Đến lúc nào người Sài Gòn mới thôi 'nơm nớp lo' khi ra đường?

(PLO) - Mỗi ngày, tại quận trung tâm TP HCM có đến hàng trăm vụ cướp giật. Và cướp giật đang trở thành một “đặc sản” đáng sợ của TP HCM như lời đùa chua chát của nhiều người dân. 
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Vụ việc nhóm hiệp sĩ giao thông vây bắt cướp và bị đâm khiến 2 người chết, 1 người trọng thương như giọt nước tràn ly, khiến người dân thành phố giờ đây càng lo lắng hơn bao giờ hết nạn cướp giật hoành hành tại đây. 

Từ nhiều năm nay, TP HCM vốn nổi tiếng vì nạn cướp giật hoành hành. Người dân thành phố đã từ lâu tập cho mình thói quen “nơm nớp” lo lắng cho tài sản của mình mỗi khi đi ra đường. Không nơm nớp sao được khi hàng ngày nhan nhản những vụ bị giật dây chuyền, giật điện thoại, giật giỏ xách khi đi xe. Rồi khi người dân trở nên đề phòng hơn, thì cướp giật cũng manh động và liều lĩnh hơn. Đến cả người đi bộ trên hè phố cũng bị giật dây chuyền, trang sức, người nghe điện thoại trước hiên nhà mình cũng bị giật điện thoại, đi đổ xăng móc cốp trả tiền thì bị giật ví, dừng xe chuẩn bị vào nhà cũng bị cướp xe... Có trường hợp, cướp mở luôn cửa kính, đi thẳng vào nhà, quán cafe, cửa hàng cướp điện thoại, ipad ngay trên tay người dân rồi tẩu thoát giữa thanh thiên bạch nhật.

Người dân thành phố cảnh giác cao độ mà vẫn bị cướp thì chuyện du khách Tây ta đến TP HCM bị cướp giật là chuyện rất đỗi... bình thường. Không ít câu chuyện du khách bật khóc giữa đường khi đang chụp hình bị giật mất điện thoại, hoặc phải cầu xin lòng thương cảm của người dân để có tiền sống qua ngày, vì bị cướp tất cả giấy tờ tiền bạc, bơ vơ nơi đất khách quê người.

Nhưng đâu chỉ là câu chuyện mất của, bởi của cải mất rồi có thể làm lại được, nhưng có những trường hợp là đánh đổi cả tính mạng, sức khoẻ. Cách đây nhiều năm, một nam sinh viên Đại học Văn hoá TP HCM đã mồ côi mẹ chỉ sau một vụ cướp. Mẹ em ngồi sau lưng cha em đến ngân hàng chính sách để vay tiền hỗ trợ học phí cho con, vừa chạy ra ngoài ngân hàng thì gặp hai tên cướp chờ sẵn giật giỏ. Người mẹ vội ghì túi lại, và bị tên cướp rút dao đâm chết ngay tức khắc, đến nay, tên cướp ấy vẫn chưa bị bắt. Phóng viên một tờ báo tại TP HCM đeo ba lô, chạy xe máy đi tác nghiệp, đã gặp hai tên cướp liều lĩnh giật ba lô, giật không được, nhưng chúng kéo nữ phóng viên đi một đoạn dài, khiến cô bị tuột một đoạn da chân, suýt gãy xương...

Cách đây ít lâu, một nữ sinh đã tử vong sau khi bị cướp giật mất túi xách, còn em thì cố đuổi để lấy lại tài sản, bị bọn cướp đạp ngã ra đoạn đường đông đúc. Một nạn nhân khác bị bọn cướp giật đồ và kéo lê hơn 50 mét giữa đường phố Sài Gòn...

Trong những clip chia sẻ trên mạng, người ta thấy bọn cướp giật ra tay nhanh, tàn nhẫn và liều lĩnh đến rợn người. Người dân cũng chỉ biết tự an ủi, thà buông xuôi để bị cướp còn hơn chống cự để mất mạng.

Trộm cướp hoành hành ở Sài Gòn là có thật, người dân không còn nhiều lòng tin ở cơ quan có chức năng bảo vệ họ, cũng là điều có thật. Thế nên, con số 100 vụ cướp tại quận trung tâm là con số thực tế, còn con số đi trình báo, chỉ có 1/10. Nên mới có chuyện người dân tự lập ra đội hiệp sĩ để cứu, giúp lẫn nhau, cùng đối phó nạn cướp giật. Đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của đội bắt cướp tự phát, nhưng vì mất niềm tin, vì cơ quan công quyền không hiệu quả, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, đặt niềm tin ở nhau. Và rồi, những hậu quả đau lòng đã xảy ra...

Đến lúc nào người dân Sài Gòn mới thôi “sống trong sợ hãi”? Đến khi nào mới có những “hiệp sĩ” thực sự từ cơ quan công quyền, để bảo vệ dân và trả lại một Sài Gòn bình yên, đáng sống?.

Đọc thêm