Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là yêu cầu của ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tại cuộc họp trực tuyến để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. 
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu “đẩy nhanh giải ngân kinh phí hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”. Ảnh minh họa
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu “đẩy nhanh giải ngân kinh phí hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”. Ảnh minh họa

Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người khó khăn

Theo đó, các sở, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã giải ngân số tiền trên 12 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng khó khăn do dịch bệnh; Tỉnh cũng đã chi hỗ trợ cho 3.307 công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền 3 tỷ 872 triệu đồng.

Công tác bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu, hiện có 11 siêu thị, 285 cửa hàng tiện lợi và 39 chợ truyền thống đang hoạt động. Bưu điện tỉnh tổ chức bán hàng tại 28 điểm trên địa bàn các huyện, thị, thành phố.

Về thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm", đến nay, đã có 1.894 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đăng ký.

Tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Y tế khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp, nhanh chóng thực hiện xét nghiệm diện rộng để tách các F0 ra khỏi cộng đồng và nhà máy, xí nghiệp, tiến hành cách ly các trường hợp F1 để công nhân an tâm ở lại nhà máy sản xuất.

Các ngành, địa phương trong tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu về quê tránh dịch nếu các địa phương tiếp nhận. Đẩy nhanh giải ngân kinh phí hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 09 của UBND tỉnh.

Giữ chắc các "vùng xanh"

Trao đổi tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương cũng đã nêu một số khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch. Đó là công tác thu dung các trường hợp F0 còn chậm; công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân còn gặp khó khăn do thiếu đội ngũ y, bác sĩ và cơ sở vật chất, trang thiết bị; một số địa phương còn chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Để công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả và sớm khống chế, dập được dịch, các đơn vị đã đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, các địa phương cần phải tăng cường kiểm soát, siết chặt hơn nữa đối với trường hợp ra đường khi không cần thiết, nhất là các shipper giao hàng không thiết yếu; xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, nhất là các xe liên tỉnh vận chuyển hàng hóa dừng, đỗ không đúng theo quy định.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc họp

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc họp

Ngoài ra, đề xuất xem xét thực hiện cấm người dân ra khỏi nhà từ 18h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau trừ trường hợp cấp cứu và điều phối phòng, chống dịch bệnh; quy định khung giờ người dân đi mua hàng hóa thiết yếu... Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp; tạm dừng hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm phương án đảm bảo phòng, chống dịch tại công ty.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cơ bản thống nhất với các phương án đề xuất. Ch​ủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các địa phương phải cố gắng giữ chắc các "vùng xanh" an toàn; Đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp theo chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của Bộ Y tế để nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan rộng.

Tỉnh đã giải ngân số tiền trên 12 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng khó khăn do dịch bệnh. Trong đó, hơn 08 tỷ đồng để hỗ trợ 5.780/13.654 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và các đối tượng đặc thù; hơn 04 tỷ đồng hỗ trợ 2.729/2.815 người bán vé số lưu động. Bên cạnh đó, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 01 triệu lao động với tổng số tiền 393 tỷ đồng.

Đọc thêm