Trước đó, tại Kỳ họp thứ 10 tháng 11/2020, Nghị quyết này trải qua quy trình đặc biệt, họp kín ở tất cả các phiên thảo luận, thông qua. Trước đó, vấn đề một số đối tượng, tổ chức lợi dụng “mác” mục đích “quốc phòng - an ninh” (QPAN) để có những hành vi không đúng đắn hòng trục lợi đã gây nhức nhối dư luận, trong khi pháp luật chưa dự liệu hết tình huống.
Có thể kể ra đối tượng Út “trọc”, lợi dụng chức vụ lãnh đạo một doanh nghiệp quân đội đã gây ra hàng loạt sai phạm động trời. Có thể kể đến sân golf trên đất quốc phòng cạnh một sân bay lớn cứ trơ trơ tồn tại, bất chấp việc cảng hàng không dân dụng này ngày càng chật chội có nhu cầu cực lớn cần đất mở rộng để phục vụ nhân dân. Có thể kể đến việc hàng loạt các sĩ quan cao cấp bị kỷ luật, thậm chí nhận án tù vì sai phạm trong quản lý đất QPAN…
Theo Nghị quyết 132, Bộ trưởng Quốc phòng, Công an có trách nhiệm quyết định phê duyệt hoặc chấm dứt phương án sử dụng đất QPAN kết hợp làm kinh tế hoặc liên doanh, liên kết đã thực hiện trước 1/2/2021; rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.
Với những khu đất có giá trị kinh tế lớn (trên 500 tỷ), không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá. Với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì bàn giao cho UBND cấp tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý.
Các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an được sử dụng đất QPAN và những tài sản gắn liền để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo đúng phương án được phê duyệt. Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất. Tuy nhiên, những đơn vị sử dụng đất này không được bồi thường khi Bộ trưởng quyết định chấm dứt phương án “kết hợp làm kinh tế”. DN cũng phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm.
Nguyên tắc quan trọng là không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất (QSDĐ); không được thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.
Với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi; khắc phục triệt để những tồn tại, vi phạm. Trường hợp dự án, hợp đồng có tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì phải tiến hành chấm dứt hợp tác với bên vi phạm. Và tất cả các trường hợp, khi hết hạn dự án, hợp đồng thì không được gia hạn.
Khi sắp xếp, xử lý nhà đất mà doanh nghiệp quân đội, công an cổ phần hóa, thoái vốn, với vị trí không còn nhu cầu cho nhiệm vụ QPAN; thì phải đưa ra khỏi quy hoạch của loại đất này, chuyển giao cho UBND tỉnh quản lý, sử dụng.
Có thể thấy, với Nghị quyết 132, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã một lần nữa tỏ rõ quyết tâm chống sai phạm, tham nhũng trong bất cứ lĩnh vực nào. Nhiệm vụ QPAN là cao cả thiêng liêng. Nhưng với bất kỳ cá nhân tổ chức nào “núp bóng” điều thiêng liêng ấy hòng trục lợi thì nhất quyết phải bị loại bỏ xử lý.