Để giới trẻ 'nói không' với rượu, bia: Cần tiếp tục lấp 'lỗ hổng' pháp luật

(PLVN) - Cách đây hơn chục năm, theo kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) 2003-2008 cho thấy tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) là 47,5%, trong độ tuổi 18-21 là 67%; tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở thanh, thiếu niên tăng 9%; tỷ lệ nam vị thành niên/thanh niên sử dụng rượu, bia là 79,9% và nữ là 36,5%. Trong đó 66,5% nam và 22% nữ vị thành niên, thanh niên đã từng bị say rượu, bia.

Đến nay, theo điều tra sức khỏe học sinh, có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất một lần; vị thành niên/thanh niên ở khu vực Tây và Đông Bắc có tỷ lệ sử dụng rượu, bia cao nhất…

Vẫn còn quan niệm sai về rượu, bia

Đã có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra liên quan đến người trẻ tuổi sử dụng rượu, bia. Nhiều người chưa hết bàng hoàng vì vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Thái Nguyên tháng 8/2019 khi chiếc xe máy do 1 thanh niên điều khiển chở theo 4 người khác lao vào dải phân cách giữa đường. Cú đâm mạnh khiến 5 người ngồi trên xe máy ngã xuống đường, làm 4 người tử vong và 1 người bị thương. Cả 5 nạn nhân đều đang học Trường Cao đẳng Thương mại Thái Nguyên.

Ngăn chặn người chưa thành niên tiếp cận với bia, rượu

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tiếp tục nhấn mạnh việc cần thiết, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ trẻ em tốt hơn trên cơ sở hài hòa với các chuẩn mực quốc tế; giải quyết tác động tiêu cực tiềm tàng của rượu, bia đối với sức khỏe của trẻ em và người chưa thành niên; tăng cường vai trò của các bên liên quan; đảm bảo tính tương thích với các văn bản pháp luật quốc gia khác như Luật Trẻ em 2016.

Theo UNICEF về khuyến mại và quảng bá các sản phẩm bia. rượu, cần cấm quảng cáo, tiếp thị và tài trợ bia. rượu dưới mọi hình thức nhằm vào trẻ em và vị thành niên; cấm sử dụng các em trong các hoạt động với mục đích thúc đẩy tiêu thụ rượu, bia; sử dụng biện pháp giám sát hiệu quả đối với quảng cáo và tiếp thị; đưa ra các quy định chặt chẽ đối với các phương tiện thông tin đại chúng để bảo vệ vị thành niên.Về trách nhiệm của khu vực tư nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em, cấm sử dụng người chưa thành niên trong hoạt động sản xuất và buôn bán bia, rượu; xây dựng các biện pháp ngăn chặn người chưa thành niên tiếp cận với bia rượu; cấm người lớn đưa người chưa thành niên đến các cơ sở tiêu thụ rượu, bia lớn như quán bar, vũ trường...

Thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, nhóm sinh viên này đi dự sinh nhật bạn và có uống rượu, bia. Cơ quan điều tra xác định nguyên nhân vụ tai nạn do người điều khiển xe máy chở quá số người quy định, sử dụng rượu, bia, đi quá tốc độ, đến khi vào cua không làm chủ được tay lái đã đâm vào dải phân cách gây ra tai nạn.

Đau lòng hơn nữa là vụ một nữ sinh lớp 10 ở Quảng Trị khi đi ăn sinh nhật bạn đã bị bạn chuốc say rồi cả nhóm nam thay nhau hãm hiếp. Khi tỉnh dậy, bé gái không biết gì, chỉ nhớ được bạn mời 2 chén rượu sau đó mê man, bất tỉnh. Thực tế bé gái này khi có rượu vào đã không còn tỉnh táo để chống cự và những cậu bạn học có hơi men cũng không thể kiểm soát được hành vi. Đây chỉ là một trong những hậu quả đau lòng do trẻ vị thành niên sử dụng đồ uống có cồn gây nên….

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thanh, thiếu niên có thể tiếp cận với đồ uống có cồn sớm. Trước hết đó là quan niệm và thái độ hết sức sai lầm của cha mẹ, người lớn trong việc cho trẻ tiếp cận với rượu, bia.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu, bia ngày càng gia tăng. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ sáu đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

Quan niệm xã hội sai lệch về vai trò của rượu, bia vẫn đang tồn tại, chẳng hạn như nhiều người cho rằng đàn ông phải biết uống rượu, bia mới thể hiện được “bản lĩnh” khiến cho nhiều bậc phụ huynh trong lúc “cao hứng” đã khuyến khích con mình phải “nhấp môi” vài chén trong những bữa tiệc vui. Hoặc khi đứa trẻ lớn lên trong môi trường mà người lớn, bố mẹ thường xuyên uống rượu, bia thì chúng sẽ coi đó là điều bình thường.

