Để không còn cảnh cơ sở thờ tự bị phá hoại

(PLVN) - Cùng với đình làng, ngôi chùa trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê Việt Nam, gắn bó máu thịt với tâm hồn người dân Việt. Thế nhưng, những năm gần đây, các phật tử và dư luận rất bức xúc khi một số ngôi chùa bị kẻ xấu phá hoại.
Đại đức Thích Thanh Khánh, trụ trì chùa Khánh Long nói về các pho tượng bị đập phá
Đại đức Thích Thanh Khánh, trụ trì chùa Khánh Long nói về các pho tượng bị đập phá

Tuần qua, các phật tử chùa Khánh Long và nhân dân thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội) bức xúc vì hơn chục pho tượng La Hán trong chùa bị kẻ xấu phá hoại. Đại đức Thích Thanh Khánh, trụ trì chùa Khánh Long cho biết, sáng 26/3/2019, nhà chùa phát hiện một số pho tượng bị kẻ xấu dùng gạch, đá đập vỡ ngón tay, ngón chân và tai.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng địa phương đã đến kiểm tra, ghi nhận 12 pho tượng bị phá hoại. Khi sự việc chưa được làm sáng tỏ, kẻ xấu tiếp tục đập phá thêm các pho tượng khác. Đến ngày 2/2019, đã có 16 trong tổng số 18 pho tượng La Hán trong vườn tượng bị đập phá. Tượng hai con nghê cũng bị phá hoại. Hiện lực lượng chức năng huyện Đông Anh đang tích cực vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra việc phá hoại nơi cửa chùa. Cách đây nhiều năm, người dân xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương, Thái Bình cũng một phen thót tim khi các thợ xây tại chùa Tây Khánh phát hiện có một ba lô đựng khối thuốc nổ được đặt trong tư thế sẵn sàng phát nổ.

Sau chục ngày điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Dương Nam Sơn, Trần Văn Nghĩa và Nguyễn Trí Thiện về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và tội "Chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ".

Chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, đình, đền, miếu, trụ sở tổ chức tôn giáo, các cơ sở đào tạo của tổ chức tôn giáo, kinh bổn sách và các đồ dùng thờ cúng được pháp luật bảo hộ. Như vậy, bất kỳ hành vi nào cố ý phá hoại tài sản là đình, chùa, miếu, đền thờ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Đại diện Công ty Luật Việt Phong cho biết, pháp luật hình sự có quy định về các tội danh hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định như: phạt tù từ hai năm đến bảy năm với hành vi dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm khi có hành vi gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng…

 Để không còn chứng kiến cảnh nơi cửa tự bị đập phá, theo nhà văn hóa Thu Hoa, ngoài việc xử lý nghiêm bằng pháp luật, căn cơ hơn là phải bắt đầu từ giáo dục, cần phải đưa vào giáo dục nhân cách, hành xử văn hóa, tôn trọng những giá trị di sản văn hóa ngay từ lứa tuổi học sinh bậc mầm non, càng lên các bậc học càng phải có những môn học về văn hóa, văn minh để xây dựng nhân cách văn hóa cho người Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...

Đọc thêm