sơn Động)...
Năm nay toàn tỉnh không xảy ra vụ BLGĐ đặc biệt nghiêm trọng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông tin từ Chủ tịch Hội Phụ nữ cho thấy xã Biên Sơn huyện Lục Ngạn có 70% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Tày, Nùng, Sán Dìu, Hoa, Sán Chí. Trước đây, bạo lực gia đình từng là nỗi ám ảnh tại địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế khó khăn, bất đồng, mâu thuẫn trong lối sống, người chồng gia trưởng, không tin tưởng nhau, chồng nghiện rượu chè, cờ bạc về hành hạ vợ con.
Để thay đổi được thói quen, nếp nghĩ đã gắn sâu vào tâm thức của bà con, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã vận động xây dựng mô hình CLB phòng, chống BLGĐ ở cả 16 thôn bản. Đồng thời bố trí địa chỉ tin cậy, nơi tạm lánh của nạn nhân BLGĐ tại Trạm y tế xã. Vài năm gần đây chuyện BLGĐ không còn xuất hiện tại Biên Sơn, mọi khúc mắc đều được CLB đến khuyên giải thấu tình đạt lý, chính quyền không còn phải bận tâm nhiều đến vấn đề này.
Cán bộ gia đình vẫn là khâu then chốt
Như vậy có thể nói, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tăng cường khuyên can đối thoại, kết hợp tuyên truyền, vận động người trong gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, các CLB phòng, chống BLGĐ đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động của người dân, giảm thiểu dần các vụ bạo lực gia đình gây nhức nhối trong dư luận, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách về pháp luật nói chung, đồng thời giúp người dân thực hiện tốt Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, qua thực tiễn nhiều địa phương cho thấy trong cách xây dựng mô hình cũng đang thể hiện nhiều nhược điểm như ở xã, phường không có cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình. Do đó, rất khó khăn trong việc tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là công tác thu thập, thống kê số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Việc duy trì hoạt động của mô hình điểm gặp nhiều khó khăn về đội ngũ, không thu hút được các thành viên, hoạt động không hiệu quả.
Hay như ông Nguyễn Đắc Hồng, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang trả lời báo chí cho biết, hoạt động phòng, chống BLGĐ tại miền vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, hòa giải ít, chuyên môn hạn chế, thiếu kinh phí và chưa thu hút được nhiều nam giới tham gia.
Để nâng cao hiệu quả công tác này, ngoài sự nhiệt tình, đòi hỏi đội ngũ các thành viên CLB cần những tố chất riêng như có uy tín trong cộng đồng, am hiểu pháp luật, có kỹ năng tư vấn, bảo vệ nạn nhân. Khi cần thiết có thể phối hợp với lực lượng chức năng can thiệp, xử lý kịp thời. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, người tuyên truyền cần phải biết một số tiếng của đồng bào để thuận tiện trong giao tiếp, tạo sự gần gũi giữa người nói và người nghe.