Để "chỉ đỏ" thêm đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tinh thần “tương thân, tương ái”, đùm bọc lẫn nhau là truyền thống quý báu, nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ðó là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt từ những ngày bình minh của lịch sử dân tộc đến nay. Nhưng từ xa xưa, ông cha đã đúc kết “Của cho không bằng cách cho” và hôm nay “Làm từ thiện đúng luật – khó hay dễ?” là câu hỏi luôn được đặt ra, để làm sao cho những tấm lòng thực sự đến được những nơi cần đến và người được giúp đỡ cũng không tủi hổ khi nhận sẻ chia…
Để "chỉ đỏ" thêm đỏ

Từ truyền thống của dân tộc…

Mấy hôm nay, anh Hồ Ngọc Thanh - một người dân Đà Nẵng cùng các thành viên trong quỹ xe “Vạn tình 0 đồng” vẫn miệt mài đăng những dòng tin kêu gọi “Hướng về Sài Gòn” trên mạng xã hội. Ban đầu anh Thanh lên phương án kêu gọi được bao nhiêu sẽ cùng một vài anh em đội xe bán tải Đà Nẵng trực tiếp chở vào Sài Gòn hỗ trợ. Nhưng không may dịch tái bùng phát tại Đà Nẵng, anh chỉ gửi tiền mặt vào cho người quen ở Sài Gòn mua gạo, mắm, muối hỗ trợ người lao động khó khăn.

Nhóm anh đã kêu gọi được hơn 100 triệu đồng cùng 6 tấn gạo và 2.000 lít nước sát khuẩn tiếp sức cho TP HCM, đến bếp ăn thiện nguyện và các khu dân cư phong tỏa ở Sài Gòn. “Chúng tôi đã từng trải qua những ngày tháng giãn cách toàn thành phố, khó khăn muôn phần nên hiểu hết những gì người dân Sài Gòn đang gặp phải. Trước đây khi Đà Nẵng là tâm dịch của cả nước, người Sài Gòn gửi yêu thương về ấm lòng biết mấy, nay cho chúng tôi góp một tay động viên Sài Gòn” - anh Thanh nhắn nhủ.

Câu chuyện của anh Thanh chỉ là một trong hàng triệu câu chuyện về những tấm lòng trong những ngày này. Không phải đến bây giờ khi dịch bệnh hoành hành, tinh thần “tương thân, tương ái”, đùm bọc lẫn nhau mới mạnh mẽ như vậy mà từ xa xưa tinh thần ấy đã trở thành truyền thống quý báu, nét đẹp văn hóa của dân tộc ta.

Ngay từ những khúc hát ru lúc mới lọt lòng đến khi làm quen với con chữ, mỗi người chúng ta đều thấm nhuần những câu ca dao, tục ngữ như “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Lá lành đùm lá rách” hay “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”...

Miền Trung bão lũ, với tinh thần “tương thân, tương ái”, tất cả đồng bào đều hướng về miền Trung bằng những hành động ý nghĩa, thiết thực nhất. Đó là hình ảnh trong mưa bão, các cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an, lực lượng dân quân, tự vệ đội mưa, đội gió giúp dân chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền trú, tránh bão. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kịp thời về thăm hỏi, động viên bà con vùng tâm bão; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang dốc sức giúp dân khắc phục hậu quả...

Cơn bão đi qua, thiệt hại về người, tài sản do bão để lại không gì có thể đo đếm được. Khắp nơi trên cả nước cùng nhau phát động, ra sức ủng hộ người dân vùng bão lũ. Chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội, đồng bào ta ở trong và ngoài nước chung tay chia sẻ những mất mát, đau thương bằng những hành động thiết thực, người có sức thì giúp sức, có của thì góp của, ai có thể giúp được gì thì sẵn sàng giúp đỡ, không ngại khó, ngại khổ, cùng nhau hướng về vùng bão lũ, mong sao cho đồng bào của mình giảm bớt khó khăn, mau chóng trở lại cuộc sống, làm việc, tham gia sản xuất.

