Dệt lên câu chuyện của mùa xuân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nếu trước đây, không ai thấy hình ảnh các chàng trai, cô gái đi dạo phố diện váy dân tộc mình. Giờ đây, hình ảnh cô gái trẻ mặc váy Mông, chít khăn piêu không còn là điều xa lạ, mà trở thành nét văn hoá trong nhịp sống thị thành…
Thời gian qua, một số nhà thiết kế như Diego Chula, Valentine Vân Nguyễn và Lý Quí Khánh đã trình làng ba bộ sưu tập ứng dụng thổ cẩm vào những phom dáng trang phục hiện đại hoặc tạo điểm nhấn cho những thiết kế cao cấp.
Thời gian qua, một số nhà thiết kế như Diego Chula, Valentine Vân Nguyễn và Lý Quí Khánh đã trình làng ba bộ sưu tập ứng dụng thổ cẩm vào những phom dáng trang phục hiện đại hoặc tạo điểm nhấn cho những thiết kế cao cấp.

“Biết yêu” từ thuở chưa tròn đôi mươi

Còn nhớ buổi chiều Hà Nội một ngày giáp Tết, hiếm hoi lắm mới có cơ hội để quy tụ nhiều cộng đồng từ các tỉnh, thành về đây để cùng kể câu chuyện của những tấm thổ cẩm. Ở đó, người ta không chỉ dệt hoa văn mà còn dệt cả những nét văn hóa, những câu chuyện quá đỗi bình dị mà ẩn chứa bao điều dường như quên lãng...

“Dệt câu chuyện mình” mở đầu với câu chuyện chia sẻ của cô Ván Chi, cô Cao Thị Sơn, cô Lâm Nữ Minh là đại diện của cộng đồng người Pà Thẻn, người Mường và người Chăm giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm trong đời sống và văn hóa cộng đồng. Phía sau những hoa văn đầy tính biểu tượng là những câu chuyện, điển tích, thần thoại… gắn liền với cả một cộng đồng.

Ông Hà Thanh Dương, một trong nghệ nhân dệt thổ cẩm nam hiếm hoi người Mường trải lòng câu chuyện quan niệm về giới tính gắn với nghề dệt thổ cẩm. Người ta vẫn coi dệt thổ cẩm là nghề của phụ nữ khi nam giới Mường nhẽ ra phải biết săn bắn. Năm 13 tuổi, ông bắt đầu dệt những phục trang đầu tiên. Năm 17 tuổi, ông đổi 2 bộ quần áo lấy một căn nhà. Ở tuổi đã ngoài tứ tuần, khi chứng kiến sự phát triển ồ ạt của dệt công nghiệp với mẫu mã kém chất lượng, ông Dương đã đốt 25 khung dệt.

Chị Tải Thị Mai kể rằng, với người Pà Thẻn, biết dệt là một điều rất cao quý. Trong quan niệm của người Pà Thẻn, con gái Pà Thẻn biết dệt sẽ có thể gả vào các gia đình quyền quý, không biết dệt sẽ không được đánh giá cao. Nối nghiệp mẹ, một nghệ dân dệt người Pà Thẻn, chị Mai cũng bắt đầu với từng đường thoi, sợi vải, hiểu ngọn ngành những hoa văn. Nghề dệt như một “báu vật” được truyền từ đời này sang đời khác, tưởng chừng như bị bỏ quên, nay mang đến ý nghĩa mới cho cuộc đời chị Mai và cả gia đình.

Những nghệ nhân “dệt nên câu chuyện mình”.

Những nghệ nhân “dệt nên câu chuyện mình”.

Chị Phú Thị Mỹ Yến, tốt nghiệp ngành Điều dưỡng nhưng đã trở lại quê hương nối nghiệp cha mẹ; con út người Chăm sẽ tiếp quản cơ ngơi gia đình. Và “cơ ngơi” ấy là nghề dệt, những khung dệt và một kho tàng văn hóa đang chờ người tiếp nối. Là một người trẻ trăn trở với văn hóa và giá trị truyền thống, chị Yến đã tự hỏi sao mình lại quá sống vội từ trước đến nay, không hiểu kỹ càng ý nghĩa những hoa văn của dân tộc mình.

