Nhiều mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất
Theo báo cáo của Chính phủ, các địa phương cũng đã chủ động bố trí vốn thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do của các tỉnh trình Thủ tướng hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022. Từ 2020 - 7/2022, các tỉnh đã hoàn thành 35 dự án, nhưng một số dự án đang thực hiện dở dang do chưa được bố trí đủ vốn thực hiện.
Bộ NN&PTNT đã triển khai thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, như: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản, trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng, hỗ trợ trồng xen mắc ca trong vườn cà phê, trồng bưởi da xanh, chăn nuôi dê sinh sản, hỗ trợ phát triển sản xuất trồng ngô lai, trồng xen sầu riêng... tại một số tỉnh có dân di cư tự do đến như: Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Điện Biên, Hà Giang…
Bộ cũng triển khai 20 dự án khuyến nông tại các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Cà Mau… Theo đánh giá, các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, đang được người dân học tập, nhân rộng, phát triển.
Để thúc đẩy phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (trong đó có vùng bố trí dân di cư tự do), các địa phương đã ưu tiên thực hiện hỗ trợ kinh phí để thành lập mới các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Với các vùng đã có HTX nông nghiệp thực hiện việc vận động các hộ dân di cư tự do đủ các điều kiện tham gia HTX. Một số tỉnh có dân di cư tự do đã ban hành chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như Điện Biên, Nghệ An, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Cà Mau.
Kỳ vọng đến 2025 không còn tình trạng di dân tự do
Ngày 18/5/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 590/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư (trong đó có dân di cư tự do) giai đoạn 2021 -2025, định hướng 2030.
Về mục tiêu, giai đoạn này bố trí ổn định 10.526 hộ di cư tự do, hộ cư trú trong khu rừng đặc dụng. Phấn đấu đến 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; tại các vùng dự án bố trí ổn định dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,5 lần so với 2020; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 45% trở lên.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, ngoài số hộ dân di cư tự do đã được cấp hộ khẩu giai đoạn trước, đến 2021, tổng số dân di cư tự do đã được cấp hộ khẩu là 48.067 hộ. Số hộ dân di cư tự do chưa được cấp hộ khẩu thường trú còn khoảng 10.766 hộ. Nguyên nhân do các hộ chưa đảm bảo về điều kiện nơi cư trú theo quy định Luật Cư trú; một số hộ không cắt hộ khẩu tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (nơi đi) trước khi chuyển đến.
Theo Bộ NN&PTNT, để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư được Thủ tướng giao vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương 2019, 2020; rà soát tổng thể tổng số hộ dân di cư tự do đang sinh sống trên địa bàn, xác định số hộ đã được bố trí vào các điểm dân cư theo quy hoạch, số hộ đang sinh sống phân tán tại các địa phương cần bố trí sắp xếp ổn định trong thời gian tới...
Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương có dân di cư tự do tổ chức lại sản xuất, phát triển các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản tại các vùng bố trí ổn định dân di cư tự do nhằm giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu thập và sớm ổn định cuộc sống.