Gần chục triệu công trình NS, VSMT đã được xây dựng từ vốn chính sách
Khi mới thực hiện – năm 2004, đối tượng thụ hưởng của chương trình là các hộ gia đình cư trú hợp pháp tại khu vực nông thôn không phân biệt hộ nghèo hay hộ không nghèo, chưa có nước sạch và công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia về NS&VSMTNT. Khi đủ điều kiện vay vốn, mỗi hộ gia đình được vay 02 loại công trình (01 công trình nước sạch, 01 công trình vệ sinh), mức cho vay tối đa đối với mỗi loại công trình là 4 triệu đồng/công trình. Lãi suất cho vay được Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ, lãi suất cho vay tại thời điểm đó là 0,5%/tháng.
Để Chương trình cho vay NS&VSMTNT phù hợp, sát với thực tế, ngày 03/3/2014, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT, theo đó, đối tượng vay vốn là: “Hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình NS&VSMTNT đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia được UBND cấp xã xác nhận”.
Mức cho vay tối đa là 6 triệu đồng/công trình/hộ. Với lãi suất được Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ, hiện nay là 0,75%/tháng.
Qua 13 năm triển khai chương trình tín dụng NS&VSMTNT, doanh số cho vay từ khi thực hiện chương trình đến 30/9/2017 đạt 47.332 tỷ đồng, đã giúp cho trên 5,6 triệu hộ gia đình sống tại khu vực nông thôn có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để xây dựng 9.928 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tổng dư nợ đến ngày 30/9/2017 là 26.330 tỷ đồng, với 2.624 ngàn hộ gia đình còn dư nợ. Chương trình đã khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã đi vào lòng người, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Cần thiết nâng mức cho vay tối đa chương trình NS&VSMTNT
Việc vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các mô hình cấp nước sạch đã giúp cho các hộ gia đình trên toàn quốc được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, đạt được cả hiệu quả về mặt kinh tế, mặt xã hội và về môi trường. Chương trình giảm bớt khó khăn hàng ngày bà con phải đi lấy nước rất xa khu dân cư, nhất là các hộ dân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi. Đồng thời, hạn chế tình trạng bệnh tật trong dân cư, đặc biệt là các bệnh có liên quan đến nước và vệ sinh, từ đó giúp giảm chi phí khám chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ cho nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh nhu cầu về nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu của người dân về NS&VSMTNT thường xuyên còn hạn chế, thì mức cho vay tối đa mới chỉ được điều chỉnh tăng 01 lần từ 04 triệu đồng lên 06 triệu đồng/công trình/hộ, như vậy mức vay tối đa đối với 01 công trình là 6 triệu đồng, trong khi giá cả về nguyên vật liệu, nhân công ngày càng cao như hiện nay sẽ không đáp ứng những chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đảm bảo chất lượng. Cùng với đó đã có nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri các địa phương, đề nghị các bộ, ngành trình Chính phủ xem xét nâng mức cho vay chương trình NS&VSMTNT từ 06 triệu đồng/1 công trình lên 12 triệu đồng/1 công trình để phù hợp với chi phí và giá cả hiện nay.
Chương trình NS&VSMTNT gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, là một trong số 19 tiêu chí quốc gia nông thôn mới. Để thực hiện tốt và hoàn thành mục tiêu đề ra, NHCSXH đề xuất với Chính phủ điều chỉnh tăng mức cho vay tối đa đối với mỗi loại công trình lên 12 triệu đồng/công trình. Đồng thời, đề nghị tăng cường nguồn vốn cho chương trình này nhằm phục hồi và nâng cấp các hệ thống cấp nước tập trung và đáp ứng nhu cầu vốn vay ngày càng lớn của người dân khu vực nông thôn để xây dựng công trình cấp nước sạch.