Chỉ khi đạt được một sự tương tác, kết hợp nhuần nhuyễn giữa người đào tạo và người sử dụng lao động thì mới mong chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện.
|
Ảnh minh họa |
Diễn đàn “Nâng cao vai trò của DNNVV Việt Nam trong giáo dục dạy nghề” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức.
Theo con số của PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và Dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), 18% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay có chất lượng nguồn nhân lực rất thấp. Trong đó, chỉ có khoảng 25% lao động qua đào tạo nghề; khả năng làm việc nhóm hạn chế, chưa nói đến khả năng tiếng Anh hay kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế…
Trong bối cảnh như vậy, theo ông Tiến, nhiều cơ sở dạy nghề đã tích cực đến tận nơi khảo sát nhu cầu của DN, nhưng đáp lại DN lại rất thờ ơ, lạnh nhạt. “Đến bao giờ DN chuyển từ thụ động “nhận và kêu” (nhận sinh viên từ các trường và luôn kêu ca, phàn nàn rằng sinh viên ra trường như con số 0 tròn trĩnh và phải đào tạo lại từ đầu), chuyển sang ý thức chủ động đặt hàng các trường dạy nghề, trường đại học, cao đẳng và chủ động phối kết hợp với các trường trong việc xây dựng danh mục dạy nghề, tiêu chuẩn nghề, số lượng sinh viên cần tuyển. Và đến bao giờ có thầy giáo – doanh nhân trực tiếp chấm điểm sinh viên trong lễ tốt nghiệp nghề?” - ông Tiến trăn trở.
Có thể thấy, chất lượng đào tạo nghề hiện tại còn quá khiếm tốn. Một thống kê cho thấy, cả nước hiện có 2.532 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề, song các thiết bị máy móc để giảng dạy cho học sinh nhìn chung đều có niên đại từ những năm 60 của thế kỷ trước, với xuất xứ Đông Âu và Liên Xô cũ.
Như vậy, vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai phía: cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp. Các chuyên gia đều cho rằng, chỉ khi đạt được một sự tương tác, kết hợp nhuần nhuyễn giữa người đào tào và người sử dụng lao động thì mới mong chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện.
DN khi tham gia đào tạo nghề, chính họ sẽ phản hồi về những khiếm khuyết của quá trình đào tạo, để từ đó, giúp nâng cao chất lượng đào tạo lên từng bước. Có nhiều hình thức kết hợp, như DN đặt hàng cho các cơ sở đào tạo, nhận sinh viên vào thực tập; tham gia vào quá trình đào tạo, bao gồm xây dựng chương trình, cử chuyên gia tới giảng tại lớp, tham gia vào quá trình đánh giá sinh viên, nhận sinh viên vào làm sau khi học xong…
Trên thực tế, cũng đã có những mô hình cho thấy hiệu quả bước đầu. Ông Hoàng Xuân Hiệp, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội chia sẻ “khoe”: nhà trường luôn xác định đào tạo phải gắn liền với sản xuất kinh doanh, nên đã sáng lập và trực tiếp tham gia quản lý 2 công ty cổ phần, hai công ty này đảm nhiệm là nơi “tập dượt” cho sinh viên, để sau khi sinh viên ra trường “có thể có có thu nhập ngay lập tức”.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - đại diện trường Cao đẳng công nghệ Viettronics cũng phấn khởi cho biết, tính tới nay trường đã đào tạo được 4.500 sinh viên, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đạt “kỷ lục” với hơn 90%.
Các cơ sở này kiến nghị, Nhà nước cần sớm có thêm các chính sách, tạo cơ chế khuyến khích DN tham gia đào tạo nghề, chẳng hạn như miễn thuế thu nhập và dành quỹ đất cho giáo dục… .
Một tin tốt cũng được công bố tại diễn đàn: Tổng cục Dạy nghề đang nghiên cứu xây dựng Quỹ phát triển dạy nghề. Theo đó, những DN nào không tổ chức dạy nghề mà nhận lao động do các cơ sở dạy nghề đào tạo thì sẽ phải đóng góp kinh phí cho quỹ, ngược lại những DN nào tự mở cơ sở dạy nghề thì sẽ được quỹ này hỗ trợ kinh phí.
Mai Hoa