Để hôn nhân không là nấm mồ tình yêu

(PLVN) - “Hôn nhân là cái WC, người trong muốn ra, người ngoài muốn vào” - câu nói đầy chua chát, trần trụi khi ai đó muốn miêu tả cuộc sống hôn nhân vô cùng chán nản, tẻ nhạt của mình. Song bên cạnh đó cũng có rất nhiều người đang sống rất hạnh phúc với người bạn đời của mình. Vậy làm thế nào để hôn nhân thực sự là bến bờ hạnh phúc? 
Đừng để những hệ lụy đi quá xa. Ảnh minh hoạ
Đừng để những hệ lụy đi quá xa. Ảnh minh hoạ

Hạnh phúc chưa nở đã tàn 

Chị T và anh H bị tình yêu sét đánh khi hai người học chung lớp học. Sau 3 tháng kết thúc khóa học cũng là lúc anh chị rục rịch chuẩn bị đám cưới trong sự ngỡ ngàng của biết bao nhiêu người. Vì anh là con trai một, chị là con gái út nên đám cưới được tổ chức tưng bừng tại một nhà hàng 5 sao, rước dâu bằng xe mui trần đi khắp thành phố, ai nấy đều mừng cho đôi trai tài gái sắc.

Bẵng đi vài tháng, trên facebook của hai người đều đặn những dòng tâm sự buồn đau, hụt hẫng báo hiệu cuộc hôn nhân không còn êm ấm. 6 tháng sau chị T công khai người yêu mới, còn anh H chuẩn bị cưới vợ lần 2. Trên facebook của cả chị và anh, ảnh cưới với người cũ còn chưa kịp xóa hết khiến tất thảy mọi người đều ngỡ ngàng hệt như lúc anh chị thông báo lấy nhau.

Hỏi ra mới biết, vì đến với nhau hào nhoáng bên ngoài nên anh chị đã sớm vỡ mộng về nhau ngay sau kỳ trăng mật. Cả hai đều là con cưng nên được chiều chuộng từ nhỏ, tính khí có phần ích kỷ nên khi về sống cùng nhà đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Đơn cử như chị không thể thức dậy sớm để cơm nước cho bố mẹ chồng nay đã già yếu còn anh thì không muốn chị mua sắm theo ý muốn cũng làm cho hai vợ chồng mặt này mày nhẹ với nhau… và kết cục là họ đã tự đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân ngắn chẳng tày gang của mình. Có lẽ ngay từ đầu họ đã chọn sai người bạn đời, hôn nhân của họ đã chết lâm sàng từ lúc ấy rồi. 

Khác với anh chị T và H, vợ chồng anh chị V và K đến với nhau sau một quá trình dài tìm hiểu và đã từng sống thử trước khi kết hôn. Khi cảm thấy cả hai đã đồng điệu về tâm hồn và tính cách, cộng với gia đình hai bên đều có những éo le nên lại càng thấy đồng cảm và muốn chia sẻ với nhau, họ quyết định về chung một nhà, cùng nhau gây dựng lên hạnh phúc từ hai bàn tay trắng.

Chị có bầu đứa con đầu trong niềm vui sướng vỡ òa của anh nhưng cũng từ đó chị ốm nghén nặng, phải nghỉ dưỡng thai, công ty cho chị nghỉ việc do không đáp ứng được sức khỏe. Một mình anh với đồng lương viên chức giờ cáng đáng cả nhà khiến cuộc sống vợ chồng càng khó khăn gấp bội. Sinh con ra, chị phải về nhà ngoại sống để anh có thêm thời gian đi làm thêm. Cũng trong thời gian này, cơ quan anh chuyển đổi mô hình thành công ty, để giữ được công việc nên anh chị vay mượn gần trăm triệu nộp vào mua cổ phần.

Do tính toán không kỹ, khi con càng lớn càng phải chi tiêu nhiều. Tiền mua cổ phần cứ lãi mẹ đẻ lãi con cộng thêm bao nhiêu khoản lo cho hai bên gia đình vốn chẳng dư dả nên không khí trong gia đình anh chị lúc nào cũng căng thẳng, áp lực. Không có vợ bên cạnh, anh ngập trong cờ bạc như một thú vui quên đi những áp lực cuộc sống, điều đó lại càng khiến nợ chồng nợ.

Chị vợ sống bên nhà ngoại, thường xuyên phải nghe những lời xúi giục, nói xấu chồng nên cũng bỏ bê, chẳng quan tâm đến anh. Dần dần tình cảm vợ chồng vun đắp khi xưa chẳng còn, anh chị quyết định chọn cách chia tay, chỉ có đứa con là ngây thơ, không hề biết nó đã không còn một gia đình vẹn nguyên nữa. 

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng trẻ quyết định ly hôn. Họ ly hôn với đủ lý do: ngoại tình, không hợp nhau, vấn đề tài chính… thậm chí chỉ vì chồng mê game hay vợ không biết nấu nướng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nhau ra tòa.

Theo một nghiên cứu mới nhất năm 2018 của TS Nguyễn Minh Hòa (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM),  cứ có 3 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn; 60% số vụ ly hôn thuộc về các cặp vợ chồng trẻ, trong đó có 70% thuộc về các cặp có thời gian chung sống từ 1-7 năm và hầu hết đã có con. Một con số xót xa, đáng báo động và để lại nhiều hệ lụy cho không chỉ cho người trong cuộc. 