Nghệ nhân Ka Mom (55 tuổi, dân tộc Châu Mạ, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) chỉ với một vài dụng cụ đơn giản cùng những động tác đan qua luồn lại nhưng cho ra một mảnh vải đầy màu sắc, họa tiết cuốn hút như thế, nghĩ thật tài. Bà Ka Mom đã có hơn 40 năm theo nghề dệt thổ cẩm chia sẻ: “Ngày xưa, ông bà chúng tôi thường nói muốn không ế chồng thì tập dệt chăn thổ cẩm. Nhìn vào tay nghề của người dệt, người ta sẽ biết chọn dâu cho gia đình. Chúng tôi nghe bảo thế thì học theo và cũng chẳng biết yêu nghề tự bao giờ”, bà nói.

Trong ký ức của bà vẫn còn hiện lên hình ảnh ngày theo cha mẹ gieo hạt bông, chờ quả chín, thu hoạch về se sợi, nhuộm màu rồi cho lên khung dệt. Tất cả công đoạn đó tuy nhọc nhằn nhưng luôn chứa đựng một niềm vui bất tận, khó thể diễn đạt thành lời.

Chị Điểu Thị Xia (33 tuổi, dân tộc Xtiêng, quê Bình Phước) chỉ biết hình ảnh người mẹ ngồi bên khung dệt từ khi chị còn rất nhỏ là một mảng ký ức khó phai. Trí tò mò của trẻ thơ đã khiến chị lần mò học dệt thổ cẩm cho bằng được, để rồi nay trở thành nghề. Chị kể: “Tôi bắt chước mẹ, trộm chỉ dệt của mẹ để làm vòng đeo tay, dây cột tóc. Tôi thấy sự kỳ diệu từ khung dệt, có thể tạo ra rất nhiều hoa văn, họa tiết… Càng lớn lên, khi biết đó là một nét văn hóa của dân tộc mình, tôi càng yêu cái nghề này và quyết theo đuổi đến cùng”. Bốn chị em của chị Xia đều đã lớn lên như thế. Và nay, những đứa cháu thế hệ 2000 cũng đã bắt đầu ngấm dần tình yêu với thổ cẩm, một cách tự nhiên, như là phải thế!

Nghệ nhân Quảng Thị Tám (54 tuổi, dân tộc Chăm, đến từ Ninh Thuận) theo nghề từ năm 15 tuổi. Trên khung dệt, những họa tiết ca-rô với hai gam màu cam, trắng bắt mắt dần hiện ra. Chỉ mai đây, chúng sẽ theo một vị khách phương xa nào đó để trở thành tấm khăn choàng hay được biến thành những phụ kiện, vật dụng bắt mắt trong gia đình...

Bà Tám tâm sự: “Tôi thích nhìn mình, nhìn người thân diện trang phục thổ cẩm do chính tôi dệt. Với tôi, đó là sản phẩm có được từ sự cần cù, khéo léo của người phụ nữ”.

Và những cuộc gặp gỡ của hy vọng

Được hình thành từ năm 2015, đến nay Tiên Phong (Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường - iSEE) đã quy tụ được hàng nghìn thành viên từ khoảng 20 dân tộc trên các tỉnh, thành. Sứ mệnh của nhóm là cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn và phát huy tri thức bản địa.

Những câu chuyện được kể về trang phục, nếu như bạn tưởng đã hiểu thì mới ngỡ rằng bạn chẳng hiểu gì. Bởi những câu chuyện mà nhóm sưu tầm, được kể từ chính những nghệ nhân của một dân tộc nào đó đã phai mất đi nét văn hoá cổ xưa. Sự am hiểu đến sâu sắc ý nghĩa từng hoa văn, họa tiết đã đem đến cho cộng đồng thêm vốn văn hoá chưa từng nghe trên mảnh đất hình chữ S.

Những cô gái Thái vùng Tây Bắc chẳng hạn, họ mặc trang phục truyền thống với áo cóm, váy đen và chiếc khăn piêu. Ngay từ nhỏ, người con gái Thái được các bà, các mẹ dạy cách thắt “xài yêu”, một loại thắt lưng bằng vải, để lớn lên các cô đều có thân hình “eo kíu manh po”, nghĩa là thắt đáy lưng ong. Chính vì vậy, khi trưởng thành, các cô gái Thái đều uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Phải thế chăng mà phụ nữ Thái ở lứa tuổi nào cũng đều có một cơ thể cân đối, hài hòa và càng nổi bật hơn khi mặc bộ trang phục của chính dân tộc mình.

