Đây là một đề án mang ý nghĩa nhân văn, được chính quyền và nhân dân địa phương ấp ủ mong đợi sẽ sớm đưa vào thực tiễn. Khi đề án này được Chính phủ phê duyệt, Quảng Trị sẽ là nơi họp mặt, hội ngộ của bạn bè yêu chuộng hòa bình khắp bốn phương, những quốc gia, dân tộc trên thế giới từng chịu chung số phận chiến tranh nhưng luôn khao khát hòa bình.
Địa chỉ xứng đáng “vì hòa bình”
Tại hội thảo, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế, xét về cả tiêu chí và điều kiện, Quảng Trị rất xứng đáng được tôn vinh là một vùng đất “vì hòa bình”.
Về mặt tiêu chí, trong dòng chảy lịch sử hàng trăm năm trước, Quảng Trị được xem là “trọng trấn”, “trấn biên” và là phên dậu phía nam của Tổ quốc. Đây cũng từng là Thủ phủ của vùng Thuận Hóa, rồi Thuận Quảng (1558 – 1626).
Trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị trở thành tiêu điểm ác liệt của chiến tranh, hứng chịu nỗi đau chia cắt đất nước dài đằng đẵng, cùng những hi sinh, mất mát và đau thương của dân tộc. Hàng vạn người thuộc nhiều thế hệ trên mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống tại vùng đất này.
Tuy xuất phát từ đống hoang tàn đổ nát của chiến tranh, nhưng Quảng Trị đã đổi thay vượt bậc từng ngày với nhiều thành tựu về kinh tế; du lịch có bước phát triển mạnh.
“Chính vì vậy, tổ chức một “Festival vì Hòa bình” không nơi nào khác ở Việt Nam xứng đáng hơn Quảng Trị”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Trị lý giải, chọn Quảng Trị là vì nhiều lẽ, nhưng nổi bật nhất Quảng Trị là nơi có vĩ tuyến 17, trực tiếp chịu đựng nỗi đau chia cắt đất nước suốt gần 20 năm. Vì thế Quảng Trị là nơi hội tụ khát vọng hòa bình mãnh liệt của cả dân tộc. Khát vọng đó đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm sâu sắc của nhân loại như nhà thơ Hy Lạp Menelaos Lountemis (1912 - 1977) đã viết: “Việt Nam… đất nước biếc xanh/Và dài như một chiếc đàn bầu/ Mà sợi tơ đàn bỗng bị đứt ngang/ Nơi cái lẫy đàn: Sông Bến Hải”. Đứt ở đâu thì nối lại ở đó. Đứt ở vĩ tuyến 17 thì nối nhịp cầu hòa bình ở vĩ tuyến 17.
Bên cạnh đó, vùng đất này còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử nổi tiếng làm lay động lương tri những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới như Đường 9, Khe Sanh, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, Hàng rào điện tử Mc Namara, Thành cổ Quảng Trị...
|
Đoàn cựu chiến binh tỉnh Thái Bình thăm Thành cổ Quảng Trị |
Một Festival “rất đặc biệt”
Đề án có mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt bởi chiến tranh. Đồng thời cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về đất và người Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung để phát triển kinh tế du lịch... Vì thế, khác với các Festival khác trên khắp đất nước chỉ chuyên chú vào quảng bá di sản hay một lĩnh vực, một mặt hàng, một thương hiệu như du lịch, hoa, cà phê, trái cây, lúa gạo… thì “Festival vì Hòa bình” tại Quảng Trị có nội hàm rộng hơn, phong phú hơn.
Nội hàm “vì Hòa bình” mà Festival cần tập trung xây dựng kịch bản dài lâu và phát triển ý tưởng, gồm: Tôn vinh giá trị bất diệt, trường tồn của hòa bình; Tôn vinh “tính thiêng” của mảnh đất Quảng Trị, nơi nhuốm bao xương máu của những người đã xả thân cho hòa bình, nơi có 72 nghĩa trang liệt sỹ (trong đó có 2 nghĩa trang liệt sỹ quốc gia) với hơn 53 ngàn phần mộ, có đến 20.047 liệt sỹ, 18.191 thương bệnh binh và 2.704 Mẹ Việt Nam anh hùng; Thăm lại chiến trường xưa, nguyện cầu cho hòa bình; Giáo dục truyền thống yêu nước, hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết quốc tế và cảnh giác trước những nguy cơ chiến tranh, xung đột...
Theo dự thảo, Festival có quy mô quốc gia và quốc tế, nằm trong danh mục các lễ hội lớn của Chính phủ, Bộ VHTT&DL và dự kiến diễn ra vào tháng Bảy định kỳ hai năm một lần. Fesstival có không gian tổ chức mở, kinh phí từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Sự kiện gồm chuỗi các chương trình: Liên hoan nghệ thuật quốc tế “Tiếng hát Vì hòa bình”, hòa nhạc, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; Hội thảo, hội nghị, tọa đàm về vấn đề hòa bình; Hoạt động tưởng niệm, tri ân như lễ hội hoa đăng, lễ cầu siêu; Thăm hỏi, tặng quà, chữa bệnh cho các nạn nhân chiến tranh. Bên cạnh đó còn tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thể thao...
|
Một cựu chiến binh thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn |
Kỳ vọng đột phá cho ngành du lịch địa phương
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu “Festival vì Hòa bình” được tổ chức thì đây là cánh cửa đầu tiên để tạo ra một Quảng Trị là điểm đến, là nơi hội tụ, là nơi biểu hiện sâu sắc sự đoàn kết, hữu nghị với thế giới. Và cũng là động lực, là tiêu đề, là yếu tố giúp Quảng Trị phát triển kinh tế - xã hội mạnh và bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho hay, việc tổ chức “Festival vì Hòa bình” không chỉ tôn vinh các giá trị của hòa bình mà đây sẽ là một sự kiện văn hóa lớn, là dịp để du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Trị ngày một đông hơn, từ đó sẽ hiểu biết yêu thương Quảng Trị nhiều hơn, là cơ hội để Quảng Trị có điều kiện phát triển du lịch, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
“Tỉnh cũng mong muốn Bộ VHTT&DL sớm thực hiện việc thẩm định đề án tổ chức “Festival vì Hòa bình” để tỉnh có đủ điều kiện trình Chính phủ xin chủ trương để sau khi hết dịch Covid-19, địa phương sẽ có một sản phẩm độc đáo nhằm khởi động lại các hoạt động du lịch”, ông Hùng chia sẻ.
Trước vấn đề này, tại buổi làm việc với lãnh đạo địa phương mới đây, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ ý kiến đồng tình với quan điểm của tỉnh, đồng thời đề nghị tỉnh cần xác định được mục đích và khi triển khai phải tìm được những điểm khác so với các Festival mà các địa phương khác đã làm.
“Quan trọng bậc nhất vẫn là ngày khai mạc, các hoạt động, sự kiện phải thực sự ý nghĩa, làm nổi bật được thế mạnh của địa phương”, ông Thiện nói.
Ngoài ra, việc tổ chức Festival cần phải kết nối được các tour để kéo khách du lịch đến với tỉnh Quảng Trị. Các hoạt động tránh dàn trải, phải đáp ứng tiêu chí về giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam yêu hòa bình đến với bạn bè quốc tế; đồng thời không phô trương, lãng phí.
Kỳ vọng với những sắc màu mới lạ, “Festival vì Hòa bình” sẽ tạo dấu ấn riêng và là “cú hích” tăng trưởng cho du lịch Quảng Trị, làm thay đổi bộ mặt địa phương trong tương lai gần.