Đến năm 2030, Việt Nam có bờ biển sạch đẹp, an toàn

(PLO) - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức hội thảo lập kế hoạch tăng cường thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững biển Đông Á tại Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng  Tổng cục Biển và Hải đảo Vũ Sĩ Tuấn cho rằng, để bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên biển một cách bền vững, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. 
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Pemsea đã ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Pemsea đã ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.

Chiến lược sẽ đề xuất giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất xung đột giữa bảo vệ, bảo tồn với khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế, tạo lập sinh kế bền vững cho các cộng đồng ven biển, tăng cường năng lực và khả năng ứng phó với sự cố môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu; đồng thời thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của các tổ chức xã hội và cộng đồng vào các hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường đới bờ.

Hoàn thiện pháp lý cho việc quản lý

Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2020 sẽ hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo cơ sở pháp lý thực hiện hiệu quả quản lý tổng hợp đới bờ; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên đới bờ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; đồng thời đào tạo, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan và cộng đồng về quản lý tổng hợp đới bờ, các tài nguyên và giá trị của thiên nhiên cũng như những mối đe dọa tự nhiên đến đời sống, an sinh xã hội ở đới bờ.

Ngoài ra, chiến lược cũng sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng chính sách và triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý tổng hợp đới bờ.

Chiến lược cũng đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 đới bờ của Việt Nam sẽ sạch, đẹp và an toàn để sinh sống, làm việc và đầu tư. Đây sẽ là nơi mọi người dân được quyền làm chủ và hưởng thụ tối đa các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử, sinh thái cảnh quan được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo.

Phạm vi xây dựng chiến lược sẽ bao gồm vùng ven biển ven bờ các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương có ranh giới ngoài bờ cách 6 hải lý. Về phần đất liền sẽ gồm các xã, phường, thị trấn giáp biển của 28 tỉnh, thành có biển.

Xây dựng dự án trọng điểm

Ông Stephen Adrian Ross, Giám đốc điều hành Tổ chức quản lý môi trường biển Đông Á (Pemsea) cho rằng, khi  xây dựng và triển khai chiến lược sẽ hình thành một mô hình quản lý tổng hợp, kiểm soát các chất thải gây ô nhiễm tới đới bờ; đồng thời đưa ra một kế hoạch tổng hợp về những dự án đầu tư trọng điểm, từ đó sẽ đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho các tỉnh như thế nào để dự án đạt hiệu quả cao nhất.

Chiến lược được xây dựng bao gồm 4 nội dung: xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp đới bờ; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tổn thất do thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đào tạo tăng cường năng lực quản lý tổng hợp đới bờ cấp quốc gia và tỉnh.

Để thực hiện những nhóm nội dung này, các bên tham gia xây dựng chiến lược cũng đề ra những nhóm giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng và tăng cường năng lực thực thi pháp luật về quản lý tổng hợp đới bờ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.

Các bên liên quan cần tiếp tục tăng cường đa dạng hóa nguồn đầu tư cũng như đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy hội nhập và hợp tác quốc tế trong quản lý đới bờ.

Để triển khai hiệu quả Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.

Trong  đó, những mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn 2016 – 2017 sẽ tiến hành thành lập Ban điều phối chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch; hoàn thiện và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tổng hợp đới bờ; xây dựng, phân vùng chức năng và triển khai các chương trình đào tạo nâng cao năng lực truyền thông; triển khai chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ tại 28 địa phương ven biển và xây dựng hướng dẫn về đồng quản lý tài nguyên vùng bờ.

Tại hội thảo, lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Pemsea đã ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên…/.

Đọc thêm