Những ngày này, dịch bệnh COVID-19 đang là nỗi ám ảnh của toàn thế giới và Việt Nam cũng đang căng mình chống dịch khi số ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng tăng. Dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội và những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội lại càng dễ bị tác động, tổn thương. Trước cuộc chiến đầy cam go với dịch bệnh và lời hiệu triệu “chống dịch như chống giặc”, một lần nữa truyền thống quý báu “tương thân, tương ái” của dân tộc lại trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Của cho không bằng cách cho.

Của cho không bằng cách cho.

Ðó là những hy sinh, vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sẵn sàng “chia lửa” với những địa phương đang là tâm dịch; là việc san sẻ đồ ăn, thức uống cho người dân trong các khu cách ly, phong tỏa; là cùng nhau hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con những địa phương có dịch hay những đóng góp thiết thực cho Quỹ Vacine phòng, chống Covid-19 từ những doanh nghiệp lớn, nhỏ đến những học sinh, người lao động...

Đến ý thức tuân thủ pháp luật khi đùm bọc, sẻ chia

Pháp lý luôn là vấn đề khiến các ý định và hoạt động từ thiện e ngại. Còn nhớ, trong đợt miền Trung bão lũ năm 2020, các từ khóa được quan tâm nhiều nhất đều liên quan đến việc từ thiện như: “Thủy Tiên”, “cứu trợ”, “minh bạch”… Nhiều quan điểm cho rằng, việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi và nhận tiền để làm từ thiện là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Nghị định 64/2008/NĐ-CP về hoạt động từ thiện. Theo đó, việc thực hiện nhiệm vụ nhân đạo được Nhà nước giao cho các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, (ảnh bìa: Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Thanh Sơn. Nguồn: chuthapdophutho.org.vn) các quỹ xã hội, từ thiện thực hiện, còn cá nhân không được phép thực hiện.

Tuy nhiên, cũng lại có quan điểm phản biện rằng Nghị định 64 thực chất là để áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo và đấy là một hình thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức có nhiệm vụ được giao, như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện, không áp dụng cho cá nhân, nên nếu lấy Nghị định 64 áp vào trường hợp của Thủy Tiên cũng không đúng. Vì về thực chất, những người như Thủy Tiên chỉ là người trung gian để đem vật chất, tiền bạc từ người tặng, cho đến người được nhận. Họ được ủy thác để làm việc đó và theo luật là được phép. Họ không đại diện cho tổ chức nào nên họ hoàn toàn có quyền làm việc đó.

Và cũng từ những sự việc thực tế và tranh luận nhiều chiều như vậy, ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2020, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Động thái này của Chính phủ cho thấy, việc bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” được đề cao.

Có thể thấy, sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật lấy việc tuân thủ pháp luật là hàng đầu thì câu đúc kết của ông cha “Của cho không bằng cách cho” đến ngày nay cần được hiểu dưới góc độ “cách cho” chính là ý thức tuân thủ pháp luật trong từ thiện để sao cho những tấm lòng thực sự đến được những nơi cần đến và người cần giúp đỡ cũng không tủi hổ khi nhận sẻ chia.

Đó cũng chính là 3 nguyên tắc cần tuân thủ trong hoạt động cứu trợ quốc tế: Thứ nhất, không phân biệt đối xử giữa những người ở những vùng xảy ra thảm hoạ; Thứ hai, không tạo áp lực cho những người tại đó, kể cả nạn nhân, kể cả chính quyền và các lực lượng để họ không bị áp lực thêm những công việc khác nữa; Thứ ba, giúp những gì họ cần, thay vì mình giúp những gì mình có.

Ngày 21/10/2020, trao đổi bên hành lang Quốc hội với báo chí, đề cập đến quy định của pháp luật về vấn đề hoạt động từ thiện, ĐBQH Lê Thanh Vân nhận định Nghị định 64 ban hành từ 2008 nhưng Chính phủ chưa có tổng kết xem các quy định trong này có phù hợp thực tiễn hay không. Ông Vân đề nghị cần quy định không chỉ có các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân mới có quyền quyên góp từ thiện, mà để cả cá nhân, những người có tên tuổi, uy tín trong xã hội cũng có quyền đó. Việc của Nhà nước là quy định và hướng dẫn rõ ràng để khi có sự cố thì các cá nhân, tổ chức khác có thể giải trình minh bạch.

Đọc thêm