Để chính sách, pháp luật là “chỗ dựa” vững chắc cho người khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ước tính cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho NKT sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Nhiều chính sách về NKT ban hành mới và điều chỉnh phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT...
Số trẻ khuyết tật được đi học ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua. (Ảnh minh họa)
Số trẻ khuyết tật được đi học ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua. (Ảnh minh họa)

Từ những chính sách pháp luật kịp thời, phù hợp…

Cụ thể, trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi trội về trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho NKT. Quyền trợ giúp pháp lý của NKT được ghi nhận ngay từ khi có Luật Trợ giúp pháp lý 2006 (quy định NKT không nơi nương tựa được trợ giúp pháp lý), đến nay tiếp tục được kế thừa tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (quy định NKT có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý).

Về vấn đề trợ giúp y tế, Luật Người khuyết tật 2010 quy định về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho NKT. Theo đó, từ Điều 21 đến Điều 26 Luật Người khuyết tật quy định về những ưu đãi trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho NKT. Một vấn đề quan trọng trong chăm sóc sức khỏe NKT chính là về chế độ BHYT. BHYT, chế độ BHYT dành cho NKT cũng xác định dựa trên mức độ khuyết tật của họ.

Về trợ cấp xã hội, NKT hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng hay được nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội xác định dựa trên mức độ khuyết tật và tình trạng thực tế của họ.

Về trợ giúp giáo dục, ngày 31/12/2013, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC về quy định chính sách về giáo dục đối với NKT, theo đó ưu tiên nhập học và tuyển sinh; miễn, giảm một số nội dung môn học, hoặc hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục; đánh giá kết quả giáo dục; chính sách về học phí; chính sách về học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập, áp dụng đối với NKT.

Trẻ tự kỷ vẫn đứng bên lề mọi chính sách dành cho trẻ em và người khuyết tật

Luật Người khuyết tật ra đời năm 2010 là bước tiến quan trọng hướng tới hoàn thiện luật pháp, không còn rào cản đối với người tự kỷ. Tuy nhiên, trong Luật Người khuyết tật, tự kỷ cũng chưa được xếp cụ thể là dạng khuyết tật nào, cũng chưa có văn bản pháp lý nào cho thấy người tự kỷ là người khuyết tật để được hưởng bảo hiểm y tế, trợ cấp, đào tạo nghề… Điều 44 Luật trẻ em nêu rõ, toàn bộ trẻ em bao gồm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều được phổ cập giáo dục, nhưng vấn đề quyền và nhu cầu của trẻ em tự kỷ là dạng khuyết tật đặc biệt chưa được đưa vào trong luật.

Về trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, các chính sách hỗ trợ học nghề, việc làm được thực hiện theo hướng phổ quát, bảo đảm tất cả NKT đều được hỗ trợ. Việt Nam cũng đã thông qua Công ước về quyền của NKT và Công ước số 159 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT. Đồng thời, Nhà nước cũng khẳng định, hỗ trợ về tài chính và các chính sách ưu đãi khác đối với các cơ sở dạy nghề cho NKT nhằm khuyến khích công tác dạy nghề cho cho NKT.

Về trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành QCVN10:2014/BXD về “Xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng”. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình xây dựng để đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng.

Về trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông, NKT được trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông được quy định tại Luật Người khuyết tật và Thông tư hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên NKT tham gia giao thông công cộng…

Đến những thành tựu đáng ghi nhận…

Trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật trên một số lĩnh vực đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận như: Về giáo dục đến nay Việt Nam đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh ở trên 20 tỉnh thành phố; đã có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật và triển khai giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp học phổ thông. Số trẻ khuyết tật được đi học ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ khuyết tật khoảng 88,7%, trung học phổ thông là 33,6;

Về chăm sóc y tế và phục hồi chức năng, hiện nay cả nước có 63 Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN)/Trung tâm PHCN, trong đó có 01 bệnh viện phục hồi chức năng tuyến trung ương và 62 Bệnh viện PHCN/Trung tâm PHCN thuộc tuyến tỉnh/thành phố; 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa PHCN (80 khoa PHCN). 90% khoa Y học cổ truyền-Phục hồi chức năng ở tuyến huyện. Có khoảng 25% số xã có thực hiện dịch vụ PHCN tại xã…;

Về đào tạo nghề và việc làm, hiện nay cả nước có 1.130 cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho NKT, trong đó có 744 cơ sở công lập, 386 cơ sở tư thục. Trong số các cơ sở dạy nghề cho NKT có 225 cơ sở dạy nghề chuyên biệt. Tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho NKT là 3.359 giáo viên;