Đường ai nấy đi còn nỗi đau ở lại

Quay trở lại câu chuyện của chị T, sau khi biết mình có thai với anh H, chị đã quyết định phá bỏ vì cuộc hôn nhân của anh chị đã không thể hàn gắn được nữa. Mẹ chị biết chuyện chỉ biết khóc, nhưng chị không thể hình dung được tương lai sẽ ra sao khi làm mẹ đơn thân.

Còn nhà T và H, thằng bé con anh chị mới 2 tuổi nhưng việc đột ngột vắng đi tình thương của bố, nó phải ở với bà ngoại vì mẹ còn đang lăn lộn kiếm việc làm nên thằng bé có dấu hiệu của bệnh tự kỷ giảm chú ý. Nỗi đau lại chồng chất nỗi đau, thương con nhưng vết thương lòng quá lớn khiến cho anh chị không đủ dũng cảm để quay trở về bên nhau được nữa. 

Rất nhiều hậu quả để lại sau ly hôn, nhất là những cặp đã có con không phải vợ chồng nào cũng lường hết trước được. Vì những vấn đề của người lớn mà trẻ con đã phải sống trong cảnh thiếu vắng đi tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ, nhiều đứa trẻ lớn lên có thiên hướng lệch chuẩn, dễ sa ngã trong tương lai.

Bản thân người trong cuộc cũng nhận về những “vết thương lòng” khó có thể chữa lành dù thời gian có qua đi. Hôn nhân tan vỡ không chỉ là chuyện của hai người, mà còn phản ánh bức tranh đáng buồn của xã hội hiện đại. 

Báo chí trong thời gian qua cũng đã thông tin về các vụ án mạng vì mâu thuẫn gia đình, có thể kể đến như vụ thảm án do Nguyễn Đăng Khoa gây ra tại Tiền Giang, làm 3 người chết trong đó có một em bé chỉ mới 5 tuổi; vụ án giết vợ vì đòi ly hôn của Ma Văn Tuân trú tại Hà Giang gây ra hồi tháng 11/2018 hay vụ giết và phi tang xác vợ do Triệu Văn Hải ở Cao Bằng gây rúng động xã hội trong thời gian qua…

Tất cả các đối tượng đều có tuổi đời khá trẻ, tính cách hiền lành, có nhận thức và học vấn nhưng chỉ vì một phút nóng giận mất khôn đã tước đi mạng sống của người đã từng đầu ấp tay gối, bản thân chịu cảnh tù tội và để lại nỗi đau khôn nguôi cho những người ở lại. 

Ngồi xuống và đối thoại

Nhiều người đã trải qua khoảng thời gian khủng hoảng hôn nhân cho biết, để có cuộc hôn nhân bền vững, trước tiên phải đưa ra được cho mình một sự lựa chọn đúng đắn, hay nói đúng hơn là “đúng người và đúng thời điểm”. Khi chúng ta đã chọn, thì chúng ta phải chấp nhận con người thật của đối phương để sống với con mắt tích cực và một tâm thế bao dung. Bởi chẳng có cuộc hôn nhân nào là hoàn hảo vì chúng ta cũng không phải là những con người hoàn hảo.

Mâu thuẫn nên được giải quyết khi chỉ còn là mầm mống. Cách giải quyết ấy không phải là nín nhịn, im lặng chờ cho mọi thứ qua đi, cũng không phải hét vào mặt nhau, chỉ ra từng lỗi lầm của nhau trong lúc cả hai đang căng thẳng.

Cho nhau thời gian để cả hai cùng nhìn nhận lại sự việc và hãy ngồi lại nói chuyện khi cả hai thực sự đã bình tĩnh, dễ tiếp thu ý kiến và lắng nghe đối phương nhất. Có rất nhiều phương thức như thông qua tin nhắn hoặc viết thư tay để có thể đối thoại trong hòa bình. Tích cực trò chuyện thường xuyên với người bạn đời cũng là cách để tìm ra những điểm chung, những điểm riêng biệt và thích nghi với nó. 

Một điểm quan trọng mà một số cặp vợ chồng trẻ hiện nay đang hướng đến để duy trì cuộc hôn nhân của mình bền vững. Đó là luôn coi đối phương là đối tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Họ khéo léo, biết cách tổ chức cuộc sống để cho mỗi người đều có thể bằng lòng với sở thích riêng của mình thì cả hai sẽ luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. 

Trong đạo phật có nói, yêu thương phải bắt nguồn từ hiểu. Không hiểu thì không thể yêu thương sâu sắc, không hiểu không thể yêu thương đích thực. Được hiểu và được thương vốn là nhu cầu muôn đời của con người. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn nhất của cuộc đời. Tình yêu cũng nảy nở, lớn lên từ đó.

Các cặp đôi chuẩn bị kết hôn nên chuẩn bị cho mình một tâm thế vững vàng, tài chính ổn định và sự trưởng thành cần thiết để có thể chấp nhận được sự thay đổi của đối phương theo thời gian. Các cặp vợ chồng đang ở trong giai đoạn khủng hoảng, trước khi đặt bút ký vào tờ đơn xin ly hôn, hãy nghĩ lại lý do vì sao đã lấy anh/cô ấy, hãy nghĩ về khoảng thời gian khó khăn cả hai đã vượt qua, nghĩ về tương lai của những đứa trẻ để ngồi lại với nhau và tìm ra các giải quyết hợp lý nhất. 

Đọc thêm