Một thực tế nữa là rất nhiều gia đình có thói quen tích trữ sẵn rượu, bia - đặc biệt là các loại rượu nấu, rượu ngâm. Vì thế, trẻ muốn sử dụng cũng dễ dàng có được. Hơn nữa, rượu, bia có giá khá rẻ, dễ mua, thuận tiện. Ở bất cứ cửa hàng tạp hóa nào cũng đều bán loại đồ uống mang tính “phổ thông” này.

 Không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi.

Trong một chương trình truyền hình về trẻ em, nói về việc trẻ em dễ mua đồ uống có cồn tại các cửa hàng, siêu thị, máy quay bí mật đã đi theo một đứa trẻ vào siêu thị mua bia và hình ảnh cho thấy, người bán thậm chí không ngẩng mặt lên nhìn xem đang tính tiền bia cho ai, có đủ tuổi mua và sử dụng hay không. Và nếu như họ có nhận biết là trẻ em đang mua bia, rượu cũng sẽ tự lý giải là đứa trẻ đó được người lớn sai đi mua (!).

Còn quy định bỏ ngỏ

Việc uống rượu, bia quá sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của não bộ. Các chuyên gia cho biết trẻ từ độ tuổi từ 12- 20 rất khó kiểm soát liều lượng của bản thân nên thường uống quá mức cho phép và việc trẻ tiếp xúc với đồ uống có cồn sớm góp phần làm gia tăng tỷ lệ thanh, thiếu niên sử dụng rượu, bia qua các năm.

Việc vị thành niên, thanh niên sử dụng rượu, bia gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Ngoài những hậu quả như ngộ độc, tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, gan, tăng nguy cơ phạm tội… thì rượu, bia còn khiến trẻ dễ trở thành những người trưởng thành nghiện rượu cũng như sử dụng các chất gây nghiện khác trong tương lai.

Đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về việc cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi như: Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu quy định cấm bán rượu cho người chưa đủ 18 tuổi; Luật Trẻ em năm 2016; và từ ngày 01/01/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực với nhiều quy định liên quan.

Ra tiệm tạp hóa mua bia phải mang giấy tờ tùy thân có dán ảnh

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực, theo đó cấm bán bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Với quy định nêu trên, có nghĩa từ ngày 1/1/2020, tổ chức, cá nhân không được bán bia cho người dưới 18 tuổi (hiện hành chỉ cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi).

Để quy định này đi vào cuộc sống, sắp tới Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về vấn đề này, cụ thể sẽ có mức phạt răn đe với những ai bán bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Chắc rằng, để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của mình, tránh bị xử phạt thì cá nhân, tổ chức bán bia phải chấp hành đúng quy định pháp luật.

Để an toàn, nhằm biết chắc khách hàng đủ tuổi để được mua bia hay chưa thì người bán phải kiểm tra giấy tờ tùy thân có dán ảnh, như là: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe…

Như vậy, để chắc rằng đến tiệm tạp hóa, siêu thị… mua bia được liền, không tốn thời gian thì người mua phải mang theo một trong các giấy tờ tùy thân nêu trên..

Tuy nhiên, lý giải nguyên nhân tại sao người trẻ lại dễ tiếp cận rượu, bia và gia tăng tỉ lệ thanh, thiếu niên sử dụng rượu, bia qua các năm, ThS. Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng việc kiểm soát thực hiện quy định về tuổi được phép mua và uống rượu, bia chưa được thực thi triệt để, ráo riết.

“Mặc dù Luật Trẻ em và một số luật khác cấm bán rượu cho trẻ dưới 18 tuổi nhưng ở Việt Nam một đứa trẻ được bố mẹ sai đi mua bia, rượu là bình thường. Việc mọi người bán rượu, bia cho một đứa trẻ cũng không có gì là lạ”, chuyên gia này cho hay.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc quảng cáo rượu, bia cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng trẻ vị thành niên sử dụng rượu, bia trong thời gian qua. Đặc biệt, rượu, bia thường xuyên được quảng cáo trên truyền hình trong khung “giờ vàng” đã tác động đến hành vi tiêu thụ của giới trẻ.

Một nghiên cứu sử dụng rượu, bia tại Việt Nam do Trường ĐH Y tế công cộng cho thấy so với các nhóm tuổi khác, thanh/thiếu niên là đối tượng nhạy cảm và dễ bị thu hút với quảng cáo nhất - đặc biệt là các hình thức quảng cáo trên tivi, phim ảnh, online, trên mạng xã hội.

“Kiểm soát quảng cáo khuyến mại rượu, bia rất quan trọng trong việc hạn chế sử dụng rượu, bia ở trẻ em. Phải quản lý bia vì 95% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam là bia. Cần tạo môi trường lành mạnh, gồm cả các chế tài nhằm bảo vệ người trẻ tuổi, đặc biệt thanh/thiếu niên trước việc sử dụng rượu, bia ngoài ý muốn” – ông Bảo cho hay.

