Xung quanh đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng để hiện thực hóa quy định phải cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có lộ trình phù hợp, tránh gây xáo trộn, tạo áp lực không đáng có cho người dân cũng như các cơ quan chức năng.
Đối tượng nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
Những năm gần đây, xe đạp điện, xe máy điện và những chiếc xe gắn máy có dung tích nhỏ dưới 50cm3 đã trở thành phương tiện phổ biến tại Việt Nam. Đa phần những người điều khiển loại hình phương tiện này đều là học sinh.
Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể nhắc tới sự điều chỉnh của pháp luật và sự tiện lợi loại hình phương tiện này đem lại. Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 16 tuổi trở lên điều khiển xe máy dưới 50cm3 không cần GPLX, trong đó có cả xe máy điện. Nhiều cha mẹ học sinh sẵn sàng bỏ tiền mua xe cho con để tự đến trường.
Theo số liệu ước tính, năm học 2019 – 2020, cả nước có khoảng 2.599.000 học sinh ở bậc THPT. Trong đó, tỉ lệ học sinh THPT lựa chọn xe điện, xe gắn máy thể tích dưới 50cm3 là phương tiện di chuyển thông dụng khoảng xấp xỉ 60%.
Ước tính số lượng xe máy xe đạp điện và xe gắn máy dưới 50cm3 tại Việt Nam vào khoảng gần 5 triệu chiếc. Và số lượng loại phương tiện này được dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm.
Với đề xuất Bộ Công an đưa ra mới đây, bắt buộc người lái xe máy, xe máy điện có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không quá 4kw phải được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A0.
Như vậy, đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất của quy định này nếu được thông qua là các học sinh THPT đang sử dụng loại hình phương tiện này làm phương tiện di chuyển.
Đề xuất phù hợp với thực tế
Sau 12 năm triển khai Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định người điều khiển xe gắn máy dưới 50cm3 không cần GPLX đã trở nên không phù hợp. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) cho thấy, 90% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) với trẻ em trong những năm gần đây là rơi vào nhóm từ 16 - 18 tuổi.
Chính vì chưa trải qua lớp, khóa đào tạo, hướng dẫn lái xe nên kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông của học sinh hạn chế nên có không ít vụ TNGT xảy ra, gây hoang mang cho người tham gia giao thông khác.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), việc giáo dục an toàn giao thông (ATGT) đã được thực hiện trong các nhà trường lâu nay, nhưng thường chỉ được lồng ghép trong giờ học ngoại khóa, hay các buổi nói chuyện chuyên đề tổ chức thưa thớt. Lên cấp 2, cấp 3, khi áp lực học tập tăng cao, đến cả những giờ ngoại khóa cũng trở nên khó khăn.
|
Có hàng triệu học sinh đi xe đạp điện, xe máy dưới 50cm3 |
Các em học sinh khi về với gia đình, không phải bố mẹ nào cũng sát sao hướng dẫn, nhắc nhở, tập huấn về kỹ năng ATGT. Trong khi đó, đây chính là độ tuổi các em ngày càng chủ động nhiều hơn trong việc đi lại, cho nên TNGT tiềm ẩn mức rất cao với nhóm tuổi này.
Do đó, việc yêu cầu phải học và thi lấy bằng lái xe đối với nhóm phương tiện dưới 50cm3 là cần thiết. Không chỉ phù hợp với xu hướng trên thế giới, mà điều này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng ATGT một cách bài bản, có hệ thống cho người trẻ ở độ tuổi vị thành niên, để họ hiểu lý do và chịu trách nhiệm cho hành vi giao thông của mình. Quy định này cũng sẽ gắn trách nhiệm của người lớn để không thể chủ quan, tùy tiện giao xe cho con em mình như trước.
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ cho rằng, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT soạn thảo dự kiến trình Chính phủ vào tháng 5 này cũng quy định, người điều khiển xe máy dưới 50cm3 phải được cấp GPLX. Điều này phù hợp với các công ước quốc tế cũng như thực tế tại Việt Nam.
“Điểm mới trong dự thảo lần này rất phù hợp với thực tế, vì lượng học sinh THPT là người sử dụng phương tiện dưới 50cm3, xe máy điện tham gia giao thông rất lớn. Tuy nhiên, để cấp GPLX cho học sinh thì cần phải nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng để đào tạo và thi sát hạch, việc này do Chính phủ và Bộ GTVT sau này sẽ quy định để tổ chức đào tạo, thi như nào”, ông Thống cho hay.
TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGTQG cho rằng, thực tế tham gia giao thông của đối tượng học sinh khi điều khiển xe máy dưới 50cm3, xe máy điện và tình hình TNGT cho thấy, việc bắt buộc người điều khiển những phương tiện này có GPLX là cần thiết. Tuy vậy, việc triển khai cần được tính toán kỹ để ít ảnh hưởng nhất đến các bậc phụ huynh, người giám hộ và bản thân các em học sinh.
TS Minh phân tích: “Qua thực tế có thể thấy học sinh đang là người điều khiển loại phương tiện này nhiều nhất nhưng kỹ năng, kiến thức tham gia giao thông còn hạn chế. Để thực hiện được việc cấp GPLX hạng A0 cho đối tượng này phải tính toán thật kỹ để ít ảnh hưởng nhất đến các bậc phụ huynh, người giám hộ và bản thân các em học sinh.
Cụ thể, cần phải có số liệu thống kê, phân tích nhu cầu từng địa bàn, từng địa phương, khu vực, kết hợp với việc so sánh công suất, năng lực đáp ứng của các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe thì lúc đó mới có phương án phù hợp”.
Từ thực tế công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX trên địa bàn, một cán bộ Sở GTVT Hà Nội cho biết, nếu thêm đối tượng từ 16 tuổi trở lên tham gia đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô thì hàng năm sẽ có thêm một số lượng lớn học viên, trở thành áp lực đối với cơ quan quản lý và người tham gia giao thông.
Qua tìm hiểu, hầu hết các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đều cho rằng, việc mở thêm, bổ sung thêm các khóa đào tạo, cấp GPLX hạng A0 không khó, nhưng đây là một chủ trương lớn, cần phải có lộ trình, để đảm bảo việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A0 trở thành bắt buộc đối với người điều khiển xe máy dưới 50cm3. Nếu từ đầu việc sát hạch không nghiêm túc, khó có thể hình thành ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Từ dự thảo đến hiện thực hóa một quy định, sẽ cần nhiều sự chuẩn bị kỹ lưỡng, để có lộ trình phù hợp, cách làm phù hợp, tránh gây các xáo trộn, áp lực không đáng có cho cả người học, người thi cũng như các cơ quan chức năng. Điều quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để quy định này phát huy tác dụng như các nhà dự thảo và cả xã hội mong đợi. Bởi, thái độ khinh nhờn pháp luật, thiếu tôn trọng cộng đồng ở người trưởng thành khi tham gia giao thông là đáng sợ.
Thái độ này nếu xuất hiện trong quá trình định hình nhân cách của người trẻ thì lại càng đáng lo hơn, giống như những nếp gấp đã hằn in, gần như không thể xóa. Và, khả năng đó rất dễ xảy ra, nếu việc học và thi GPLX dưới 50cm3 được làm một cách qua loa, dễ dãi, nếu những tấm bằng chỉ để hợp thức hóa điều kiện lái xe.