“Để con cõng ba, ba nhé!”

(PLVN) - Trong buổi lễ tri ân và trưởng thành của Trường THPT Nguyễn Khuyến, Vĩnh Châu, Sóc Trăng diễn ra tháng 6/2019, nam sinh Nguyễn Hữu Bằng, học sinh lớp 12 đã nói với cha mình như thế. Nhiều người khi nghe câu nói thấy cay khóe mắt vì bản thân còn vô tâm và chưa từng tỏ lời tri ân tới cha mẹ.
Bức ảnh “Để con cõng ba nhé” gây xúc động trong buổi lễ tri ân
Bức ảnh “Để con cõng ba nhé” gây xúc động trong buổi lễ tri ân

Ngày trưởng thành, con ngoái đầu nhìn lại

Ngày trường tổ chức lễ tri ân cha mẹ, Bằng vô cùng hạnh phúc vì có ba đến dự. Em kể: “Ba em là nông dân quanh năm gắn với ruộng đồng, nuôi tôm, nuôi lợn. Ba hiền lành, chân chất, chẳng bao giờ dám bỏ ruộng đồng đi đâu. Cuộc đời ba chịu nhiều vất vả, có mấy bộ đồ ba cứ mặc tới, mặc lui. Ở nhà hai ba con em hay nói chuyện, nhưng cũng hiếm khi em bày tỏ tình cảm với ba”. 

Vẫn lời Bằng: “Hôm đến trường, ba chỉ đứng kế bên em chụp ảnh. Khi ấy em đã bất ngờ ngồi xuống nói: “Để con cõng ba nhé”. Em thấy ba lưỡng lự, nhưng rồi ba cũng để em làm. Ba có vẻ xúc động rưng rưng, mặc dù em chưa từng thấy ba khóc bao giờ. Em cảm thấy mình thực sự may mắn khi vẫn còn cơ hội được cõng ba”. 

Hình ảnh chụp nam sinh Bằng cõng cha mình đã gây xúc động cho người xem. Trong khung hình ấy, ba em mặc bộ đồ tươm tất, ngực cài hoa hồng, chân đi dép lê, nở nụ cười thật tươi trên lưng cậu con trai tuổi 18. Bằng cho biết, đây là lần đầu tiên em dám thổ lộ tình cảm của mình trước ba. Hành động này đã thay lời tri ân sâu sắc nhất mà cậu muốn gửi đến bậc sinh thành trong buổi lễ đầy ý nghĩa này.

Mặc dù gia đình không phải khá giả, nhưng Bằng tự hào vì luôn có ba mẹ động viên, đồng hành trước mỗi giai đoạn quan trọng. “Ba mẹ em là nông dân nên lúc nào cũng muốn con cái thoát khỏi nghề nông, để khỏi phải chịu cảnh “chân lấm tay bùn”. Em dự định sẽ thi vào một trường cao đẳng tại Cần Thơ, ngành Công nghệ thông tin, sau đó sẽ đi làm và báo hiếu ba mẹ. Em chỉ mong ba mẹ thật vui khỏe và hãy yên tâm vì cả hai con trai của ba mẹ đã trưởng thành, sẽ sớm ổn định và không phải là gánh nặng của gia đình”, Bằng chia sẻ dự định. 

Một câu chuyện cảm động khác là của Nguyễn Bá Ngọc, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa, dù phải chịu di chứng của cơn sốt co giật hồi còn nhỏ, nhưng em vẫn là học sinh giỏi toàn diện suốt 3 năm học THPT. Khi đang chuẩn bị tích cực cho kỳ thi đại học, Ngọc đã viết bức thư tri ân các bậc sinh thành. 

Trong bức thư, Ngọc nhắc đến những kỷ niệm ấu thơ lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ: “Giờ đây thì con đã biết, để nuôi dạy con đến ngày hôm nay, bố và mẹ đã phải trải qua biết bao vất vả, cực nhọc. Khi con còn bé tí, mẹ đã phải thức trắng nhiều đêm để trông nom, chăm sóc con, vì theo lời kể của mẹ và bác, hồi đấy con khó tính lắm, hay khóc lắm, hư lắm, suốt ngày bắt mẹ bế thôi…

Nhưng sau khi em con ra đời, được chứng khiến cảnh mẹ bế em ru ngủ đến khuya, rồi mỗi khi đến bữa là mẹ phải bế đi chơi đây chơi đó mới chịu ăn, mỗi khi em ốm, bố mẹ thức để chăm em, lo lắng suốt đêm. Mẹ thường bảo, em thế này còn ngoan hơn con ngày xưa gấp mười lần. Thế mới biết ngày xưa mẹ mệt nhọc vì con biết bao. 