Một trong những vấn đề được ưu tiên nhất để giảm tác hại của rượu, bia là giáo dục và truyền thông nhằm giảm tính sẵn có của rượu, bia, phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên, phụ nữ mang thai tiếp cận với rượu, bia.

Vì thế, để thay đổi thói quen hàng trăm năm nay của người dân, hướng tốt nhất trong tiếp cận là tác động vào thế hệ trẻ, giảm tiếp cận của giới trẻ với sản phẩm. Đây là một trong những hướng tiếp cận mà Bộ Y tế đã đặt ra ngay sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội ban hành và vừa có hiệu lực vào ngày 01/01/2020.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của sự gia tăng sử dụng rượu, bia ở thanh, thiếu niên, theo kết quả các nghiên cứu trên thế giới, có một phần quan trọng là do tác động của quảng cáo, khuyến mại về rượu, bia đang ngày càng phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay.

 Trẻ em hiện nay rất dễ dàng mua bia tại các điểm bán hàng, siêu thị  - (Ảnh minh họa)

Những quy định rõ về độ tuổi được phép mua, sử dụng rượu, bia và quy định nhằm kiểm soát quảng cáo, khuyến mại rượu, bia trên các phương tiện truyền thông đại chúng là các giải pháp vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống tác hại của sử dụng rượu, bia đối với thanh, thiếu niên Việt Nam.

Thế nhưng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, chỉ cấm “khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên”. Như vậy, chỉ đồ uống có cồn trên 15 độ mới bị nghiêm cấm chặt chẽ; còn bia (thường dưới 15 độ) thì được nới lỏng một cách dễ dãi hơn. 

Trong khi đó, theo các chuyên gia, rượu và bia khi quy về nồng độ cồn nguyên chất thì có cơ chế gây tác hại như nhau. Đây là căn cứ để Bộ Y tế cho rằng cần có cơ chế kiểm soát các hoạt động liên quan đến bia và rượu như nhau trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đáng tiếc là quy định này đã không hiện diện trong luật. 

Việc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bỏ ngỏ quy định quảng cáo trên không gian mạng làm cho luật phần nào mất đi tính nghiêm minh. Hiện nay, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mạng Internet để mua bán rất lớn, trong khi đó, các quảng cáo rượu, bia hiện nay được các nơi bán quảng cáo với nhiều hình thức mới, rượu, bia được bán online không phụ thuộc vào thời gian và vị trí địa lý… Rõ ràng, cơ hội tiếp cận rượu, bia của trẻ em Việt chưa hề được thu hẹp nhiều khi có Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia ra đời.

Mặt khác, các nhà làm luật Việt Nam vẫn chưa tiệm cận được khuyến nghị của thế giới, đó là tiến tới tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế cơ hội tiếp cận của người sử dụng.

ThS Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ngoài các địa điểm công cộng được quy định trong Luật, Nghị định đề xuất có thêm một số điểm mới sẽ cấm bán rượu, bia, để hạn chế tính sẵn có của rượu, bia tại những nơi công cộng như cấm tại rạp chiếu phim và công viên - nơi vui chơi giải trí của giới trẻ.

ThS Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:

“Những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp năm lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống, đó là khả năng nghiện rượu cao gấp bốn lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp sáu lần sau khi uống; khả năng gây tai nạn xe cộ cao gấp hơn sáu lần do uống rượu, bia; khả năng bị chấn thương gấp gần năm lần sau uống”.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia:

 “Để tăng hiệu quả tuyên truyền về tác hại của rượu, bia, Ủy ban đã đề nghị Bộ GD-ĐT bổ sung thêm nội dung này vào hệ thống kiến thức giáo dục pháp luật và kỹ năng bảo đảm ATGT cho học sinh trong chương trình chính khóa”.

Bà Nguyễn Thị An - Tổ chức Health Bridge:

“Cần áp dụng đồng loạt các quy định về kiểm soát quảng cáo đối với tất cả sản phẩm rượu, bia dưới 15 độ. Luật hiện phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (trong đó các quy định kiểm soát quảng cáo đối với sản phẩm có độ cồn dưới 5.5 độ lỏng lẻo hơn so với các sản phẩm có độ cồn từ 5.5 đến dưới 15 độ.

Không nên cho phép quảng cáo rượu, bia trên internet với lý do, khó kiểm soát thanh, thiếu niên và trẻ vị thành niên tiếp cận với thông tin quảng cáo rượu, bia trên internet và mạng xã hội.

Cấm tài trợ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, vì khi các sự kiện tài trợ được phát sóng trên tivi, hay truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng thì chúng cũng gây ảnh hưởng giống như các hình thức quảng cáo trực tiếp… Trên thế giới đã có 43 quốc gia cấm hoàn toàn hoạt động khuyến mại, tài trợ bia gắn với các sự kiện thể thao và 20 quốc gia cấm một phần”.H.Minh  (t/h)

Đọc thêm