Đề nghị phê bình địa phương chưa thực hiện tốt Luật BHYT

(PLVN) - Tại phiên họp diễn ra ngày 17/7, khi cho ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ Khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Chính phủ cần phê bình nghiêm túc các địa phương thực hiện chưa tốt Luật BHYT.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm 2015 có 38 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng có kết dư Quỹ Khám, chữa bệnh BHYT với 5.838 tỷ đồng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật BHYT và Nghị định số 105/2014/NĐ-CP, phần 20% để lại cho địa phương sử dụng là 1.167 tỷ đồng. Khoản kinh phí này đã được các địa phương phân bổ và sử dụng theo đúng thứ tự ưu tiên.

Cụ thể, hỗ trợ Quỹ Khám chữa bệnh (KCB) cho người nghèo 109.043 triệu đồng; hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng 294.555 triệu đồng; mua trang thiết bị y tế, mua phương tiện vận chuyển người bệnh ở tuyến huyện 763.497 triệu đồng. Đến nay, trong số 763.497 triệu đồng mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh, đã hoàn thành việc thanh toán 230.077 triệu đồng; 15.030 triệu đồng do các địa phương không sử dụng hết, được thu hồi chuyển về BHXH Việt Nam để nộp về quỹ dự phòng. Còn 518.389 triệu đồng tạm thời chưa thanh toán.

Để sử dụng có hiệu quả kinh phí kết dư này, Chính phủ đề nghị cho phép các địa phương được kéo dài thời gian thanh toán vì nhiều lý do, như năm 2017 là năm đầu một số tỉnh, TP được sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ KCB năm 2015 theo quy định của Luật BHYT nên việc tổ chức thực hiện có nhiều lúng túng, vướng mắc… “Việc cho phép kéo dài thời gian thanh toán số kinh phí này cũng là một giải pháp quan trọng góp phần giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước (NSNN), nếu không, NSNN hoặc cơ sở KCB sẽ phải đầu tư”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Thẩm tra nội dung, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban này đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn thanh toán với số tiền 518.389 triệu đồng đến hết 30/6/2020 và đề nghị UBTVQH yêu cầu Chính phủ báo cáo QH xem xét, quyết định vấn đề này tại Kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, Uỷ ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc sử dụng Quỹ BHYT, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. “Trong quá trình quản lý, nếu tiếp tục phát sinh khoản kinh phí còn dư không sử dụng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định là thu hồi, nộp về quỹ dự phòng của BHXH để điều tiết chung”, ông Hải nói.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý, chủ trương kéo dài, nguyên nhân để xảy ra tình trạng này theo báo cáo của Chính phủ là do tổ chức thực hiện. Mặt khác, qua giám sát từ 2016 - 2018 việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT thì Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận thấy, vấn đề này chưa được báo cáo kịp thời với QH.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, ở đây chỉ có 11 tỉnh, vậy những địa phương khác thì như thế nào? “Chúng ta đi giải quyết cho các tỉnh không làm tốt, không nghiêm, điều này sẽ tạo tiền lệ. Luật đã quy định cụ thể, do đó phải xem lại, đa số làm tốt chỉ có 11 địa phương làm không tốt. Do đây là thiết bị y tế phục vụ cho người bệnh nên cứ phải đắn đo, nếu không vì phục vụ người bệnh thì tôi dứt khoát ngay”, Chủ tịch QH nói.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, vì sao 38 tỉnh thực hiện rất tốt, trong đó có nhiều tỉnh còn khó khăn, nhưng vẫn có tới 11 tỉnh chưa làm tốt, trong đó có cả những tỉnh, thành phố phát triển như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… lại kết dư ngân sách lớn. Chính phủ cần làm rõ, phê bình nghiêm túc các địa phương thực hiện chưa tốt Luật BHYT. UBTVQH cũng giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra chính thức nội dung này để trình QH.

Đọc thêm