Đẩy mạnh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi), Luật Dân số và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.

Đây là một trong năm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2022 được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra.

Tiếp tục tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch

Theo Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 mới xuất hiện chưa có trong tiền lệ đang đe dọa và làm đảo ngược các thành tựu y tế toàn cầu, triển vọng đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của nhân loại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Dịch bệnh không chỉ là vấn đề y tế đơn thuần mà tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Trong bối cảnh đặc biệt thách thức, hệ thống y tế, với sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể hệ thống, đặc biệt là các lực lượng y tế tuyến đầu đã trụ vững ngay trong những thời điểm thách thức nhất: ngăn chặn dịch leo thang lên mức khủng hoảng hay thảm họa y tế như nhiều quốc gia khác trên thế giới; tình trạng khủng hoảng y tế cục bộ được xử lý nhanh; tình trạng quá tải y tế không kéo dài; số ca nhiễm và số ca tử vong/triệu dân dù tăng nhanh nhưng vẫn được kìm giữ ở mức trung bình thấp so với toàn cầu.

“Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm thụt lùi thậm chí đảo ngược các thành tựu y tế toàn cầu, kết quả này có thể được xem là một thành công lớn đáng khích lệ của ngành Y tế Việt nam”, báo cáo của Bộ Y tế nhận định.

Nhận định trong thời gian tới, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn. Ngành Y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với mục tiêu trên hết, trước hết và bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân.

Thẳng thắn với những tồn tại

Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại như: Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; Hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu và phát triển chưa tương xứng với hệ thống bệnh viện; Nhân lực y tế còn thiếu so với nhu cầu, hệ thống y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện/khu cách ly…

Mâu thuẫn giữa mong muốn và giới hạn nguồn lực: Yêu cầu mở rộng diện bao phủ, nâng cao chất lượng dịch vụ trong khi chi tiêu cho y tế ở mức khiêm tốn; Mong muốn một hệ thống y tế mạnh cả về chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu tiệm cận các nước phát triển trong bối cảnh nguồn lực tài chính hạn hẹp.

Những vi phạm vừa qua rất nghiêm trọng nhưng không làm mờ những đóng góp của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. (Hình minh họa)

Những vi phạm vừa qua rất nghiêm trọng nhưng không làm mờ những đóng góp của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. (Hình minh họa)

Chính sách xã hội hóa trong các bệnh viện công lập bên cạnh mặt tích cực còn khiếm khuyết, thiếu minh bạch, một số nơi phát sinh tiêu cực. Việc thực hiện đổi mới hoạt động của các bệnh viện công theo hướng tự chủ với các cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ như xã hội hóa, liên doanh liên kết, chuyển đổi mô hình quản trị bệnh viện công, cơ chế giá thị trường mới ở giai đoạn ban đầu, chưa hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế.

Việc thực hiện các quy định về cơ chế giá thị trường, mua sắm còn vướng mắc, một số vụ việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vi phạm pháp luật về đấu thầu xảy ra. Một số vụ việc như mua sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty CP công nghệ Việt Á, mua trang thiết bị y tế tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác (Sơn La, Cần Thơ, Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương, Lạng Sơn).

Quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 11/01/2022, trong công điện Về việc thần tốc tiêm vắc xin và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng COVID-19, một trong bốn nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế thực hiện đó là: Quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, cá thể hóa trách nhiệm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch COVID-19.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, khoa học, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nội dung:

Quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại kế hoạch mua sắm đảm bảo đủ số lượng, đúng chủng loại phù hợp với tình hình mới; thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm.

Căn cứ Kế hoạch thanh tra 2022 của tỉnh, thành phố, xem xét bổ sung vào Kế hoạch thanh tra năm 2022 của địa phương có nội dung thanh tra về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có những tồn tại, hạn chế và yếu kém. Năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng, còn nhiều điểm hạn chế. Các chế độ chính sách chưa phù hợp, đời sống cán bộ y tế có nhiều khó khăn, chưa đủ thời gian để điều chỉnh các quy định pháp luật cần thiết, có liên quan trong bối cảnh dịch bệnh. Những vụ việc tham nhũng tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã sói mòn lòng tin đối với ngành. Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua rất nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm minh, nhưng không làm mờ những đóng góp, cống hiến đêm ngày, những sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, các các bộ nhân viên ngày y tế trong cuộc chiến đối với dịch covid-19 trong suốt thời gian qua, và cả trong thời gian tới đây”.

- Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị Chính phủ với địa phương 5/1/2022.

Đọc thêm