Đề xuất lập Khu thương mại tự do (FTZ) tại Đà Nẵng : Kỳ vọng động lực phát triển mới cho đô thị trung tâm miền Trung

(PLVN) - Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do (FTZ) tại Đà Nẵng là một nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; đã được Chính phủ trình lên Quốc hội tại Tờ trình 188/TTr-CP ngày 26/4/2024.
Một góc TP Đà Nẵng. Ảnh trong bài: Vũ Vân Anh)

PLVN đã có cuộc phỏng vấn kiến trúc sư (KTS) Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao & các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA).

Thưa ông, mới đây Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, trong đó có đề xuất thí điểm thành lập khu thương mại tự do. Xin ông cho biết một số chính sách, cơ chế đặc thù với FTZ Đà Nẵng?

- TP đề xuất thí điểm thành lập FTZ Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu, với một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực phát triển mới cho Đà Nẵng, khai thác tối ưu tiềm năng, vai trò của TP.

FTZ Đà Nẵng được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách mới, tiên tiến. Để FTZ thực sự có sức hút, tạo ra động lực thúc đẩy phát triển, Đà Nẵng đã đề xuất một số chính sách ở các lĩnh vực như đất đai, ưu đãi đầu tư, thuế quan... nhằm hình thành cơ chế hoạt động thuận lợi cho nhà đầu tư.

Ví dụ về ưu đãi đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng; dự án của nhà đầu tư thuê lại đất tại FTZ Đà Nẵng; được áp dụng như dự án đầu tư trong khu kinh tế.

Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại FTZ Đà Nẵng thực hiện trình tự, thủ tục áp dụng với nhà đầu tư trong nước, không cần phải có dự án đầu tư, không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Các hoạt động đầu tư tại FTZ Đà Nẵng như mức ưu đãi, thời hạn áp dụng ưu đãi về tiền thuê đất, thuế, các ưu đãi đầu tư khác đều được đề xuất áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Ngoài ra, chính sách quan trọng được đề xuất là cơ chế trong quản lý nhà nước với FTZ theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, tập trung thống nhất đầu mối theo cơ chế một cửa tại cơ quan dự kiến được giao quản lý trực tiếp là Ban Quản lý.

Việc thành lập FTZ Đà Nẵng sẽ có ý nghĩa thế nào với sự phát triển kinh tế của Đà Nẵng và khu vực?

- Về lâu dài, là cách thức hiệu quả để rút ngắn thời gian và chi phí thâm nhập vào thị trường thế giới. Với đặc thù chủ yếu là sản xuất và thương mại quốc tế, sẽ tạo môi trường làm việc ở trình độ quốc tế, là khu vực lý tưởng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, tiếp nhận vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ các nhà đầu tư với trình độ cao hơn. Qua đó mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ.

FTZ Đà Nẵng sẽ tạo tăng trưởng hàng hoá qua các cảng Đà Nẵng, thúc đẩy Đà Nẵng thành trung tâm cảng biển khu vực miền Trung, kéo theo nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế.

Cùng với thu hút đầu tư nước ngoài, FTZ Đà Nẵng cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động logistics giá trị cao với quy cách, tiêu chuẩn hàng hóa cao cấp, kinh nghiệm làm việc với đối tác quốc tế; góp phần gia tăng năng lực logistics, tạo thêm nguồn hàng, nâng chất lượng cho cụm logistics miền Trung vốn là mắt xích yếu trong hệ thống logistics toàn quốc.

FTZ Đà Nẵng tạo ra sức hút đầu tư từ các DN lớn, nhà đầu tư chiến lược bên cạnh việc áp dụng song song các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư từ nước ngoài, tạo lập môi trường kinh doanh quốc tế.

FTZ Đà Nẵng góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng, tạo ra chuỗi sản phẩm dịch vụ cao cấp, góp phần thu hút du khách đến Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

KTS Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao & các khu công nghiệp Đà Nẵng.

Là địa phương đầu tiên của cả nước đề xuất lập FTZ, TP Đà Nẵng sẽ có những thuận lợi và rủi ro gì?

- Khi đề xuất thực hiện thành lập FTZ đầu tiên cả nước, Đà Nẵng đã đánh giá nhận định về những điều kiện phù hợp để triển khai; cả những rủi ro, thách thức khi thực hiện.

Đà Nẵng là TP có nhiều thuận lợi và điều kiện phù hợp để thí điểm FTZ. FTZ Đà Nẵng là 1 trong 12 quy hoạch phân khu của TP; vị trí quy hoạch có tổng diện tích quy hoạch gần 1.300ha với những dự án đầu tư chiến lược trở thành phân khu đô thị cảng biển lớn của khu vực như cảng Liên Chiểu; ga Kim Liên thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam; trung tâm logistic; khu công nghệ cao… đồng thời tiếp giáp, lân cận các khu, điểm du lịch đang và sẽ định hình thương hiệu du lịch Đà Nẵng và miền Trung.

Những yếu tố này hình thành một khu vực năng động, có tiềm năng để thu hút các tập đoàn quốc tế xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung gắn với các dịch vụ chất lượng cao; làm đa dạng hoạt động thương mại, dịch vụ.

Bên cạnh đó, việc triển khai FTZ Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi tác động nhất định đến chính sách quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, giải tỏa, bồi thường, tái định cư cho các hộ dân tại khu vực có dự án triển khai; đặc biệt là vấn đề an sinh, chuyển đổi cơ cấu lao động sau khi thu hồi đất... Do vậy, cần có phương án khảo sát, đánh giá, vận động phù hợp, có thể triển khai thuận lợi, nhanh chóng.

Sự hình thành và hoạt động hiệu quả của FTZ Đà Nẵng sẽ là điểm thu hút, tập trung dân cư, khách du lịch, người nước ngoài đến sinh sống, làm việc và hoạt động kinh doanh quanh khu vực FTZ cũng như trên địa bàn Đà Nẵng. Bên cạnh việc thúc đẩy nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nguồn lực lao động phát triển tại địa phương; còn đặt ra thách thức cho chính quyền các cấp về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.

Nhận thức rất rõ về các rủi ro khi triển khai FTZ nên trong quá trình đề xuất, xây dựng chính sách liên quan, Đà Nẵng đã rà soát toàn diện, kỹ lưỡng các mặt tác động của chính sách khi trình với Trung ương.

Xin cảm ơn ông!