ĐBQH nêu 5 lý do để lùi thời gian bắt đầu ngày làm việc

(PLO) - “Hiến kế” để góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, ĐB Nguyễn Văn Cảnh - Bình Định đề nghị điều chỉnh giờ làm việc trên phạm vi cả nước, đồng thời đưa ra 5 lý do để chứng minh cho giải pháp của mình.

Trong phiên họp bàn về tình hình kinh tế xã hội năm 2017 và kế hoạch cho năm 2018, ĐB Nguyễn văn Cảnh (BÌnh Định) đề nghị: Chính phủ cần nghiên cứu để điều chỉnh giờ làm việc trên phạm vi cả nước. 

Theo tổng hợp tài liệu tham khảo và trao đổi ý kiến từ nhiều nguồn Thư viện của Quốc hội, trang web của JICA, một số cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp, người nước ngoài, du học sinh và một số vị đại biểu Quốc hội, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đưa ra những thông tin và phân tích như sau:

Trên thế giới cũng như Châu Á, hầu hết các nước bắt đầu giờ làm việc ở cơ quan hành chính khối văn phòng, cơ sở giáo dục từ 8h30 hoặc 9h; thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng. Thông tin tổng hợp cũng cho thấy, đất nước có thời gian nghỉ trưa kéo dài có năng suất làm việc thấp hơn các nước khác trong cùng khu vực. Trong cùng một đất nước, vùng có thời gian nghỉ trưa dài hơn thì kinh tế cũng kém phát triển hơn vùng còn lại. 

“Trở lại với thực tế ở Việt Nam, hiện nay thời gian bắt đầu làm việc thường là từ 7h hoặc 7h30 đến 5h chiều. Thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Theo tôi, nếu các nước đã nghiên cứu và áp dụng giờ làm hợp lý thì chúng ta cũng cần nghiên cứu để xem khung giờ làm việc hiện nay đã tối ưu chưa, hay chúng ta cần nghiên cứu để thay đổi.”- ông nói.

Theo tính toán dựa trên các khung giờ để áp dụng các khung giờ cho phù hợp với thực tiễn điều kiện Việt Nam, Đb đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính, dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị. 

ĐB đưa ra phương án: “Giờ làm việc sẽ bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 5h chiều, thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 giờ. Riêng đối với khối sản xuất, khối doanh nghiệp nhà nước thì họ sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị.”

Để phương án của mình có tính thuyết phục, ĐB tỉnh Bình Định phân tích những lợi ích khi áp dụng thời gian làm việc từ 8h30 đến 5h chiều và thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 giờ như sau:

Thứ nhất là về lợi ích giao thông. Nếu bắt đầu từ 8h30 thì chúng ta không phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm cùng lúc mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể do số lượng xe buýt sẽ tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Khi so sánh khoảng thời gian xe buýt có thể phục vụ cho người dân từ 6h đến 8h30 so với khoảng thời gian từ 6h đến 7h hoặc 7h30 như ngày nay.

Thứ hai, về sức khỏe người lao động và hiệu quả công việc. Các nghiên cứu khuyến khích việc nghỉ trưa ngắn, khoảng 20 - 30 phút sẽ giúp hồi phục năng lượng, tỉnh táo, cải thiện trí nhớ, nâng cao hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, nhóm người nghỉ trưa kéo dài có nguy cơ mắc bệnh huyết áp, mỡ máu, tim mạch, đột quỵ não, bệnh phổi cao dẫn đến tử vong cao hơn nhiều so với các đối tượng khác. Ngủ trưa quá lâu cũng gây nhức đầu, mệt mỏi do các cơ quan trong cơ thể sau thời gian ngủ dài chưa sẵn sàng làm việc, dẫn đến hiệu quả làm việc vào buổi chiều sút giảm . 

Thứ ba, về sức khỏe học sinh và quan hệ gia đình. Nếu thực hiện việc làm muộn, gia đình có đủ thời gian trong buổi sáng. Cha mẹ sẽ lo cho con cái ăn uống đầy đủ, có thời gian quan tâm đến tình hình học tập, vui chơi, sinh hoạt của con ở trường. Chúng ta sẽ không nhìn thấy hình ảnh mẹ chở con đi học vội vã, con ngồi sau môt tay cầm ổ bánh mì, một tay cầm hộp sữa. Vừa không tốt cho sức khỏe trẻ em, vừa mất an toàn giao thông. Nhiều trường hợp cha đi làm mà chưa thấy mặt con. Bác Hồ đã từng viết "trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Việc nhiều học sinh phải thức dậy sớm từ 5 giờ sáng để chuẩn bị đi học, vừa đi vừa ăn, có em bố mẹ đưa đến trường vẫn còn ngủ gật, cho thấy thời gian đi học hiện nay cần thay đổi để chúng ta nuôi dạy trẻ em phát triển tốt hơn.

Thứ tư, về quan hệ xã hội và kỷ cương làm việc. Ai cũng có nhu cầu giao lưu với bạn bè, giải quyết công việc cá nhân, làm việc sớm thì không tránh khỏi công việc cá nhân, công chức sử dụng giờ làm việc của cơ quan vào việc riêng của mình, dù là ngồi ở quán nước hay ở cơ quan vào sáng sớm. Nếu chúng ta làm việc muộn thì nhu cầu giao lưu bạn bè, giải quyết công việc cá nhân được giải quyết trước giờ làm việc. Như vậy, thời gian làm việc ở cơ quan sẽ được cá nhân, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn. 

Thứ năm, về tiết kiệm năng lượng. Nếu thực hiện khung giờ làm việc từ 8giờ30 thì chúng ta sẽ tiết kiệm được năng lượng đáng kể do không sử dụng thiết bị,  hệ thống chiếu sáng trong khoảng 1giờ đến 1giờ30 trong ngày, khi chuyển giờ làm việc 7 giờ - 7 giờ30 sang 8giờ30. Đó là lợi ích của đổi giờ làm mà tôi thấy trước mắt. Việc đổi giờ làm cũng không tránh khỏi những khó khăn nếu áp dụng vào thực tế do phải thay đổi thói quen làm việc trước đây ảnh hưởng đến điều kiện sống, sinh hoạt học tập của nhiều cá nhân gia đình. 

“Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng theo tôi, có thay đổi mới có phát triển, nếu thay đổi đem lại lợi ích lớn hơn cho sự  phát triển của đất nước thì chúng ta cần ưu tiên cho cái lớn hơn. Tuy nhiên, nếu thay đổi mà không đánh giá hết được các mặt thuận lợi khó khăn từ tất cả các mặt đối tượng chịu tác động thì thay đổi đó khó khả thi, khó đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho nghiên cứu đổi giờ làm, cần lấy ý kiến đầy đủ từ người dân đến doanh nghiệp, tổ chức thảo luận, đánh giá tác động với các tổ chức chuyên gia trong nước và quốc tế để đánh giá hết tác động và tính hiệu quả việc đổi giờ làm.” – ĐB nói. 

Đọc thêm