Đề xuất quy định để xử lý nghiêm hành vi điều chỉnh quy hoạch gây hậu quả nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cho rằng quy hoạch sai thì rất khó xử lý và hậu quả là khôn lường, GS.TS. Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề xuất quy định về loại tội phạm “điều chỉnh quy hoạch gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý nghiêm hành vi này.
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Trong hai ngày 28/2 và 1/3, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội thảo do Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật chủ trì, phối hợp với Tạp chí Đời sống và Pháp luật và một số đơn vị thực hiện.

Phát biểu khai mạc hội thảo sáng 28/2, TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, dự án Luật Đất đai là dự án Luật rất quan trọng, nếu làm tốt và tổ chức thực hiện tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới.

TS. Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, quan điểm chung trong quá trình hoàn thiện dự án Luật này là cần nghiêm túc nghiên cứu để thể chế hóa đầy đủ những chủ trương, đường lối của Đảng. Đặc biệt, phải khắc phục được những tồn tại hiện nay của Luật Đất đai 2013.

Góp ý tại hội thảo, GS.TS. Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 quy định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Ông Phan Trung Lý đề nghị rà soát kỹ hơn để các quy định của dự thảo Luật thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, đảm bảo các điều luật được cụ thể hóa nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”.

Phân tích về một số nội dung cụ thể, đề cập đến mối quan hệ giữa quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, GS.TS. Phan Trung Lý cho rằng, hiện nay, chúng ta đang làm “ngược” giữa quy hoạch và kế hoạch.

Theo đó, ông Phan Trung Lý chỉ ra rằng, quy hoạch phải làm trước, quy hoạch phải có tiêu chí, mục tiêu để trên cơ sở đó đi đến kế hoạch nhưng theo nhận định của ông, chúng ta đang làm theo hướng quy hoạch là tổng hợp những kế hoạch hiện có.

“Tôi không phản đối việc điều chỉnh quy hoạch nhưng việc điều chỉnh quy hoạch phải quy định chặt chẽ về tiêu chí chứ không thể tùy tiện”, GS.TS Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Nêu rõ quan điểm những vi phạm pháp luật về quy hoạch phải được nghiêm khắc xử lý, ông Phan Trung Lý đề xuất quy định về loại tội phạm “điều chỉnh quy hoạch gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý nghiêm hành vi này.

“Tham nhũng 1 nghìn, 2 nghìn hay 10 nghìn đồng thì mất tiền nhưng có thể sửa đổi. Còn quy hoạch đã sai thì rất khó xử lý và hậu quả là khôn lường”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích.

Cũng quan tâm về vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Hội Luật gia Việt Nam nhận xét, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại dự thảo Luật chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

GS.TS. Lê Hồng Hạnh cho rằng, cần tiếp cận sát hơn, làm sao để từng quy định của dự thảo Luật phải góp phần xử lý những bất cập của thực tiễn đang đặt ra.

“Ví dụ, khắp nơi người ta kêu là “quy hoạch chồng quy hoạch” thì trong dự thảo Luật này, việc quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch mâu thuẫn với quy hoạch, với kế hoạch sử dụng đất phải xử lý được”, ông Hạnh nói.

Bên cạnh đó, băn khoăn về vấn đề xung đột pháp luật, GS.TS. Lê Hồng Hạnh nhận định, tại chương về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trong dự thảo Luật đã hiện thị rất rõ nhiều xung đột nhiều xung đột với luật hiện hành.

Dẫn quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, theo đó trong hệ thống quy hoạch quốc gia có quy hoạch sử dụng đất và quy định rõ về trình tự, thủ tục lập, thẩm định quy hoạch nhưng GS.TS. Lê Hồng Hạnh cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định vừa trùng lặp, vừa mâu thuẫn với Luật Quy hoạch.

“Luật Quy hoạch là luật chung, luật để xây dựng các quy hoạch tổng thể quốc gia thì Luật Đất đai (sửa đổi) phải viện dẫn, phải áp dụng các quy định trong Luật này”, ông Lê Hồng Hạnh kiến nghị.

Đọc thêm