Các chương trình tín dụng đối với NKT tính đến tháng hết năm 2020 tổng số khách hàng vay là NKT là trên 11.000 người. Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT, NKT tự phát triển sản xuất đạt 118 tỷ đồng, với 5.838 khách hàng có dư nợ, chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng dư nợ và 0,07% trên tổng số hộ còn dư nợ các chương trình tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội…;

Về văn hóa, giải trí, Bộ VHTTDL đã phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức của NKT tổ chức hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của cho NKT, thu hút sự tham gia hoạt động sáng tác, tạo điều kiện cho NKT phát triển tài năng về văn hóa, nghệ thuật. Cả nước có 45/63 tỉnh thành có phong trào thể dục thể thao cho NKT, trong đó 30-35 tỉnh, thành phố thường xuyên hoạt động có nền nếp, các giải thi đấu thể thao cho NKT toàn quốc được tổ chức định kỳ hàng năm và thường xuyên có từ 500-6.000 vận động viên khuyết tật tham gia với 5- 8 môn thi đấu…

Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của xã hội với NKT

Theo Báo cáo điều tra quốc gia về NKT năm 2016, ở nước ta có khoảng 7,06% dân số là NKT từ 2 tuổi trở lên. Số lượng NKT hiện nay là khoảng 6,2 triệu người. Trong đó, số lượng NKT sống ở khu vực đô thị cao hơn 1,5 lần so với khu vực nông thôn.

Thực tế cho thấy, NKT vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rào cản trong việc tiếp cận và tham gia vào đời sống xã hội, khả năng hòa nhập của NKT nói chung, đặc biệt là ở khu vực nông thôn rất khó khăn. Khuyết tật không chỉ ảnh hưởng đến NKT mà còn ảnh hưởng đến gia đình của họ bởi vì gia đình có NKT thường phải chi trả chi phí cho NKT như chi phí điều trị y tế, chăm sóc, giáo dục chuyên biệt và các chi phí khác.

Tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn. (Ảnh minh họa)

Tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn. (Ảnh minh họa)

Tại hội thảo đánh giá chính sách, pháp luật đối với NKT do Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam phối hợp với các cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UN) tổ chức cách đây không lâu, nhiều chuyên gia cho rằng việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật đối với NKT thời gian qua cũng còn có những hạn chế, đời sống của một bộ phận không nhỏ NKT còn nhiều khó khăn, vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt của xã hội đối với NKT.

Trong khi đó, tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn; giao thông đô thị, các công trình xây dựng từ trước không được quan tâm cải tạo đảm bảo tiếp cận cho NKT. Ở một số địa phương tiến độ triển khai Đề án trợ giúp NKT, Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng còn chậm, bố trí kinh phí thấp hoặc không bố trí kinh phí để thực hiện Đề án. NKT còn khó tiếp cận các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao ở cơ sở. Mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp...

Từ những bất cập nêu trên, một số định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về NKT trong giai đoạn tới đã được chỉ ra, đặc biệt ở lĩnh vực pháp luật đó là sớm nghiên cứu, xây dựng một số luật liên quan đến NKT như: Luật sửa đổi Luật người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật sức khỏe tâm thần; hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển nghề công tác xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về NKT phù hợp với Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền của NKT. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về NKT, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với NKT; hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển các tổ chức của NKT...

Người khuyết tật đâu chỉ là người sử dụng xe lăn

Hiện nay chưa có các tiêu chí đánh giá toàn diện về “tiếp cận” trong dịch vụ chăm sóc y tế cho NKT. Bộ Y tế đã ban hành các tiêu chí đánh giá các bệnh viện của Việt Nam trong đó có bao gồm tiêu chuẩn tiếp cận cho người sử dụng xe lăn. Như vậy, có thể thấy còn có nhiều tiêu chí về tiếp cận khác (như về giao tiếp, ngôn ngữ ký hiệu…) chưa được đưa vào đánh giá các cơ sở chăm sóc y tế, do đó tạo nên các rào cản cho NKT tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Do đó, đánh giá việc tuân thủ Luật Người khuyết tật liên quan đến các dạng khuyết tật, chẳng hạn như thiếu biển báo bằng chữ nổi Braille và phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho các chuyên gia y tế… nếu vẫn không là tiêu chí đánh giá, sẽ tạo ra rào cản trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho NKT.

Đọc thêm