Em con càng lớn, bố mẹ càng lo nhiều hơn, bố mẹ lại càng lo nhiều hơn, nào lo tiền học cho em, lo em ăn uống, lo đưa đón em đi học, lo quần áo, giày dép… Thế nhưng, có một thời, con nghĩ, một suy nghĩ thiếu chín chắn, rằng những việc bố mẹ làm là hiển nhiên như nấu cơm cho con ăn, đưa đón con, trả tiền học, cung cấp giường êm, đệm ấm, cơm ngon áo đẹp cho con, quan tâm đến con và hàng tỉ những việc khác. Giờ đây, con đã hiểu, bố mẹ làm tất cả những điều này không phải vì bố mẹ nợ nần gì con cả, mà bởi vì tình yêu thương vô điều kiện…”.

“Dù thế nào đi nữa, bố mẹ vẫn sẽ luôn ở bên con, cho con niềm tin và sức mạnh, bố mẹ nhé” là mong ước của chàng trai 18 tuổi Nguyễn Bá Ngọc trước ngưỡng cửa trưởng thành bởi em hiểu tình yêu thương của mẹ cha luôn là chỗ dựa vững chắc nhất trong đời mỗi người.

Sang tuổi mới, con nghĩ về cha mẹ nhiều hơn

Ngày sinh nhật, người ta thường nghĩ đến việc tập hợp bạn bè, tổ chức tiệc tùng kỉ niệm… Ít người ngày đó nhớ đến cha mẹ để cảm ơn họ vì đã sinh con ra để cho con hằng năm lại có một lần kỉ niệm ngày sinh của mình.

Hoàng Huy, một người con đi học xa nhà đã viết những dòng đầy cảm động cho cha mẹ nhân ngày sinh nhật ở mình nơi xứ người. “Bố mẹ thương yêu của con! Một ngày mới đã sang rồi và hôm nay con đã chính thức tròn 26 tuổi, con muốn trân trọng dành những phút giây đầu tiên của tuổi mới để làm một điều mà trước đây con chưa bao giờ làm: Viết cho bố mẹ như một lời tri ân, tỏ lòng biết ơn vô bờ bến tới hai thiên sứ đã mang con đến với thế giới này một buổi sáng đầu hè 26 năm về trước. Con đang nhìn lên bầu trời về hướng đông, về Việt Nam, nơi ấy bây giờ bố mẹ của con đang đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới. Giá như được ở nhà, con sẽ ôm bố thật chặt và tặng cho mẹ của con nhành hoa đẹp nhất...”.

Quả đúng như Hoàng Huy đã viết, ở đời không ai chọn được mẹ cha và Tổ quốc, nhưng mỗi người khác nhau ở chỗ có nhận thức được việc mình sinh ra tại đất nước này, trong gia đình cha mẹ này có phải là món quà của số phận hay không. Và với Hoàng Huy, anh đã luôn tâm niệm đó là sự lựa chọn đầy ưu ái của số phận “khi con được làm con của bố mẹ và với con đó mãi mãi là điều may mắn nhất trong cuộc đời”. 

Đây không phải là lá thư đầu tiên của một người trẻ viết cho cha mẹ nhân ngày sinh nhật của mình. Trước đó, trong một cuộc thi viết về tình cảm gia đình, Ban tổ chức đã rất bất ngờ khi có nhiều người dự thi cùng chung một nghĩ suy: Cảm ơn cha mẹ nhân ngày sinh nhật mình. Và lý do thì rất giản đơn như bài viết của một cô gái: “Từ tận đáy lòng, nhân ngày sinh nhật của con, con xin nghiêng mình cảm ơn bố mẹ vì đã là bố mẹ của con, cho máu thịt, cho yêu thương, cho con ánh sáng để con được làm người đứng dưới bầu trời lớn rộng…”. 

Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh lòng hiếu thảo

Trong quan hệ ứng xử với ông bà, cha mẹ, văn hóa Việt Nam nhấn mạnh lòng hiếu thảo và sự kính trọng của con, cháu. Bên cạnh những trách nhiệm được luật pháp quy định, con cháu trong các gia đình còn có nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc giữ gìn văn hóa, truyền thống đạo đức của gia đình, dòng tộc; chăm lo tới việc thờ tự, cúng giỗ, hiếu hỉ. 

Khi còn trong độ tuổi đi học, việc làm tròn bổn phận của con, cháu đối với cha mẹ, ông bà là vâng lời thầy cô, học hành chăm chỉ, tích lũy kiến thức và trau dồi đạo đức để khi trưởng thành sẽ tự tin tham gia vào đời sống xã hội, lao động để tạo thu nhập nuôi sống bản thân và chăm sóc gia đình. 

Khi đã trưởng thành và xây dựng gia đình riêng, việc làm tròn bổn phận của con, cháu là sống đúng, sống theo và sống hợp với các nguyên tắc đạo đức xã hội, chăm lo gia đình riêng của mình chu đáo, chăm sóc, phụng dưỡng, thăm nom cha mẹ, ông bà khi có thời gian, theo khả năng và điều kiện… 

Nói chung trong mọi hoàn cảnh và trường hợp, người con làm tròn bổn phận phải là người có ý thức trách nhiệm và thể hiện trách nhiệm đó phù hợp với đạo lý và luật pháp của xã hội hiện hành. 

(Trích Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình)

Đọc thêm