Đẩy mạnh bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư

(PLO) - Trong bối cảnh điều kiện kinh tế, xã hội nước ta không ngừng thay đổi, các mối quan hệ được điều chỉnh bằng pháp luật ngày càng nhiều hơn thì công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư (LS) được đánh giá là rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đội ngũ LS cả về số lượng và chất lượng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghị quyết số 49/NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng LS khi khẳng định “Đào tạo, phát triển đội ngũ LS đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn”.

Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề LS đến năm 2020” với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 18.000 – 20.000 LS, số LS có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người; chú trọng đến việc đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, phấn đấu đạt khoảng 1.000 LS phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế.

Việc phát triển về số lượng LS là quan trọng nhưng vấn đề then chốt hơn là phải chú trọng đến chất lượng LS. Số lượng LS đông nhưng chất lượng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp LS không bảo đảm tốt thì cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, uy tín của giới LS. Vì vậy, để phát triển LS một cách hài hòa thì chất và lượng phải luôn song hành. 

Xác định là một trong những công tác trọng tâm, thời gian qua, Liên đoàn LS Việt Nam đã đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho LS bao gồm bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng bắt buộc. Ngoài các chuyên đề về bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề LS trên các lĩnh vực, Liên đoàn đã chú trọng tổ chức cho các LS học tập Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam nhằm phát triển đội ngũ LS có trình độ, kỹ năng, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng. Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng rất chú trọng đến việc thẩm định nội dung chuyên đề, giáo viên tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng để đảm bảo chất lượng các khóa bồi dưỡng.

Qua đó giúp chất lượng của đội ngũ LS ở nước ta từng bước được nâng cao, bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa; số lượng vụ việc, khách hàng của LS nhiều hơn; dịch vụ pháp lý ngày càng đa dạng hơn; phạm vi hoạt động hành nghề của LS ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, do đặc điểm số lượng LS ở Việt Nam còn ít, lại phân bố không đồng đều ở các địa phương nên công tác bồi dưỡng chủ yếu tập trung ở Liên đoàn LS Việt Nam. Các Đoàn LS chưa đủ kinh phí, năng lực để tự đứng ra tổ chức lớp bồi dưỡng cho các LS ở địa phương mình, ngoại trừ một số nơi có số LS đông, có nhiều LS có trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp, đủ điều kiện để làm giảng viên.

Cùng với đó, nhiều Đoàn LS vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật từ chính quyền địa phương để nhằm mục đích phát triển trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Nguồn tài chính chủ yếu lấy từ phí LS thành viên đóng góp theo quy định để trang trải cho các hoạt động của Đoàn LS nên còn nhiều hạn chế.

Một khó khăn khác phải kể đến của LS nước ta đó là trình độ ngoại ngữ. Khi đất nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ngày càng lớn nên đã góp phần mở rộng vào thị trường dịch vụ pháp lý cho LS. Vì vậy, muốn tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường này đòi hỏi LS phải có khả năng nhất định về ngoại ngữ nên vấn đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có nội dung bồi dưỡng về ngoại ngữ được xem như một nhu cầu cần thiết đối với LS.

Nói cho cùng, LS là một nghề đặc biệt, được xã hội tôn vinh và ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, LS phải không ngừng nâng cao kiến thức, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp cũng như kỹ năng hành nghề, đồng thời công tác bồi dưỡng nghiệp vụ LS cần phải triển khai một cách toàn diện, có kế hoạch, có trọng điểm để góp phần phát triển đội ngũ LS ngày một lớn mạnh. 

Đọc thêm