Cụ thể, BHXH Việt Nam đề xuất, hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày, bằng mức tiền ăn trong thời gian cách ly theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ: “Trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung”.
Thời gian hưởng là thời gian thực tế NLĐ phải cách ly y tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thời gian áp dụng là từ ngày 1/6 đến hết ngày 31/12/2021 (trường hợp thời điểm ban hành chính sách sau ngày 1/6/2021 thì được áp dụng từ ngày 1/6/2021).
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho NLĐ theo phương thức do NLĐ lựa chọn là chi trả bằng tiền mặt hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân.
Đối với trường hợp trong thời gian cách ly, nếu NLĐ chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng chính sách hỗ trợ thì có thể hoàn thiện việc cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.
Lý giải về căn cứ xây dựng đề xuất này, BHXH Việt Nam cho rằng, trên cơ sở các quy định của Luật Việc làm và thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đề xuất của BHXH Việt Nam vừa bảo đảm tính pháp lý vừa bảo đảm yêu cầu thực tiễn cấp bách trong công tác phòng chống, dịch COVID-19.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 28/5/2021, có gần 38.000 người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện (trong đó có khoảng 26.000 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp); khoảng 120.000 người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú (trong đó có khoảng 84.000 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp).
Theo tính toán của BHXH Việt Nam, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày thì trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp theo phương án có đến 30.000 người mắc, khoảng 1,5 triệu người phải cách ly tập trung (trong đó có khoảng 1 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp) và khoảng 4,5 triệu người phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú (trong đó có khoảng 3 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp) thì quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng vẫn sẽ bảo đảm được nguồn kinh phí hỗ trợ cho NLĐ.
Về đánh giá tác động của đề xuất tới các mặt kinh tế-xã hội, BHXH Việt Nam cho rằng, việc hỗ trợ cho NLĐ sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho Ngân sách Nhà nước do thay đổi chính sách; bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong dài hạn; không phát sinh chi phí nhưng vẫn bảo đảm nguồn nhân lực cho sản xuất, kinh doanh với người sử dụng lao động. Mà việc hỗ trợ kịp thời cho NLĐ phải cách ly y tế sẽ giúp giảm bớt được khó khăn về tài chính trong bối cảnh thu nhập bị giảm khi phải nghỉ việc, từ đó, giúp NLĐ được bảo vệ tốt hơn trước rủi ro bất khả kháng.
Như PLVN đã đưa tin, Bộ LĐ-TBXH cũng đang xin ý kiến về việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động phải cách ly y tế.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm thì người sử dụng lao động trả lương ngừng việc. Mức lương ngừng việc theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu trong 14 ngày nghỉ việc đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian cách ly y tế có thể kéo dài trên 14 ngày theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người lao động và gia đình do người lao động bị cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Bộ LĐTBXH đề xuất xem xét, giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc nhưng phải cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"