Đề nghị bổ sung hình thức phạt lao động công ích vào Luật Phòng chống bạo lực gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009-2019, tổng số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 297.498 vụ. Số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 20.108 vụ trong năm 2015 và chỉ còn 8.176 vụ trong năm 2019.
Đề nghị bổ sung hình thức phạt lao động công ích vào Luật Phòng chống bạo lực gia đình

Các vụ việc BLGĐ giảm có sự đóng góp rất lớn của Luật PCBLGĐ được ban hành từ năm 2007. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện, luật cũng bộc lộ khá nhiều bất cập.

Chính vì vậy, ngày 25/5/2021, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ban hành kế hoạch xây dựng dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) sửa đổi nhằm hoàn thiện chính sách và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong thi hành pháp luật về PCBLGĐ, bảo vệ quyền cơ bản và đảm bảo bình đẳng giữa các thành viên gia đình.

Dự thảo Luật sẽ trình Chính phủ vào tháng 11/2021 và trình Quốc hội để thông qua vào năm 2022.

Mới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng ưới Quản trị Quyền Trẻ em tổ chức hội thảo chia sẻ, đóng góp ý kiến cho Luật PCBLGĐ sửa đổi. Các đại biểu tham dự đến từ các bộ ngành, tổ chức xã hội đều bày tỏ mong muốn Luật PCBLGĐ sẽ “vươn” rộng hơn sự bảo vệ tới các nhóm yếu thế

Nhóm yếu thế đó là những ai? Trên thực tế, khi nói đến bạo lực gia đình, thường hay nghĩ ngay đến mối quan hệ giữa vợ và chồng, còn những đối tượng dễ bị tổn thương khác như trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người LGBT thường ít được cân nhắc tới, dễ bị bỏ lại phía sau.

Từ những thực tế này, các đại biểu đề xuất Luật PCBLGĐ sửa đổi cần nghiên cứu bổ sung một số hình thức xử phạt vi phạm hành chính như giáo dục bắt buộc, phạt lao động công ích... nhằm đa dạng hóa hình thức xử phạt, tăng tính khả thi cũng như tăng hiệu quả răn đe, giáo dục của các chế tài xử lý vi phạm hành chính. Cần tăng mức phạt tiền đối với các hành vi BLGĐ mà nạn nhân là trẻ em nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng.

Luật PCBLGĐ hiện hành chưa đề cập đến chưa nhắc đến nhóm những người LGBT. Do vậy, các gia đình, chính quyền và các cơ quan liên quan và chính những người LGBT chưa nhận thức được việc áp dụng luật này để phòng và bảo vệ họ khỏi bạo lực từ chính những người thân trong gia đình. Luật PCBLGĐ và các chương trình PCBLGĐ và bảo vệ trẻ em cần phải đưa nhóm LGBT vào là một nhóm đối tượng...

Ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình

Ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình

Từ góc độ cơ quan soạn thảo luật, chia sẻ về những điểm mới của dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi, ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình cho biết, với dự thảo luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo tập trung vào các nội dung như: làm rõ các khái niệm liên quan đến công tác PCBLGĐ; bổ sung các loại hình hỗ trợ tư vấn cho người bị BLGĐ; hoàn thiện các biện pháp ngăn ngừa, bảo vệ và hỗ trợ người bị BLGĐ, hòa giải trong PCBLGĐ; giáo dục và truyền thông cho người gây ra BLGĐ chứ không phải chỉ có trừng phạt, công tác thông tin, tuyên truyền và quy định rõ số điện thoại (111) tiếp nhận thông tin về BLGĐ. Tăng cường các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác PCBLGĐ theo đó cần quy định rõ các biện pháp bảo đảm cho công tác PCBLGĐ; khắc phục những bất cập trong công tác báo cáo thông tin về BLGĐ, bổ sung các loại hình thức báo tin về vụ BLGĐ hay nguy cơ gây BLGĐ qua mạng xã hội.

“Với nội dung sửa đổi đa dạng, chúng tôi luôn mong muốn và sẵn sàng lắng nghe cũng như ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các tổ chức xã hội, nhưng đơn vị hoặc cá nhân trực tiếp làm công tác hỗ trợ người bị bạo lực để có thể đi đến dự thảo luật một cách toàn diện và đầy đủ” – ông Quý nhấn mạnh.

Đọc thêm