ĐBSCL "khóc ròng" trước mực nước thấp nhất 90 năm qua

(PLO) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh ngân hàng cần khoanh nợ cho nông dân khi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống xâm nhập mặn diễn ra hôm qua (7/3) tại TP Cần Thơ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng  nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 2 tháng và chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn. 

Cụ thể, tại khu vực sông Vàm Cỏ, độ mặn lớn nhất đạt 8,1-20,3g/l, cao hơn 5,9 đến 6,2g/l so với trung bình nhiều năm; khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền, độ mặn lớn nhất đạt 14,6 - 31,5g/l, cao hơn 0,4 - 13,6g/l so với trung bình nhiều năm; khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu, độ mặn lớn nhất đạt 16,5-20,5g/l, cao hơn 5,9-9,3g/l so với trung bình nhiều năm; khu vực biển Tây (trên sông Cái Lớn), độ mặn lớn nhất đạt 11 - 23,8g/l, cao hơn từ 5,1-8,4g/l so với trung bình nhiều năm. 

Để kiểm soát xâm nhập mặn trong khu vực, Bộ trưởng Phát cho biết, thời gian qua nhiều hệ thống công trình thủy lợi, đê ngăn mặn đã được quan tâm đầu tư xây dựng như: Quản Lộ - Phụng Hiệp, Tứ giác Long Xuyên, Ô Môn - Xà No, Nam Mang Thít, Gò Công, Bảo Đinh…

Các công trình này, theo ông Phát, đã phần nào làm giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh tại 9/13 tỉnh, thành phố trong khu vực gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và Hậu Giang vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn.

Điển hình như Bến Tre có hơn 70% diện tích gieo trồng bị thiệt hại; riêng Cà Mau, Kiên Giang bị ảnh hưởng sớm bởi xâm nhập mặn từ cuối năm 2015, tổng diện tích lúa bị thiệt hại của hai tỉnh này ước tính gần 85.000ha.

Xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng đến một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa được cấp nước tập trung ở các khu vực cửa sông, ven biển như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu.

Thống kê sơ bộ, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có khoảng 155.000 hộ gia đình (khoảng 575.000 người) bị thiếu nước, trong đó Bến Tre là địa phương bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho biết, toàn tỉnh Bến Tre với 64 xã, phường hiện nay chỉ còn vỏn vẹn… 4 xã tại huyện Chợ Lách nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, còn lại các khu vực khác trong tỉnh đều bị xâm nhập mặn với khoảng 88.000 hộ dân chịu ảnh hưởng; nhiều cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện trong tỉnh đều lâm cảnh thiếu nước và các xe bồn cung cấp nước ngọt phải hoạt động hết công suất. 

Ông Hạo cho biết thêm, vụ lúa Đông Xuân vừa qua Bến Tre xuống giống trên 14.759ha nhưng hiện nay có trên 13.845ha (chiếm trên 90%) bị thiệt hại do xâm nhập mặn. Tuy nhiên, nhiều khả năng diện tích lúa trên địa bàn tỉnh sẽ bị thiệt hại 100% do hiện nay các trà lúa chỉ mới ở giai đoạn ngậm sữa, nguy cơ lúa không thể trổ bông là rất lớn.

Ngoài diện tích lúa, khoảng1.225ha diện tích cây ăn trái ở Bến Tre cũng bị ảnh hưởng. 

Hạn hán, nguồn nước cạn kiệt, nhiều khu vực tại ĐBSCL cũng đang nằm trong mức độ cảnh báo cháy cao, đặc biệt là hai cánh rừng lớn U Minh Thượng và U Minh Hạ. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho hay, toàn tỉnh hiện có trên 42.000ha rừng bị khô hạn, trong đó hàng ngàn hecta rừng có nguy cơ cháy lớn (cực kỳ nguy hiểm).

Tình trạng gió và sức nóng như hiện nay mỗi ngày làm mực nước trong rừng tràm sụt xuống rất nhanh, các kênh trong rừng thời gian tới có nguy cơ khô nước, nếu có cháy xảy ra thì có khả năng không có nước để dập. Thêm vào đó, tình trạng nắng nóng kéo dài, bốc hơi lớn, thiếu nước ngọt bổ sung cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng của tôm và phát sinh dịch bệnh.

Theo ông Hải, độ mặn tăng cao những ngày vừa qua làm phát sinh dịch bệnh gây hại trên 2.700ha diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, tăng 3 lần so với những năm trước.

Xâm nhập mặn còn kéo dài

Bộ NN&PTNT dự báo mùa khô năm 2015-2016, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6/2016, muộn hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng gần 2 tháng. Cụ thể, các vùng cách biển 30-45km, nguồn nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ các cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt; các vùng cách biển từ 45-60km có khả năng bị mặn cao (>4g/l) xâm nhập và nếu mùa mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016.

Đối với vụ Hè Thu năm 2016, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 6/2015, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000ha không thể xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước (chiếm hơn 40% diện tích các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực). 

Tại hội nghị, nhiều địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay như: rà soát, sửa chữa hoặc xây mới các công trình cống, đê đập ngăn mặn; tiếp tục nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng để đảm bảo việc lưu thông dòng chảy, tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt; lắp đặt thêm các trạm bơm phục vụ tưới tiêu; hỗ trợ người dân xây dựng các bể chứa nước ngọt, máy lọc nước hộ gia đình; tập trung bố trí lịch thời vụ hợp lý, chọn các loại cây trồng ngắn ngày chống chịu tốt hạn mặn cho năng suất cao…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện tượng El Nion kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình biến đổi khí hậu ở nước ta, đặc biệt tại ĐBSCL mưa ít, dẫn đến thiếu nước, xâm nhập mặn sâu gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, chính quyền nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải có trách nhiệm chia sẻ với người dân, cùng với nhân dân tìm mọi biện pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại sản xuất, giảm bớt khó khăn để người dân ổn định cuộc sống, tái sản xuất.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ngay sau hội nghị này tiến hành ngay việc khoanh nợ cho các địa phương có thiệt hại, thiên tai và tiến hành cho vay ngay để tái sản xuất. Ngân hàng Chính sách xã hội cần phát huy chức năng, nhiệm vụ cho vay các đối tượng nghèo, chính sách, diện khó khăn, học sinh - sinh viên, đặc biệt ưu tiên tập trung cho vay chương trình nước sạch nông thôn.

Thủ tướng cũng lưu ý chính quyền các tỉnh trong khu vực phải đảm bảo đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho dân, không để dân thiếu nước, sử dụng nước không hợp vệ sinh nhằm tránh dịch bệnh, đảm bảo người dân ổn định cuộc sống./.

Đọc thêm