Đeo vòng tay ngà voi: Cầu an hay “mời” pháp luật “sờ gáy”?

(PLO) - Sau một thời gian rộ lên mốt nhẫn, vòng lồng long đuôi voi, hiện nay nhiều người nhất là giới nữ lại sưu tầm vòng tay ngà voi vì tin rằng sẽ mang lại may mắn tài lộc cho người đeo, mà không hề biết rằng hành vi mua, tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm từ ngà voi là vi phạm pháp luật. 
Các hình ảnh quảng cáo vòng tay ngà voi trên mạng, trong đó có thể thấy thương hiệu SJC và mẫu giấy chứng nhận kiểm định.
Các hình ảnh quảng cáo vòng tay ngà voi trên mạng, trong đó có thể thấy thương hiệu SJC và mẫu giấy chứng nhận kiểm định.

Chiếc vòng tay ngà voi và sự đội lốt trắng trợn?

Chị Minh Hạnh làm việc ở một công ty xây dựng rất hãnh diện khoe bạn bè chiếc vòng tay 33 hạt bao gồm 17 hạt ngà voi Châu Phi và 16 hạt vàng mà chị vừa sắm được trên mạng từ một nhãn hiệu trang sức nổi tiếng với giá ưu đãi 38% giảm từ 1,2 triệu xuống còn 750 nghìn đồng. Thấy chiếc vòng đẹp mọi người xúm vào hỏi địa chỉ mua và được chị Hạnh chỉ dẫn tận tình: “Đó là vòng tay ngà voi của SJC có chứng nhận khẳng định là 100% ngà voi thật của Trung tâm nghiên cứu kiểm định đá quý và vàng hẳn hoi. Vòng tay ngà voi mang lại sự bình an, sức khỏe, tránh đau ốm bệnh tật cho người sở hữu”. 

Lần theo lời giới thiệu của chị Hạnh, phóng viên đã tìm được quảng cáo vòng tay ngà voi SJC trên mạng. Trong quảng cáo có cả hình ảnh chụp mẫu giấy chứng nhận của Trung tâm nghiên cứu kiểm định đá quý và vàng viết tắt là APL, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường, chất lượng công nhận phù hợp với TCVN 7748 theo quy định giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A2736 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Giấy chứng nhận có số phiếu 158254 cấp ngày 2/4/2017. Sau một loạt các chỉ số giám định trên phiếu cho thấy kết luận là: Lắc tay ngà voi vàng 10k.

Khi phóng viên chuyển thông tin đến với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), nhận thấy đây là hành vi vi phạm pháp luật lại có liên quan đến một công ty nổi tiếng là SJC – Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn, ngay lập tức cán bộ của ENV đã gọi điện đến Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC theo số điện thoại 028.39293388 để tìm hiểu và được biết SJC chỉ có một website chính thức là http://www.sjc.com.vn ngoài ra nhân viên SJC cho biết không còn website nào khác nữa. Nhân viên bán hàng của SJC cũng xác nhận là bên đó không có bán sản phẩm vòng tay ngà voi. Theo nhận định của ENV, rất có khả năng website http://www.lactayngavoi.com không phải trang chính thức của SJC.

Có thể nói, trường hợp của chị Minh Hạnh không phải là hiếm trong “cơn sốt” vòng  tay ngà voi đang diễn ra hiện nay, sau khi “cơn sốt” nhẫn vòng lông đuôi voi tạm lắng xuống vì sự lên tiếng của truyền thông về hành vi chặt trộm đuôi voi sống đầy tàn nhẫn. Tham khảo trên các diễn đàn có thể thấy rất nhiều người có hứng thú tìm hiểu và tìm mua vòng tay ngà voi. 

Trên một tờ báo, trả lời câu hỏi độc giả Bùi Bảo Châu từ Buôn Mê Thuộc – Đắk Lắk rằng vòng ta ngà voi có tác dụng tránh gió không, TS Phạm Trọng Ảnh, nguyên cán bộ Phòng Động vật có xương sống Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết: “Ngà voi đắt nhưng thực tế không có tác dụng gì đối với sức khoẻ. Một chiếc vòng đeo tay nhỏ bằng ngà voi cũng có giá vài triệu đồng. Đeo vòng ngà voi tránh gió, phòng nhiễm độc... mới chỉ là những quan niệm dân gian truyền miệng, chứ chưa có nghiên cứu nào cụ thể về tác dụng của nó. Xét về cấu tạo cơ học thì ngà voi thực chất chỉ là một chiếc răng. Nó không có tác dụng gì ngoài để trang trí, nhưng có lẽ càng cấm thì càng quý nên nó mới bị săn lùng”.

Buôn bán ngà voi có thể phạt tiền 100 triệu và 5 năm tù

Điều mà TS Phạm Trọng Ảnh quên hoặc chưa nói đến, đó là hành vi mua, tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm từ ngà voi là vi phạm pháp luật. Theo quy định hiện hành, tất cả các sản phẩm ngà voi châu Phi bị buôn bán trái phép đều được coi là mẫu vật thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Ngà voi và các sản phẩm từ voi vì thế cũng là mặt hàng cấm theo quy định tại Luật Đầu tư 2014.

Chính vì vậy, hành vi buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng hành vi này có thể bị xử lý hình sự lên đến 5 năm tù theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Hướng dẫn số 2140/VKSTC-V3 ngày 18/6/2016 về việc phục hồi  xử lý các vụ án, vụ việc tàng trữ, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác. Riêng hành vi quảng cáo buôn bán các sản phẩm bị cấm như ngà voi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100 triệu đồng theo quy định tại Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc và Trưởng phòng Chính sách Pháp luật của ENV chia sẻ quan điểm, dù là SJC hay bất cứ bên nào có hoạt động kinh doanh ngà voi thì cũng là vi phạm pháp luật.  Quảng cáo và buôn bán ngà voi nói riêng và động vật hoang dã (ĐVHD) cũng như các sản phẩm/ bộ phận của ĐVHD là vi phạm pháp luật. Không những vậy, hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD đã và đang vô tình tiếp tay cho các đối tượng săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép, đe dọa đến sự sống còn của các loài ĐVHD, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm như voi, hổ, gấu, tê giác, tê tê...

Chính vì vậy, ENV khuyến nghị người tiêu dùng không mua và tiêu thụ các sản phẩm từ ngà voi nói riêng và có nguồn gốc từ ĐVHD nói chung cũng như thông báo vi phạm tới đường dây nóng bảo vệ ĐVHD 1800 1522  nếu thấy ĐVHD bị quảng cáo hoặc buôn bán ở Việt Nam” – bà Hà nhấn mạnh. 

Đọc thêm