Triển khai Nghị quyết số 108/NQ-CP
Trước đó, ngày 26/08/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Tại khoản 1 mục II Nghị quyết số 108/NQ-CP giao Bộ Tài chính khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn việc sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt công bố, điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn. Thực hiện Nghị quyết số 108/NQ-CP, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi trình ký ban hành chính thức.
Theo đó, dự thảo đưa ra quy định việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định tại Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch mà đến thời điểm Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 có hiệu lực thi hành chưa được bố trí vốn theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15; bao gồm:
Các nhiệm vụ, dự án quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành được phê duyệt trước ngày Nghị quyết số 61/2022/QH15 có hiệu lực thi hành chưa được bố trí vốn để thực hiện; Các nhiệm vụ, dự án quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành được phê duyệt trước ngày Nghị quyết số 61/2022/QH15 có hiệu lực thi hành và đã được bố trí một phần vốn để thực hiện; Các nhiệm vụ, dự án quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành thời kỳ 2021 - 2030 được phê duyệt sau ngày Nghị quyết số 61/2022/QH15 có hiệu lực thi hành chưa được bố trí vốn để thực hiện.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, quyết định, hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ.
Kinh phí thực hiện lấy từ nguồn nào?
Về nguồn kinh phí thực hiện, theo dự thảo gồm những nguồn sau: 1) Kinh phí thực hiện nhiệm vụ, dự án quy hoạch của các bộ, cơ quan Trung ương do ngân sách Trung ương bảo đảm; 2) Kinh phí thực hiện nhiệm vụ, dự án quy hoạch của các địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm; UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp phê duyệt cụ thể nhiệm vụ, dự án quy hoạch; 3) Nguồn vốn huy động và sử dụng nguồn lực tài trợ của các tổ chức, cá nhân để để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch theo quy định.
Về nguyên tắc thực hiện, theo dự thảo: Các nhiệm vụ, dự án quy hoạch phù hợp với Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 61/2022/QH15 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đủ điều kiện để bố trí kinh phí và triển khai thực hiện;
Các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các dự án quy hoạch và các nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Luật Quy hoạch khi triển khai nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền và chấp hành chế độ công khai ngân sách theo quy định hiện hành;
Trường hợp dịch vụ trong hoạt động quy hoạch thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công thì việc xác định giá được thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công;
Khoản chi phí mua máy móc, thiết bị nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động quy hoạch theo quy định của cấp có thẩm quyền (nếu có): Thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cũng theo dự thảo, nội dung và định mức cho hoạt động quy hoạch thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch; trong đó: Định mức cho hoạt động trực tiếp, bao gồm: Định mức cho nhiệm vụ lập quy hoạch; Định mức cho lập quy hoạch.
Còn định mức cho hoạt động gián tiếp, bao gồm: Lựa chọn tổ chức tư vấn; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tham vấn, lấy ý kiến; Tổ chức thẩm định; Quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch; Công bố quy hoạch; Khảo sát thực tế; Quản lý chung.
Về giá trong hoạt động quy hoạch, dự thảo đề xuất: Giá trong hoạt động quy hoạch được xác định trên cơ sở các khoản chi phí cho hoạt động quy hoạch được thuê mua ngoài, bao gồm một hoặc một số khoản chi phí sau đây: Khoản chi phí thuê chuyên gia tư vấn; Khoản chi phí mua trang bị máy móc, thiết bị; Khoản chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí khác thực hiện theo quy định tại Thông tư số 113/2018/TT-BTC ngày 15/11/2018 của Bộ Tài chính quy định về giá trong hoạt động quy hoạch.