Dễ thương “đạo luật” xích lô Huế

(PLVN) - Thực ra đó là bộ quy tắc ứng xử dành cho những người đạp xích lô, nhưng gọi dân dã nôm na là “đạo luật”. “Nghề đạp xích lô rất vất vả, chịu nắng mưa nên nhiều người còn tự ti, mặc cảm về nghề nghiệp. Chúng ta không được tự ti về nghề nghiệp của mình. Chúng ta bỏ sức lao động ra để kiếm tiền chân chính, đó là điều rất đáng tự hào”, ông Thọ nhấn mạnh.
Khách du lịch đến Huế rất thích ngồi trên những chiếc xích lô để tham quan TP
Khách du lịch đến Huế rất thích ngồi trên những chiếc xích lô để tham quan TP

Cả trăm năm nay, hình ảnh các bác xích lô đã trở thành nét không thể thiếu khi nói đến Cố đô Huế. Loại phương tiện “du lịch xanh” này không ngừng lớn mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, tránh gây ách tắc giao thông. Để dẹp những những hành vi chưa đẹp, Huế đã xây dựng áp dụng “bộ quy tắc ứng xử dành cho xích lô”.

Nâng tầm thương hiệu và hình ảnh xích lô Huế 

Xích lô được xem là nét văn hóa đặc trưng, sản phẩm du lịch độc đáo, nét văn hóa xưa cũ trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại ở Huế. Những người đạp xích lô am hiểu các thắng cảnh, di tích, cung cách phục vụ du khách đã dần chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tình trạng “chặt chém”, tranh giành, ép giá, xả rác, đi hàng ba tham gia giao thông, uống rượu bia, chèo kéo làm du khách phiền lòng.

Đầu năm 2020, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế làm đã một hoạt động khiến dư luận bất ngờ khi gặp mặt hơn 700 người đạp xích lô gồm đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô du lịch Huế và những chủ xe hoạt động tự do. 

Ông Thọ trao xe xích lô cho đoàn viên nghiệp đoàn xích lô có hoàn cảnh khó khăn
Ông Thọ trao xe xích lô cho đoàn viên nghiệp đoàn xích lô có hoàn cảnh khó khăn

Vị Chủ tịch tỉnh đã gửi lời chúc mừng năm mới, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, đối thoại cởi mở. Ông Thọ cho rằng, để xây dựng hình ảnh du lịch tỉnh nói chung và xích lô Huế nói riêng, các bác tài xích lô cần chấn chỉnh lối ứng xử theo hướng thân thiện, văn minh. Tỉnh cũng sẽ tìm cách nâng cao đời sống, thu nhập cũng như các chế độ xã hội cho người hành nghề xích lô.

Theo ông Thọ, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện đề án “Văn hóa xích lô Huế” vào cuối quý I năm 2020. Theo đó, sẽ xây dựng hình ảnh xích lô du lịch theo hướng truyền thống, có điểm nhấn “chất Huế” riêng, các phương tiện xích lô đều được cấp biển số; đồng thời các đoàn viên Nghiệp đoàn được đào tạo ngoại ngữ, tập huấn bài bản các kỹ năng nghiệp vụ, ứng xử trong hành nghề.

“Chủ trương không níu kéo, không chèo kéo khách. Chúng ta có chuyện đó không? Nó sẽ làm hình ảnh Huế xấu đi, làm chúng ta mất khách, nên cần phải nghiên cứu và chấn chỉnh. Cần có tư duy mới để khách lựa chọn mình. Nghề đạp xích lô rất vất vả, chịu nắng mưa nên nhiều người còn tự ti, mặc cảm về nghề nghiệp. Chúng ta không được tự ti về nghề nghiệp của mình. Chúng ta bỏ sức lao động ra để kiếm tiền chân chính, đó là điều rất đáng tự hào”, ông Thọ nhấn mạnh.

Vị Chủ tịch tỉnh chỉ đạo ngành Du lịch phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng cho những người hành nghề xích lô; nâng cao văn hóa ứng xử, tạo sự thân thiện, gần gũi với du khách; phải có vốn kiến thức cơ bản về ngoại ngữ và văn hóa, để mỗi bác tài xích lô đồng thời là một hướng dẫn viên du lịch góp phần quảng bá du lịch Huế. 

“Để nâng tầm thương hiệu và hình ảnh xích lô Huế, cần sớm nghiên cứu để có một bộ nhận diện cho xích lô Huế về mẫu xe, màu xe mang phong cách Huế. Phải tính đến việc niêm yết giá cụ thể với dịch vụ xích lô, đảm bảo mọi du khách đều được đi với giá hợp lý. Làm sao để khi khách hàng ngồi lên xe phải yên tâm về giá cả, chặng đường và độ an toàn”, ông Thọ ra “đề bài”.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao quà cho những người đạp xích lô
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao quà cho những người đạp xích lô

“Anh em chúng tôi ai nấy tò mò, chờ đợi”

Từ Festival Huế 2016, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng một nhóm xích lô tiêu biểu khoảng hơn 60 xe được chỉnh trang sơn sửa, trang bị bọc nệm, trần xe; cấp phát đồng phục áo, mũ… nhằm xây dựng hình ảnh đẹp xích lô Huế trong mắt du khách. Từ đó, xích lô Huế đã chiếm được nhiều cảm tình của du khách gần xa, nhất là du khách nước ngoài.

Ông Nguyễn Công Thành (62 tuổi, ngụ phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Nghiệp đoàn xích lô tổ bến xe Nguyễn Hoàng, có hơn 30 năm trong nghề đạp xích lô) cho rằng, trước đây xích lô chủ yếu để thồ hàng, giờ chuyển sang chở người. Gần đây công việc này có thu nhập hơn trước nhờ chở nhiều du khách nước ngoài, nhất là Hàn Quốc. 

“Xích lô phù hợp với việc tham quan TP khi giá cả không đắt, xe lại chạy chậm dễ dàng quan sát cảnh quan và con người địa phương làm ăn sinh sống, chứ tham quan mà ngồi trên xe ô tô chạy vù vù thì khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”. Trung bình mỗi ngày tôi có 3 vòng đạp xích lô chở khách quanh TP Huế với giá 80.000đ/tiếng đồng hồ/1 người. Nhờ vậy cuộc sống gia đình ổn định hơn trước nhiều”.

Tiếp lời đồng nghiệp, ông Nguyễn Tấn Xuyên (Chủ tịch Nghiệp đoàn Xích lô Du lịch Huế) cho rằng, hiện ra đường đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh xích lô Huế chở khách dạo chơi trong nội đô. Những “đội quân” của Nghiệp đoàn đều mang trang phục rất đẹp khi đi giữa TP làm tăng thêm hình ảnh ấn tượng cho du lịch Huế. Nghiệp đoàn được thành lập từ năm 2004, đến nay có 194 thành viên (tổng xích lô trên địa bàn TP Huế hơn 1.000 người). 

“Vào Nghiệp đoàn một tháng chỉ nộp 30 nghìn nhưng được rất nhiều quyền lợi, như được học tiếng Anh, tiếng Hàn, đau ốm được thăm nom, có tour thì được giới thiệu… Khi có bộ quy tắc, chúng tôi hứa sẽ học, sẽ là một hướng dẫn viên giới thiệu cơ bản về Huế. Hiện vẫn còn nhiều anh em có tình trạng nâng giá dịch vụ không đúng, có những người còn văng tục làm mất hình ảnh xích lô Huế. Bộ quy tắc ra đời sẽ làm giảm những vấn đề trên. Anh em chúng tôi ai nấy tò mò, chờ đợi”.

Liên đoàn Lao động TP Huế hiện đang quản lý các nghiệp đoàn xích lô du lịch Huế. Để quản lý tốt lực lượng này, hàng năm đơn vị đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ, trong đó chú trọng tính kỷ luật, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử với du khách. Đặc biệt cấm kỵ ứng xử thô tục, đeo bám chèo kéo du khách, “chặt chém” giá cả... Bởi vì khi khách du lịch từ chối phương tiện này, đồng nghĩa đội ngũ xích lô sẽ thất nghiệp.

Poster quảng bá, giới thiệu về xích lô Huế
Poster quảng bá, giới thiệu về xích lô Huế

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương (Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, vào nghiệp đoàn sẽ được trang bị áo, giày, mũ đồng phục. Đơn vị đang huy động các bác xích lô vào đây để dễ quản lý. “Hi vọng bộ quy tắc này sẽ ngắn gọn, dễ hiểu, có hiệu quả. Và sau khi có bộ quy tắc, việc quyết định đến thành công hay thất bại cũng là do các bác xích lô”, bà Hương nói.

Trước đây, Sở Du lịch từng có thử nghiệm trên một nhóm xích lô để góp phần làm Huế đẹp hơn trong mắt du khách, ổn định sinh kế cho cộng đồng xích lô Huế. Trong đó có yêu cầu: Không đeo bám chèo kéo khách; không nói tục, chửi thề, đánh nhau; không rượu bia và các chất kích thích trước và trong khi phục vụ; không tiếp tay môi giới các tệ nạn xã hội; không đòi tiền bồi dưỡng sau khi phục vụ khách; luôn chấp hành quy trình phục vụ và an toàn; luôn chấp hành lộ trình, giá cả; luôn trau dồi kiến thức du lịch và ngoại ngữ; luôn thân thiện, văn minh, lịch sự và luôn nói lời cảm ơn.

Ông Nguyễn Văn Phúc (Phó Giám đốc Sở Du lịch) cho biết, lâu nay Sở có tổ chức tập huấn cho xích lô, năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì và cố gắng làm bài bản, chặt chẽ. Sắp tới sẽ tạo một ứng dụng phần mềm để du khách có thể tiện gọi xích lô gần nơi mình đang trú ngụ dạng “Grabcyclo”. “Festival Huế 2020 đã đến gần, cần nhanh chóng vận động những người làm nghề xích lô tự do tham gia vào nghiệp đoàn; sớm nâng tầm đội ngũ xích lô du lịch đảm bảo phục vụ trong dịp lễ hội sắp đến. Hi vọng bộ quy tắc ứng xử dành cho xích lô mang “phong cách” Huế sẽ góp phần làm cho du lịch phát triển hơn”, ông Phúc nói. 

Ngày 16/1, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra thông báo, kết luận, yêu cầu và giao việc cụ thể:  

Giao Chủ tịch UBND TP Huế chủ trì phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Công an TP đánh giá, rút kinh nghiệm, triển khai các giải pháp thiết thực, phù hợp. Quy hoạch, xác định các địa điểm đỗ xe xích lô, đảm bảo kết nối hệ thống phục vụ khách có nhu cầu đi xe xích lô tại bến xe, nhà ga, khách sạn.

Đồng thời tổng kiểm tra, rà soát, nắm lại danh sách, số lượng xe xích lô; phân loại, đưa vào quản lý, giám sát theo quy định với tất cả xích lô đang hoạt động trên địa bàn. Huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ nâng cấp, trang thiết bị, tiện ích cho xích lô theo phương án nâng cấp, đổi thu hồi xe cũ tiến đến thay dần phương tiện theo mẫu chung. Phấn đấu đến trước 31/12/2021 toàn bộ xích lô Huế đều được quản lý, có một bộ nhận diện riêng, mang phong cách xích lô Huế.

Sở Du lịch là đơn vị chủ trì, phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, TP, Nghiệp đoàn xích lô xây dựng, ban hành Quy định ứng xử văn hóa trong hoạt động dịch vụ xích lô; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/2/2020; tập trung các nội dung bộ nhận dạng (mác xe, màu xe, sắc phục); quy tắc ứng xử văn hóa, công bố giá vận chuyển cho từng tuyến đường.

Sở này cũng phải hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức ngoại ngữ và văn hóa Huế, văn hóa ứng xử nhằm đào tạo đội ngũ những người làm nghề xích lô văn hóa, thân thiện.

Liên đoàn Lao động tỉnh, TP tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phát triển đoàn viên công đoàn của Nghiệp đoàn xích lô (hỗ trợ chuyên môn, vận động tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, có chính sách hỗ trợ về đồng phục, bảo trì, sửa chữa phương tiện).

Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô thường xuyên tuyên truyền, vận động các đoàn viên thực hiện nghiêm quy định an toàn giao thông; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tranh giành khách, gây mất đoàn kết nội bộ; cùng lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ vệ sinh môi trường.

Đọc thêm