Đề nghị được bồi thường tổn thất tinh thần do “quá sốc” vì bị cưỡng chế

(PLO) - Sau khi bà Yến khiếu nại, UBND tỉnh Bình Thuận phải bổ sung khoản bồi thường 889m2 theo giá đất nông nghiệp và tăng từ 147 triệu lên 152 triệu đồng. Trong khi bà Yến vẫn không đồng ý thì ngày 24/8/2002, UBND  TP. Phan Thiết tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.

Đề nghị được bồi thường tổn thất tinh thần do “quá sốc” vì bị cưỡng chế
Cưỡng chế thu hồi đất thô bạo
Năm 2001, để lấy đất cho Dự án Khu công nghiệp Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận giải tỏa nhà đất của gia đình bà Nguyễn Thị Yến (giáo viên, chồng là ông Tô Ngọc Tam, cán bộ Sở Xây dựng) nhưng không có Quyết định thu hồi. Đất của bà Yến là mặt tiền quốc lộ 28, diện tích 1.389m2, sử dụng từ năm 1986, đóng thuế đất ở đầy đủ nhưng UBND tỉnh Bình Thuận chỉ bồi thường 500m2 (400m2 theo giá đất ở 110.000đ/m2; 100m2 theo giá đất vườn 4.500đ/m2). 889 m2 đất còn lại không bồi thường, hỗ trợ. Toàn bộ 1.389 m2 đất ở và nhà cửa, tài sản trên đất của gia đình bà Yến chỉ được bồi thường tổng cộng 147 triệu đồng, không đủ tiền mua 100m2 đất tái định cư (150 triệu đồng).
Sau khi bà Yến khiếu nại, UBND tỉnh Bình Thuận phải bổ sung khoản bồi thường 889m2 theo giá đất nông nghiệp và tăng từ 147 triệu lên 152 triệu đồng. Trong khi bà Yến vẫn không đồng ý thì ngày 24/8/2002, UBND  TP. Phan Thiết tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.
Đáng nói là việc cưỡng chế nhằm vào hôm vợ chồng bà Yến vắng nhà  (bà Yến đi TP.Hồ Chí Minh, ông Tam thì được cơ quan cử đi công tác). Chứng kiến việc hàng trăm người trong lực lượng vũ trang, dân phòng, chính quyền… dùng phương tiện nghiến nát 4 căn nhà và tài sản của gia đình mình, hai cô con gái bà Yến đã chịu một cú sốc lớn trở nên hoảng loạn, ngây ngô và điên dại.
Không những thế, bà Yến còn bị “hành” tiếp bằng việc bị hạ hai bậc lương, ông Tô Ngọc Tam thì bị cảnh cáo toàn ngành. Tuy nhiên, bà Yến tiếp tục khiếu nại và đến năm 2006 thì UBND tỉnh phải tăng mức bồi thường lên 517 triệu đồng. Năm 2009 bà Yến bị buộc phải nghỉ hưu sớm rồi bị bắt giam, bị Tòa xử 2 năm tù tội “Gây rối trật tự công cộng”. Hiện, bà vẫn vừa khiếu nại việc thu hồi đất và bồi thường trái luật, vừa kêu oan trong vụ án hình sự này.
“Xem nhẹ quyền lợi chính đáng của dân”
Trước một số vụ việc gây bức xúc dư luận, trong đó có vụ cưỡng chế của gia đình bà Yến nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và có Báo cáo số 1944 ngày 3/11/2005 nêu rõ sai phạm của địa phương như: “Thực hiện một số dự án như Khu công nghiệp Phan Thiết nhiều thiếu sót, chưa thực hiện công khai, dân chủ, chưa công bằng trong cách tính giá cả đền bù, sai diện tích đền bù, đất tái định cư... dẫn đến việc cưỡng chế tháo dỡ nhà (trong khi gia đình vắng mặt, làm hư hỏng, thất thoát tài sản (hộ bà Nguyễn Thị Yến)…” và “dự án Khu công nghiệp Phan Thiết không có phương án đền bù, chưa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền; khi dân không đồng tình, phản ứng thì UBND tỉnh vội vàng chỉ đạo thực hiện cưỡng chế, xử lý cán bộ công chức, cá biệt có trường hợp còng, trói, giam giữ người làm thiệt hại đến tài sản và sinh mạng chính trị, danh dự công dân”.
Thực hiện yêu cầu tại báo cáo trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã thực hiện giải quyết khiếu nại của bà Yến. Tuy nhiên, bà Yến vẫn không đồng ý khiến Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc một lần nữa.
Ngày 17/6/2014, cơ quan này có Báo cáo số 1402/BC-TTCP gửi Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự nhất trí với việc giải quyết của UBND tỉnh Bình Thuận tại Quyết định 701/QĐ -UBND ngày 16/3/2007. Theo đó, cả hai cơ quan này đều cho rằng: “Bà Yến đòi bồi thường 1.389m2 loại đất thổ cư theo giá thị trường tại thời điểm hiện nay là không có cơ sở và không phù hợp với pháp luật” vì “Bà Yến chỉ được cấp 500 m2 đất ở làm nhà. Phần diện tích 889 m2 do bà tự san lấp, khai phá nhưng không kê khai và thực hiện nghĩa vụ tài chính (bồi thường theo giá đất vườn)”.
Trong khi đó, bà Yến cho rằng toàn bộ diện tích đất gia đình bà sử dụng đều có xác nhận của UBND xã Hàm Liêm (sử dụng từ năm 1986) có đủ biên lai nộp thuế đất ở thì phải đủ điều kiện được bồi thường theo giá đất thổ cư”.
Bồi thường kéo dài nhưng vẫn áp giá cũ 
Các sai phạm của địa phương trong việc lên phương án đền bù đã được nêu rõ trong các báo cáo của Thanh tra Chính phủ. Thực tế thì UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã phải thừa nhận các sai sót này và đã phải ra nhiều  quyết định phê duyệt phương án khác nhau (mới nhất là năm 2007). Như vậy, lỗi bồi thường chậm ở đây là thuộc về chính quyền chứ không phải lỗi của bà Yến. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương phải chịu thực hiện bồi thường theo giá đất mới. Tuy nhiên, theo bà Yến thì gia đình bà vẫn bị áp giá đất ở nông thôn là không đúng vì đến năm 2005 thì vị trí này đã được công nhận là đất ở đô thị, có giá 1,5 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, hiện nay bà Yến cũng không chấp nhận việc tỉnh chỉ bồi thường cho phần nhà cửa, tài sản bị thu giữ, mất mát, hư hỏng trong quá trình cưỡng chế sai là gần 33 triệu đồng và cho hay “con số này chỉ bằng 1/10 giá trị tài sản thiệt hại của gia đình tôi. Đó là chưa kể đến những thiệt hại về tinh thần, về danh dự, sức khỏe cho gia đình mà nghiêm trọng nhất là việc hai đứa con gái phát bệnh thần kinh, học hành dang dở do quá sốc khi chứng kiến việc cưỡng chế quá rùng rợn”.
Với nội dung vụ việc trên, gia đình bà Yến đang mong mỏi có một đoàn thanh tra liên ngành để kết luận đúng và chính xác hơn, giúp Thủ tướng có chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại kéo dài này của gia đình bà.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm