Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, nắm chắc diễn biến thị trường trong nước và thế giới, đánh giá đúng phân khúc thị trường để tính toán sản xuất cho phù hợp, làm sao để không chỉ nhiều người sử dụng hàng Việt mà còn tự hào khi dùng hàng Việt.
Công tác kết nối cung cầu hàng hóa đã góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ tiêu thụ nông sản và hàng công nghiệp nông thôn, thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn phục vụ người dân và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển. Người tiêu dùng được sử dụng hàng có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú. Các doanh nghiệp phân phối có nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng miền…
Tuy vậy, theo bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hoạt động kết nối cung cầu thời gian qua còn một số tồn tại do cung - cầu chưa gặp nhau.
Một số tổ chức, đơn vị sản xuất hàng hóa gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các hộ nông dân do chưa xây dựng được thương hiệu nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng. Các doanh nghiệp phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng.
Nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu hàng hóa, theo bà Nga, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Đặc biệt, các địa phương triển khai các giải pháp để đạt được mục tiêu “Đến năm 2025, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam” theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025.
Các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ… của địa phương cần đẩy mạnh vai trò kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tạo điều kiện cho hai bên có nhiều cơ hội hợp tác với nhau.
Đối với doanh nghiệp, theo bà Nga, cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp phân phối cần có các chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân,... trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn tại thị trường trong nước và quốc tế hướng tới người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp logictics… cần đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác, hoạch định cho phát triển vùng, để không bị mất cân đối, không bị dư cung và khó khăn trong tiêu thụ.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu, có cơ chế chính sách để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng hệ thống phân phối phát triển rộng khắp, tập trung phát triển thương mại điện tử để kích thích nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ.
“Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, nắm chắc diễn biến thị trường trong nước và thế giới, đánh giá đúng phân khúc thị trường để tính toán sản xuất cho phù hợp, làm sao để không chỉ nhiều người sử dụng hàng Việt mà còn tự hào khi dùng hàng Việt”, bà Lan cho biết.
Hơn nữa, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, những cam kết trong các hiệp định thương mại về lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt đem đến xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên cũng đặt nền kinh tế Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt.
Nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn, trong khi đó quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh, sức cạnh tranh không cao...
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước.