12 tuổi đã gặp chuyên gia tư vấn… sex
Thường xuyên tiếp xúc với những vấn đề trẻ em, TS Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng xã hội chúng ta đang có vấn đề. Bà lý giải, trong xã hội hiện tại, tự do cá nhân con người được đề cao, do đó bản năng trỗi dậy nhiều hơn cộng thêm vấn đề giáo dục lối sống kém dẫn đến xảy ra ngày càng nhiều các vụ án hiếp dâm. Thực tế có nhiều hành vi trước kia bị quy về các giá trị đạo đức khá nặng nề thì nay được mọi người xem nhẹ.
Đơn cử như trước đây, nếu không chồng mà chửa có thể phải cạo đầu bôi vôi rồi cho trôi sông, nhưng nay mọi người đã nghĩ thoáng hơn. Quan niệm coi quan hệ tình dục như cơm ăn, nước uống hàng ngày được nhiều bạn trẻ ủng hộ.
Tại sao ngày càng có nhiều vụ hiếp dâm trẻ em, trong đó có nhiều trường hợp có sự chủ động từ hai phía? TS Kim Quý cho rằng, vì độ tuổi dậy thì ở trẻ em đang ngày bị rút ngắn. Nếu trước kia độ tuổi dậy thì phổ biến từ 14-15 tuổi đối với bé gái và 15-16 tuổi đối với bé trai thì nay rút ngắn chỉ còn 11-12 tuổi. Dậy thì sớm do nhiều yếu tố như ăn uống đầy đủ, ảnh hưởng môi trường xã hội… Dậy thì đồng nghĩa với việc có nhu cầu thích người khác giới và quan tâm đến người khác giới, nói cách khác là thích yêu.
Trong khi nhu cầu quan hệ tình dục đã có thì các em lại chưa có sự phát triển tâm lý xã hội đẩy đủ, kinh nghiệm sống, vốn sống chưa có dẫn đến sự vênh nhau giữa phát triển thể chất và tâm lý xã hội. Thêm vào đó, ở độ tuổi dậy thì, các em sẽ tò mò muốn khám phá mọi thứ. Dưới tác động của việc tiếp nhận thông tin từ sách, báo, truyện bậy bạ… sẽ càng khiến các em bị kích động và khơi dậy bản năng nhiều hơn. Do đó, nếu cha mẹ thiếu kiểm soát, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, không chỉ được con cách tự bảo vệ bản thân, nhà trường không đả động gì đến kiến thức giới tính… sẽ vô tình khiến các em đi sai đường, quan hệ tình dục sớm.
Trong quá trình làm tư vấn, TS. Kim Quý cho biết, có rất nhiều em gọi điện đến Trung tâm để hỏi về những vấn đề rất ngây ngô, trong đó độ tuổi từ 12-13 chiếm chủ yếu. Nhiều em gái 12 tuổi đặt câu hỏi: “Quan hệ với bạn trai cùng lớp thì có thai không?”, “Cháu đã trót quan hệ thì giờ phải làm thế nào?”… Điều đáng nói không chỉ có trẻ em thành thị mà nhiều em nhỏ ở nông thôn cũng đã gọi đến để hỏi về những vấn đề tương tự.
Theo TS Kim Quý, thực tế hiện nay cho thấy chương trình dạy học trong độ tuổi từ 10 -13 hầu như chưa đả động gì đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, có chăng chỉ là những bài học “cưỡi ngựa xem hoa” như phân biệt các bộ phận trên cơ thể…, trong khi nhiều em đã dậy thì từ trước đó. Nói cách khác, chương trình bị lạc hậu so với thực tế.
Không “gửi trứng cho ác”
Để phòng tránh, hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo, bên cạnh việc luật hóa về giáo dục giới tính trong nhà trường, cha mẹ nên nói chuyện với con từ sớm về quan hệ tình dục ngay ở tuổi mẫu giáo chứ không phải đợi các bé lớn rồi… tự biết. Người mẹ phải gần gũi, chỉ cho các bé về những nơi nhạy cảm mà người khác giới không được chạm tới.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội nhận định: “Ở Việt Nam, tôi thấy nhiều ông bố, bà mẹ chủ quan, ít lường đến tình huống này. Còn ở phương Tây, người ta lại rất lưu ý bảo vệ trẻ em. Nếu thấy người lạ có biểu hiện thân thiết với con mình là họ rất lưu tâm, nhất là người quen sơ sơ, đến gia đình mà có cử chỉ thân thiết với trẻ là họ cảnh giác. Còn người Việt Nam thì ngược lại, rất mất cảnh giác, thậm chí còn gửi con mình cho nhà hàng xóm, gửi người nọ, người kia mà mình không chắc chắn tư cách họ như thế nào.
Đã đến lúc các bậc phụ huynh phải dạy cho con mình những kỹ năng phòng vệ như không gần gũi, nói chuyện với người lạ, không để cho người khác động chạm vào cơ thể mình, đặc biệt vào chỗ nhạy cảm. Thấy người như thế phải tránh. Phải dạy cho con biết phản ứng bằng cách nói nhẹ nhàng như “Cháu không thích” rồi cầm tay bỏ ra”.