Hay câu chuyện dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn (Hà Giang) bằng sự tài hoa, với đôi bàn tay khéo léo đã dệt lên những bộ váy áo cầu kỳ. Từ những sợi tơ mỏng manh, chế tác từ cây cỏ tự nhiên, với phương pháp dùng khung cửi dệt thủ công dệt lên những tấm thổ cẩm rực rỡ.

Mỗi tấm vải thổ cẩm là những câu chuyện về đời sống, văn hóa như: “…Ngày xưa người Pà Thẻn không trồng lúa, cả làng họp nhau cử con chó lên trời xin giống. Trên đường mang giống về trải qua nhiều nạn, phải bơi qua sông, rồi giống rơi xuống nước phải nhờ chuột giúp đỡ”.

Giai thoại đó giải thích lý do tại sao con chuột chỉ ăn phần đầu của lúa và tại sao người Pà Thẻn đưa hình ảnh con chó vào hoa văn thổ cẩm của mình. Hay câu chuyện của những người mẹ, người chị với đôi bàn tay mềm mại, cần mẫn “dệt cuộc sống”, “dệt ước mơ” cho con em sau này.

Hay như chỉ một chiếc khăn của người Chăm vùng Ninh Thuận đã mang đủ các ý nghĩa lẫn bất ngờ. Phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu, quấn theo lối chữ nhân hoặc với loại khăn to quàng từ đầu rồi phủ kín vai.

Khăn đội đầu chủ yếu là màu trắng, có loại được trang trí hoa văn theo lối viền các mép khăn (khăn to), nhóm Chăm Hroi thì đội khăn màu chàm. Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai ngoài chiếc áo dài màu trắng. Đó là chiếc khăn dài tới 23m vắt qua vai chéo xuống hông, được dệt thêu hoa văn cẩn thận với các màu đỏ, trắng, vàng của các mô tip trong bố cục của dải băng.

Trong tiến trình diễn ra hoạt động tìm hiểu hoa văn, các thành viên nhóm Tiên Phong tích cực chia sẻ những câu chuyện mình đang làm; những hoa văn, câu chuyện và ý nghĩa trên mạng xã hội một cách đầy tự hào. Từ đó, những câu chuyện cổ, tên các hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm dân tộc tưởng chừng đã mất được làm sống lại.

Những câu chuyện được kể qua các buổi trò chuyện với công chúng được nhóm Tiên Phong thực hiện rất sâu sắc. Khi họ bắt đầu nghĩ tới ý tưởng trao truyền nghề dệt thổ cẩm cũng là lúc gặp được nhóm Ethnicity Việt. Đó là một nhóm các bạn trẻ say mê sưu tầm và nghiên cứu hoa văn thổ cẩm dân tộc và đặc biệt họ đã số hóa (digitalize) các hoa văn để chúng có thể được lưu giữ và phát triển trên nền tảng mạng công nghệ.

Thổ cẩm gắn liền với nhiều hoạt động trong đời sống của người dân tộc, từ việc ăn mặc thường ngày cho đến cưới hỏi, lễ hội… Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự khéo tay, cần cù. Nó cũng rèn cho con người sự nhẫn nại, tỉ mỉ bởi các công đoạn đều thực hiện bằng tay, cần thời gian dài. Những mảnh vải họa tiết đơn giản thì mất vài ngày, còn với họa tiết cầu kỳ, phối màu khó, có khi phải cần đến vài tuần.

Cũng vì thế, thổ cẩm thường có giá rất cao. Mỗi chiếc khăn có giá vài trăm ngàn đồng, trong khi một chiếc áo đơn giản có giá gần 1 triệu đồng. Trong khi đó, thời trang hiện đại len lỏi vào cuộc sống của người dân tộc khiến trang phục thổ cẩm ngày càng ít được sử dụng hơn. Những nghệ nhân lớn tuổi qua đời hoặc không còn mặn mà với nghề. Chị Xia cho biết, ngoài trang phục, thổ cẩm còn được ứng dụng làm giày, dép, bàn ghế, tranh thổ cẩm, tranh treo tường…

Sự gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại đã kết hợp những người yêu mến văn hoá dân tộc và cùng ra ý tưởng: Xây dựng Bảo tàng online hoa văn các dân tộc. Với bảo tàng này, những câu chuyện về nghề dệt, những ý nghĩa của hoa văn và hơn hết là văn hóa của nhiều tộc người tại Việt Nam sẽ được giữ gìn và lan tỏa.

Đọc thêm