Đề xuất hai mô hình phòng chống xâm hại trẻ em tại Hà Nội

(PLVN) - Tại buổi giám sát chuyên đề về phòng chống xâm hại trẻ em tại Hà Nội của Đoàn giám sát tối cao Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã đề xuất hai mô hình gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phòng ngừa nạn xâm hại trẻ em. 
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Đó là xây dựng mô hình thành phố thông minh gắn với sự thân thiện và an toàn cho trẻ em. Với mô hình này, theo bà Hà hoàn toàn có thể tích hợp các phần mềm cảnh báo khu vực không an toàn, các đường dây nóng, những đoạn đường chưa đủ ánh sáng để dự báo nguy cơ không an toàn... ; hoặc các đối tượng có nguy cơ xâm hại cao thì có phân tích theo dõi, tích hợp trong xây dựng quản lý điều hành mô hình thành phố - đô thị thông minh. 

Mô hình thứ hai được bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất là thành phố Hà Nội thí điểm xây dựng mô hình trung tâm “một điểm dừng”, như một hình thức cải cách hành chính, là trung tâm một cửa trong việc giúp trẻ bị xâm hại sự hỗ trợ ban đầu về mặt pháp lý, quan tâm sức khỏe, các bước điều tra tố tụng… một cách thân thiện và kịp thời cho trẻ và gia đình trẻ bị hại. “Theo tôi, Hà Nội hoàn toàn có đủ cơ sở để thí điểm mô hình này. Thành phố hiện có 9 trung tâm bảo trợ xã hội và rất nhiều các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Chúng ta có thể thí điểm ở một vài tổ chức, đoàn thể” – bà Hà cho biết. 

Ở một diễn biến khác cũng liên quan đến sự an toàn của trẻ em, sau các vụ bạo lực gia đình liên tiếp xảy ra tuần qua, gây bức xúc trong dư luận và xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ra thông cáo báo chí lên tiếng cực lực phản đối các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Theo Hội LHPN Việt Nam, hành vi đánh vợ mới sinh con và đánh vợ trước mặt trẻ nhỏ là rất đáng lên án, một dạng bạo lực tinh thần nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ. Hành động này đã vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại tới sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định trẻ em sống trong môi trường gia đình bạo lực khi lớn lên có xu hướng lặp lại khuôn mẫu bạo lực trong các mối quan hệ cá nhân và quan hệ gia đình.

Cũng liên quan đến vụ việc chị Vũ Thị Thu L. trú tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội bị chồng bạo hành, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn số 3733/LĐTBXH-BĐG về việc xác minh và hỗ trợ chị Vũ Thị Thu L.

Bộ LĐ-TBXH đề nghị Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội chỉ đạo các phòng chuyên môn của Sở và Phòng LĐ-TB&XH quận Long Biên kiểm tra, xác minh thông tin nêu trên; chỉ đạo Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố (hiện đang thực hiện thí điểm Mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới,) phối hợp với các cơ quan chức năng trực tiếp giúp đỡ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân và xử lý nghiêm đối tượng gây bạo lực theo quy định của pháp luật.  Kết quả thực hiện báo cáo về Bộ trước ngày 05/9/2019. 

Đọc thêm